Có những bí mật kinh hoàng ở Triều Tiên mà rất ít người ở thế giới bên ngoài biết đến. Dưới đây là một vài trong số đó.
1. Xã hội 3 giai tầng
Năm 1957, khi Kim Nhật Thành nắm được quyền kiểm soát Triều Tiên, ông đã tiến hành một cuộc điều tra lớn trong quần chúng nhân dân. Kết quả cuộc điều tra làm thay đổi hoàn toàn hệ thống xã hội, phân loại tất cả người dân thành 3 giai cấp: “phe thù địch”, “người lao động” và “lớp cốt lõi”.
Căn cứ phân loại không dựa vào bản thân con người mà dựa vào lịch sử gia đình. Những người có tiểu sử trung thành với chính phủ được đưa vào “lớp cốt lõi” và có điều kiện sống tốt nhất. Đây có thể sẽ là những chính trị gia hoặc người có quan hệ chặt chẽ với chính phủ.
Những người ở giữa là tầng lớp “lao động”, hoặc trung lập, không theo đuổi hay chống lại đảng phái nào. Một số ít dân lao động có thể cố gắng lên “lớp cốt lõi”, nhưng thường là ở cấp thấp nhiều hơn.
“Phe thù địch” là những người có lịch sử gia đình phạm tội “chống lại nhà nước” như theo đạo Cơ đốc giáo và là chủ sở hữu đất. Theo Kim Nhật Thành, họ là những kẻ phá hoại và là mối đe dọa lớn nhất đối với chính phủ. Vì lý do này, họ không được đi học, không được phép sống trong hoặc gần Bình Nhưỡng và phải sống cảnh nghèo khổ.
2. Phân bón là phân người
Địa lý Triều Tiên là vùng núi khô cằn với mùa đông giá lạnh kéo dài và mùa hè gió mùa ngắn hơn. Khoảng 80% diện tích của đất nước này là đồi núi nên điều kiện canh tác vô cùng khó khăn.
Trong lịch sử, Triều Tiên thường dựa vào viện trợ phân bón từ nước ngoài, điển hình là Liên Xô. Cho đến gần đây, Hàn Quốc cũng viện trợ cho họ 500.000 tấn phân bón mỗi năm để giúp thúc đẩy sản xuất lương thực.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đã ngừng cung cấp phân bón cho nước này từ năm 2008 và nông dân phải chuyển sang một nguồn mới: Chất thải của người. Thậm chí việc này đã trở thành một chính sách của chính phủ. Các nhà máy được yêu cầu phải đáp ứng đủ 2 tấn một năm.
Nhu cầu phân bón tại đất nước bí ẩn nhất thế giới cấp thiết tới mức chất thải của con người đang được coi là một loại hàng hóa của các cửa hàng buôn bán bất hợp pháp.
3. Quyền công dân Hàn Quốc
Có nhiều người trốn khỏi Triều Tiên đến nỗi không đủ chỗ cho tất cả họ. Chính sách chính thức của Trung Quốc là đưa họ trở lại biên giới. Ở đó họ bị hành quyết hoặc bị đưa đến trại lao động khổ sai trong nhiều thập niên, một hình thức không hề thua kém bất kỳ án tử hình nào.
Chỉ có Hàn Quốc vẫn duy trì một chính sách rất nhân đạo: Tất cả những người đào thoát khỏi Triều Tiên không phải là tội phạm đều ngay lập tức được nhập quốc tịch, được đào tạo nghề nghiệp, và tư vấn tâm lý nếu cần. Họ cũng được hỗ trợ một nơi để sinh sống và 800 USD/tháng. Để khích lệ các doanh nghiệp, chính phủ Hàn Quốc còn tài trợ 1.800 USD tiền thưởng cho bất cứ nơi nào thuê một người tị nạn.
Mặc dù người Triều Tiên cần cung cấp giấy tờ để chứng minh quốc tịch, nhưng không hiếm trường hợp yêu cầu đó được miễn. Trong trường hợp những người tị nạn đến từ các trại lao động, họ không có bất kỳ giấy tờ nào. Đối với những người sinh ra trong các trại lao động, họ cũng không có giấy tờ tùy thân.
Từ năm 1953, đã có hơn 24.500 người trốn khỏi Triều Tiên đến Hàn Quốc. Bắt đầu từ năm 2002, Hàn Quốc đã nhận hơn 1.000 người mỗi năm. Và đó chỉ là những người đến được Hàn Quốc. Chính phủ Trung Quốc ước tính có tới 200.000 người Triều Tiên đào tẩu đang lánh ở vùng đồi núi và các tỉnh nông thôn của nước này. Bên cạnh đó, có rất nhiều người Triều Tiên tìm cách sang Hàn Quốc nhưng không thể bảo toàn tính mạng trong hành trình dài và nguy hiểm này.
4. Nạn ăn thịt người
Bắc Triều Tiên rơi vào nạn đói từ năm 1994 đến 1998. Năm 1996, nước này chỉ sản xuất được 3,7 triệu tấn lương thực, giảm 3 triệu tấn so với 10 năm trước. Ước tính gần 3,5 triệu người (hơn 10% dân số) đã chết vì đói trong suốt thời gian này; Hội Chữ thập đỏ Đức ước tính có 10 nghìn trẻ em chết đói mỗi tháng, nhưng quân đội Bắc Triều Tiên thì được chu cấp đầy đủ lương thực.
Số lương thực ít ỏi của người dân Bắc Triều Tiên đã bị quân đội tịch thu theo chính sách Songun – “quân đội trước nhất”, và đầu tiên họ phải chuyển sang giết vật nuôi làm thức ăn, sau đó là dế, vỏ cây, cuối cùng là… trẻ em. Thậm chí có một câu nói đã trở nên phổ biến vào thời đó: “Đừng mua thịt nếu bạn không biết nó đến từ đâu”.
Theo những người đào ngũ từ thời nạn đói, người ta sẽ tìm kiếm những đứa trẻ lang thang hay ăn xin xung quanh các nhà ga xe lửa, đánh thuốc mê chúng, sau đó đưa chúng về nhà và…, chuyện còn lại có lẽ bạn đã hiểu. Có ít nhất một bản án chính thức về một người đàn ông bị hành quyết vì ăn thịt người.
5. Tra tấn trong tù
Cho đến nay, có rất ít người trốn thành công khỏi trại lao động khổ sai của Triều Tiên và sống sót để kể lại câu chuyện của họ. Trong số những người tị nạn thoát được ra, chỉ có một người được biết đến là đã trốn thoát khỏi khu trại số 14 vốn nổi tiếng là trại lao động tàn bạo nhất Triều Tiên và chỉ dành riêng cho những “tội phạm chính trị nguy hiểm”.
Người đó là Shin Dong-Hyuk. Câu chuyện của anh được kể trong cuốn sách “Trốn thoát khỏi Trại 14” và được hãng tin CNN của Mỹ sử dụng thực hiện một số bài viết dài về chế độ nhà tù ở Triều Tiên hồi năm 2014.
Shin sinh ra trong trại lao động vì người chú đào ngũ trốn sang Hàn Quốc. Khi Shin 14 tuổi, mẹ và anh trai anh đã cố gắng trốn thoát. Năm anh 14 tuổi, mẹ và anh trai anh đã cố gắng trốn khỏi trại nhưng bị bắt lại. Vì thế, Shin bị đưa đến một nhà tù tra tấn dưới lòng đất, một “nhà tù trong tù”.
Trong hồi ức của mình, anh kể lại việc bị treo ngược lên trần nhà bởi xiềng xích sắt để bắt khai ra kế hoạch bỏ trốn của người thân. Hỏi cung không được, chúng trói tay và chân anh, người gập thành chữ U, treo trên than nóng.
Những tên cai ngục đặt một chiếc cựa sắt nhọn hoắt ở bụng để anh không thể dãy dụa vì sức nóng của than đang đốt cháy lưng mình, chỉ cần dãy một chút là có thể thủng bụng với cái cựa sắc nhọn đó. Giữa buổi thẩm vấn, họ tống anh vào một ngăn hẹp đổ đầy bê tông ướt với ngọn lửa nhỏ cháy 24h ở dưới khiến những chỗ da bị rộp ngày càng mưng mủ nhiễm trùng.
Trong tù, Shin nghe thấy những tiếng la hét của các tù nhân khác đang bị tra tấn, có thể hàng trăm người đang bị giam ở đó. Shin bị giam 7 tháng trong nhà tù này và là người duy nhất có thể rời khỏi đây để kể về sự tồn tại của nó.
Thì ra, anh từng nghe mẹ mình nói về việc bỏ trốn và cuối cùng đã khai với một tên cai ngục. Người cai ngục báo cáo sự việc lên trên nhưng không đề cập đến tình trạng của Shin. Sau khi câu chuyện của Shin được xác minh, người cai ngục không bao giờ xuất hiện nữa, và anh được thả ra vào đúng lúc nhìn thấy mẹ và anh trai bị hành quyết.
Hồng Liên (dịch và t/h)