Tranh Thangka là một nét đặc trưng trong văn hóa người Tây Tạng. Vẽ tranh Thangka cũng tựa như một hành trình quy y theo Phật, tích lũy thiện nghiệp và công đức, là quá trình tẩy tịnh tâm linh, tu dưỡng và tôi rèn tâm tính của bản thân.
Thangka (còn được viết là Tangka hay Thanka) là loại tranh vẽ hoặc thêu treo ở các tự viện hay nơi thờ Phật tại gia đình. Thangka chỉ những họa phẩm cuốn lại được, bởi vậy rất tiện lợi cho các nhà sư mang đi đến những nơi hành lễ, mang từ tự viện này đến tự viện khác.
Tiếng Tây Tạng từ “thang” có nghĩa là phẳng, do đó tranh Thangka là họa phẩm thực hiện trên mặt phẳng, có thể cuộn lại khi không cần trưng bày, nó được gọi là “tranh cuộn” là vì vậy. Cũng có hướng truy nguyên khác, Thangka bắt nguồn từ từ “Thang yig”, tiếng Tây Tạng có nghĩa là “ghi lại”.
Tương truyền rằng bức tranh Thangka đầu tiên vẽ Nữ thần hộ Pháp Bạch Lạp Mỗ, chính là do người dân tộc Thổ Phiên dùng cái mũi đẫm máu của mình để vẽ nên.
Cũng có nơi nói rằng, tranh Thangka có lịch sử 1.400 năm, từ khi các tu sĩ Tây Tạng đi thuyết pháp đã treo những bức tranh Thangka bằng vải.
Hầu hết tranh Thangka đều có dạng hình chữ nhật. Bức bé nhất thì có kích thước bằng một bàn tay, có thể vẽ trên giấy, hoặc trên da cừu; bức lớn nhất có thể che khuất một sườn núi.
Vẽ tranh Thangka là một nét văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Tây Tạng, hơn nữa cũng rất phong phú, muôn màu muôn vẻ. Nói về tài nghệ chế tác, bức tranh Thangka có thể được thêu, dán, khảm trên các chất liệu như giấy, vải, lụa tơ tằm… rất tinh mỹ.
Tranh Thangka trứ danh là những bức tranh có màu sắc tươi sáng rực rỡ. Phẩm màu dùng để vẽ tranh được chiết xuất tự nhiên từ quặng sắt, bức tranh sau khi được vẽ hoặc thêu xong lại được đóng khung bằng vải gấm, cuối cùng còn mời Lạt Ma đến niệm kinh, khi đó mới được coi là một bức tranh Thangka hoàn chỉnh.
Tranh Thangka được dùng như một công cụ thuyết pháp, thể hiện cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt Ma danh tiếng cùng chư Bồ Tát, thánh thần. Loại Thangka màu thể hiện cả Thần và nữ thần Hindu cùng các đề tài Phật giáo: Đức Phật tọa thiền, cuộc đời Đức Phật, Pháp luân, Mạn đà la, Dược Sư Phật… Còn có một số bức tranh phản ánh cuộc sống, tập tục trong dân gian.
Người ta nói rằng, quá trình vẽ tranh Thangka cũng tựa như một hành trình quy y theo Phật, tích lũy thiện nghiệp và công đức, là quá trình tẩy tịnh tâm linh, cũng là quá trình tu dưỡng và tôi rèn tâm tính của bản thân.
Các bức tranh Thangka vẽ những thần linh được coi là Thần bảo hộ cho chúng sinh. Đối với Phật tử khi chiêm ngưỡng những bức Thangka treo trên tường, họ không chỉ cảm nhận vẻ đẹp trang nghiêm mà còn tin rằng sẽ nhận được những điều mầu nhiệm phát tỏa ra từ đó.
Theo soundofhope.org