Sau khi nhổ hơn 3.000 cây keo và thừa nhận do nhầm tên nên thông báo không tới được với người dân, chính quyền xã Tam Xuân (Quảng Nam) dự kiến sẽ hỗ trợ những hộ dân trên 4.000 đồng/cây, khoảng 12 triệu đồng tất cả.
Liên quan đến việc chính quyền nhổ 3.000 cây keo của người dân, ông Trần Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 (Núi Thành, Quảng Nam) cho2 biết, địa phương đã báo cáo vụ việc với lãnh đạo huyện.
Theo đó, Xã dự tính ngày 2/10, sẽ tổ chức họp và bồi thường cho những hộ dân bị nhổ keo tổng số tiền 12 triệu đồng. “Việc bồi thường dựa theo quyết định của UBND tỉnh với giá 4.000 đồng/cây keo. Tổng số 3.000 cây thì dự kiến số tiền là 12 triệu đồng”, Chủ tịch xã Tam Xuân 2 nói.
Trước đó, sáng 24/9, hàng chục người dân thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, Núi Thành, Quảng Nam) bức xúc khi chính quyền địa phương điều động hơn chục cán bộ đến gò Núi Tre nhổ keo do họ trồng.
Theo đó, hàng ngàn cây keo lá tràm của người dân vừa mới trồng được khoảng 7-8 tháng, cao đến thắt lưng của người lớn đã bị các cán bộ trên nhổ trơ gốc, nằm la liệt giữa rừng.
Nhiều người bất bình khi chính quyền không ra thông báo mà tự ý nhổ hơn 3.000 m2 keo trồng của 4 hộ dân. Ông Doãn Bá Ba (41 tuổi, trú thôn Thạch Kiều) không giấu được bức xúc khi nhìn hơn 3.000m2 keo trồng của gia đình mình đã bị nhổ sạch mà không biết nguyên nhân là do đâu.
“Xã không có thông báo thu hồi đất hay thông báo về việc nhổ cây nhưng lại tự ý làm như vậy là không chấp nhận được”, ông Ba bức xúc.
Được biết, gia đình ông Ba đã trồng khoảng 3.000 cây keo trên 5 sào đất mà gia đình khai hoang và sản xuất hơn 15 năm qua. Để đầu tư trồng được diện tích keo này, gia đình ông Ba phải bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng, chưa tính tiền thuê người trồng cây…
Theo lãnh đạo địa phương, khu vực gò Núi Tre trước năm 2008 do Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam quản lý. Năm 2009, UBND tỉnh bàn giao 80 ha đất cho xã. 3 năm sau, khu vực này được huyện Núi Thành phê duyệt quy hoạch thành nghĩa địa gò Núi Tre có diện tích 5 ha. Từ nay đến cuối năm xã chỉ giải phóng mặt bằng khoảng 1.000 m2.
Ông Trần Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 thừa nhận, xã đã nhầm tên khi gửi thông báo cho các hộ dân trồng keo khiến một số hộ không nắm bắt được thông tin.
Tuy nhiên, ông cho rằng trước khi thực hiện việc nhổ và chặt 3.000 cây keo trên diện tích 3.000m2, xã đã 3 lần thông báo cho người dân. Một lần vào tháng 3 và hai lần sau đó vào tháng 9 nên việc nói xã không thông báo cho người dân là sai.
“Nói chúng tôi không thông báo đến người dân là sai. Xã đã thông báo 3 lần. Tại gò Núi Tre có 7 hộ dân trồng keo, chúng tôi làm việc và có 3 hộ dân phối hợp, còn 4 hộ dân không đến họp”, ông Xuân cho hay.
Vũ Tuấn (t/h)