Tinh Hoa

Nhịn không bao giờ là nhục

TT – Nhiều bạn đọc nhắc đến sự quan trọng của việc nhẫn nhịn, kèm theo các giải pháp từ chính mỗi người…

Bắt nguồn từ sự kiểm soát yếu kém

Cướp phết dẫn đến ẩu đả – Ảnh: N.Khánh

Thông thường các bên có liên quan sau khi gây ra chuyện không hay thường nói rằng do lúc đó nóng giận, thiếu kiềm chế… Điều này là có thật bởi trong các lý thuyết xã hội học gần đây bàn về hiện tượng tội phạm bạo lực, người ta chú ý nhiều đến quan điểm của hai nhà nghiên cứu

M. Gottfredson và T. Hirschi khi hai ông đưa ra khái niệm “sự tự kiểm soát bản thân yếu kém” (tạm dịch từ chữ low-self control). Theo quan điểm của hai ông, những cá nhân có sự tự kiểm soát yếu kém thường là những người rất bốc đồng, rất kích động trong khi hành động…

Hai nhà xã hội học vừa nêu trên cho rằng điều đó xuất phát từ việc cá nhân không được giáo dục một cách đúng đắn khi còn nhỏ từ trong gia đình lẫn trong trường học, cộng với những hình ảnh bạo lực từ xã hội, phim ảnh, game online… khiến họ không thể tự kiểm soát được mình trước những kích thích, những thất bại từ môi trường bên ngoài.

Một nền giáo dục đúng đắn giúp cá nhân biết luôn tự vấn, biết nhìn xa trông rộng, biết tôn trọng người khác là cách tốt nhất để hạn chế thói hung hãn trong ứng xử giữa người với người trong xã hội.

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)

Biết cân bằng cảm xúc

Để kiềm chế bản thân, trước hết hãy kiềm chế nhận thức: khi xảy ra va chạm, mâu thuẫn thì mỗi người nên bình tĩnh để phân định đúng sai, phải trái. Người sai nên nhận lỗi, người đúng nên tỏ ra thông cảm thì không có chuyện xảy ra xung đột.

Thậm chí mỗi người khi rơi vào tình huống đó hãy nghĩ đến gia đình, bởi nếu có chuyện gì xảy ra thì người thân sẽ khổ sở thế nào.

Thứ hai là cân bằng cảm xúc: nếu như mỗi người biết thông cảm, chia sẻ, biết dung hòa trong quan hệ thì không có chuyện cự cãi dẫn đến xung đột, bạo lực. Do đó chúng ta nên biết cân bằng cảm xúc trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, lấy tình thương, trách nhiệm và lòng vị tha để thay thế cho sự tức giận, bốc đồng thì nhất định mọi việc sẽ được giải quyết.

Thứ ba là rèn luyện thói quen: nếu như mỗi người ý thức được những hành vi bạo lực và khắc phục bằng cách rèn luyện thói quen ứng xử của lý trí và tình cảm phù hợp thì cũng khó dẫn đến sự hung hãn và bạo lực.

Thứ tư, khắc phục tâm lý hiếu thắng: một bộ phận người trẻ rất hiếu thắng, tâm lý muốn thể hiện, không chịu thua bất kỳ ai mà nhất là trước đám đông thì lại càng biểu hiện rõ, vì thế một khi cái tôi quá lớn lấn át cái cộng đồng thì dễ dẫn đến sự thái quá cũng như dễ bộc lộ các hành vi bạo lực.

Công Phương@…

Nhịn không phải là nhục

Tôi thấy nhiều người Việt hiện nay vẫn bảo thủ trong tư tưởng “nhịn là nhục”, họ không có thói quen tranh luận một cách đàng hoàng mà thường cãi theo cái gọi là “lý sự cùn”. Họ thường nghĩ hôm nay dùng nắm đấm giơ lên thì người phía kia sẽ sợ và chạy trốn nên tự đắc và tiếp tục, dần dần sẽ hình thành một thói quen hung hãn.

Khi một cuộc cãi vã, gây sự bắt đầu thường tôi chọn cách im lặng hoặc đi khỏi chỗ đó, nếu chưa được tôi thường nhờ một người thứ ba (có tiếng nói chung) lên tiếng. Còn nếu tệ hơn là bị đánh thì cách tốt nhất vẫn là “tẩu vi thượng sách”.

KHÁNH HƯNG

Ẩu đả, bạo lực vì đâu?

Ấy là vì hằng ngày ta không được răn dạy về sự nhẫn nhịn, tình yêu thương con người, sự cảm thông cho nỗi đau của người khác.

Vì hằng ngày ta không tự nhủ phải tránh xa bạo lực, nhường nhịn lẫn nhau trong gia đình, giải quyết mâu thuẫn với người khác bằng lý lẽ.

Vì ta cũng không tự trang bị, hay không được trang bị những kỹ năng sống giải quyết những va chạm, mâu thuẫn để tổn thất thấp nhất.

Lại sẽ có người nói rằng không thể dùng lý lẽ với người sử dụng bạo lực… nhưng ai cũng biết ngay từ đầu một cuộc ẩu đả nếu ta xuống nước, nhún nhường thì chẳng ai có thể lớn tiếng với mình.

Ông bà xưa có câu ”một điều nhịn chín điều lành”. Mọi ẩu đả đều có thể giải quyết bằng nhường nhịn và lời lẽ nhũn nhặn.

NGUYỄN VŨ THANH

Theo Tuổi Trẻ