Nhiều thương hiệu lớn như Lidl, Mars, Cadbury,… đã đồng loạt ngừng chạy quảng cáo trên YouTube sau khi phát hiện thấy quảng cáo của mình xuất hiện trên các đoạn clip ngắn chứa nội dung xâm phạm tình dục trẻ em.
Trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới vừa mạnh tay gỡ bỏ toàn bộ quảng cáo khỏi 2 triệu video vi phạm quy định đăng tải những nội dung có hại với trẻ em.
Đây là một phần trong chiến dịch xóa bỏ hàng loạt tài khoản, tắt tính năng bình luận và gỡ quảng cáo khỏi các kênh trá hình nội dung thân thiện với trẻ nhỏ. Động thái này theo sau việc hàng loạt các nhãn hàng lớn như Adidas, Mars và HP tuyên bố cắt hợp đồng với YouTube hồi tuần trước, sau khi phát hiện quảng cáo của mình bị đặt cạnh các nội dung xâm hại trẻ em.
Trước đó, vào hồi tháng 3/2017, các hãng đồ tiêu dùng lớn đã tạm dừng quảng cáo tại YouTube sau khi phát hiện ra quảng cáo của họ xuất hiện ở những video chứa nội dung xúc phạm và phân biệt chủng tộc.
Như vậy, đây là lần thứ hai trong chưa đầy 1 năm mà các hãng quảng cáo lớn rút khỏi YouTube sau khi phát hiện quảng cáo của họ bị đưa kèm với những nội dung tiêu cực. Điều này cho thấy, trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhức nhối này một cách triệt để, khiến nhiều công ty lớn không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục bắt tay với họ.
Theo Reuters, với việc thừa nhận xử lý 2 triệu video vi phạm và xóa hàng chục nghìn tài khoản, YouTube đã gián tiếp cho thấy thực tế đã làm ngơ việc những video có nội dung thiếu lành mạnh được tìm kiếm quá dễ dàng. Thậm chí thuật toán của YouTube còn tự động đề xuất các video tương tự khiến người dùng dễ dàng bị tiếp thị đến những nội dung độc hại.
Với 1,5 tỷ người sử dụng trên toàn cầu, YouTube thực sự vẫn là thị trường quảng cáo trực tuyến khó có thể bỏ qua. Theo điều tra của tờ The Times, khi một video được đính kèm quảng cáo nhận được 1.000 lượt xem, cả YouTube và người đăng tải video đều sẽ thu về một khoản hoa hồng. Khoản tiền này đến từ không đâu khác là hầu bao của các nhãn hàng hay nhà quảng cáo, trả tiền để được xuất hiện trên YouTube. Do đó, việc kiểm duyệt lỏng lẻo của YouTube khiến các nhãn hàng thực sự không hài lòng.
Đại diện Công ty LIDL cho biết: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được sự tồn tại của những nội dung như vậy. Do đó, những biện pháp ngăn chặn nội dung tiêu cực mà Google từng cam kết với chúng tôi, rõ ràng là không hiệu quả”.
Có thể nói, một đòn giáng rất nặng với YouTube nói riêng và Google nói chung, bởi những đoạn quảng cáo và hợp đồng ký kết với các công ty lớn là yếu tố chính mang tới gần 8 tỷ USD doanh thu về cho Google.
Trong động thái mới nhất, Youtube đã xóa 270 tài khoản và 150.000 video, đồng thời gỡ quảng cáo ra khỏi 50.000 kênh vi phạm. Không chỉ có vậy, các lời bình luận không tốt tới trẻ em cũng bị xóa.
Johanna Wright, Phó Chủ tịch phụ trách quản lý sản xuất của Youtube đã phát biểu: “Các biện pháp cưỡng chế mới đây nhất sẽ cho thấy hiệu lực trong khoảng vài tuần hoặc vài tháng tới, chúng tôi đang xử lý vấn đề có xu hướng gia tăng này”.
Bà nói thêm: “Chúng tôi cam kết sẽ xử lý vấn đề này một cách toàn diện, và sẽ tiếp tục đầu tư thêm về mặt kỹ thuật và nhân lực để chính đốn lại mọi thứ. Tôi là một phụ huynh và cũng là lãnh đạo ở đây, tôi hạ quyết tâm rằng chúng tôi sẽ làm được”.
Mặc dù YouTube đã liên tiếp công bố các chính sách mới để hạn chế và kiểm duyệt những nội dung tiêu cực nhưng dường như đây chỉ là động thái vá lỗ hổng, thay vì thực sự ngăn chặn.
Bên cạnh những động thái dọn dẹp nội dung, YouTube cũng đang phải đau đầu tìm cách thay đổi chính sách kiểm duyệt và đăng tải của mình, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ tẩy chay rộng rãi hơn nữa đến từ các nhà quảng cáo.
Còn có các tiêu chí khác khiến video bị xóa quảng cáo hay kênh bị xóa?
Phản ứng này của Youtube sẽ khiến cho các bậc phụ huynh yên tâm hơn rất nhiều, nhưng dường như có lúc Youtube đã quá nặng tay.
Một trong những chủ kênh Youtube thành công nhất Việt Nam là Nguyễn Thành Nam, anh có 3 kênh với số lượng người đăng ký lần lượt là 3 triệu, 1.5 triệu và 800 nghìn.
Gần đây anh đã chia sẻ rằng 2 trong số 3 kênh này đã bị tắt quảng cáo, tức là không kiếm được tiền từ chúng nữa. Theo anh, mặc dù các video trong kênh của anh thuộc loại khá “dân dã và thông tục” nhưng cũng không đến nỗi phản cảm với trẻ em và đến mức phải bị khóa.
Anh đã trao đổi trực tiếp với đại diện của Google và được biết chính sách quảng cáo gần đây đã có một thay đổi khác. Youtube cho phép các nhà quảng cáo có quyền không đặt quảng cáo trên một số video với nội dung nhất định, thuộc về một kênh nhất định nào đó.
Anh cũng có lời khuyên với giới làm Youtube Việt Nam: “Nội dung ở Việt Nam hiện nay đa số là re-up (đăng lại), nhảm, câu view và không có ích mà Youtube nó cần video có nội dung hay, thân thiện với nhà quảng cáo. Nên các bạn sản xuất nội dung cẩn thận không là nghẻo hết đấy”.
Với những thay đổi chính sách như vậy, có thể thấy rằng để kiếm tiền trên Youtube thì ngày càng cần video chất lượng cao và chuyên nghiệp hơn, dường như cũng cần có chuẩn mực văn hóa cao hơn. Do vậy nếu các nhà sản xuất video muốn tiếp tục kiếm được tiền từ Youtube, hẳn là họ sẽ phải đối mặt với thử thách “nâng cấp” video để đạt được các tiêu chí nói trên.
Tuệ Tâm (t/h)