Tinh Hoa

Nhiều sản phẩm bị Microsoft “xếp xó” thành “gà đẻ trứng vàng” của công ty khác

Bạn có biết, Microsoft có những sản phẩm đi trước thời đại nhưng đã xếp xó chúng, để rồi nhiều năm sau phải ngậm ngùi nhìn chúng biến thành những “con gà đẻ trứng vàng” của nhà hàng xóm.

Phần mềm Microsoft Portrait

Phần mềm này ra đời vào cuối những năm 90. Theo mô tả của Microsoft, Portrait là “một phần mềm trò chuyện qua video chất lượng thấp”.

Rõ ràng, nếu ý tưởng này được tập trung phát triển, Microsoft có lẽ đã không phải tốn mất 8,5 tỷ USD để mua lại Skype, một phần mềm dựa trên ý tưởng tương tự. Kết quả là, bên cạnh một FaceTime đang đứng đầu bảng trên mọi mặt trận ứng dụng dành cho iOS, Skype hiện giờ đang hỗ trợ tới 3 tỷ phút đàm thoại mỗi ngày, theo thống kê từ chính Microsoft.

Công cụ Terraserver

Có thể nói, đây chính là viên gạch đầu tiên của Google Earth hiện nay. Năm 1997, chỉ 1 năm trước khi Google thành lập, Microsoft đã kịp nghĩ tới việc tạo ra bản đồ Terraserver. Với công cụ này trong tay, thông qua ảnh chụp từ vệ tinh, bạn sẽ dễ dàng quan sát được nhà mình, nhà hàng xóm hoặc một nơi hoàn toàn xa lạ bạn chưa từng đặt chân đến.

Tuy nhiên, đáng buồn là dự án hay ho này lại “chết yểu” 2 năm sau đó. Hiện giờ, Google Earth còn là nền tảng của một sản phẩm kinh điển khác – Google Maps – một trong những ứng dụng được sử dụng nhiều nhất thế giới, chỉ sau Facebook, YouTube và một vài dịch vụ Google khác.

Phần mềm MSN Messenger

Với sự ra đời của MSN vào năm 1995, cả thế giới lần đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện của một khái niệm hoàn toàn xa lạ: Mạng xã hội. Khoảng gần 10 năm trước khi Mark Zuckerberg hình thành ý tưởng xây dựng “đế chế” Facebook, khách hàng của Microsoft vẫn đang mải mê trò chuyện qua MSN Messenger, đề trạng thái mỗi ngày (cũng là “nguồn cội” của chính Twitter hiện nay) và nhiều thao tác trên mạng xã hội khác.

Thế nhưng, vào năm 2012, MSN Messenger đột ngột ngừng hoạt động vô thời hạn. Về phần Facebook, mạng xã hội này hiện đang yên vị ở vị trí đầu bảng, “vô đối” với hơn 1,5 tỷ người dùng trong khi Twitter cũng khá thành công với hơn 400 triệu người đăng ký. Ngoài ra, các ứng dụng nhắn tin tương tự như WhatsApp và WeChat cũng gặt hái nhiều thành công với lần lượt 900 triệu và 650 triệu người dùng.

Hệ điều hành Windows Mobile

Ra mắt vào năm 2000, Windows Mobile được coi là hệ điều hành điện thoại thông minh đầu tiên trong thị trường đại chúng, có khả năng thích ứng với nhiều thiết bị di động cao cấp.

Windows Mobile bao gồm 1 cửa hàng ứng dụng trực tuyến, 1 trình duyệt web và hỗ trợ màn hình cảm ứng. Dẫu vậy, Microsoft đã ngừng phát triển hệ điều hành di động này nhằm tập trung vào Windows Phone, đồng thời cho ra mắt hệ điều hành Window Phone 7 vào năm 2012.

Điều đáng tiếc nhất là ý tưởng tuyệt vời này đã trở thành nguồn cảm hứng tạo nên không ít siêu phẩm smartphone trên toàn thế giới. Chỉ riêng iPhone của Apple đã kiếm được tới 150 tỷ USD nhờ hệ điều hành iOS. Trong khi đó, hệ điều hành Android của Google vẫn đang làm mưa làm gió sau gần 10 năm trụ vững với 1 tỷ người dùng hàng tháng.

Máy tính bảng Tablet PC

Ra mắt vào năm 2002, Tablet PC được biết tới là chiếc máy tính bảng đầu tiên của Microsoft. Thiết bị này hỗ trợ mọi ứng dụng chạy trên Windows XP, cho phép người dùng tương tác qua 1 chiếc bút cảm ứng đi kèm. Dù chưa bao giờ chính thức thông báo tạm ngừng dự án nhưng mọi người đều ngầm hiểu rằng, Tablet PC đã bị “khai tử” khi Microsoft không hề cho ra bất kỳ sản phẩm mới nào từ 2003 cho đến 2012, thời điểm dòng sản phẩm Surface ra đời.

Trong khi Tablet PC đang thất thế, Apple lại liên tiếp thắng lớn trên nhiều mặt trận với iPad, thu về hơn 5 tỷ USD mỗi quý, mở đường tiếp cận đối tượng khách hàng doanh nghiệp, những người vốn chỉ tin dùng Windows.

Phần mềm Microsoft Mail

Cách đây hơn 2 thập kỷ, Microsoft Mail đã bắt đầu thu hút người dùng khi lần đầu tiên cho phép nhận và gửi tin nhắn trong mạng nội bộ. Đây chính là hình thức email “cổ xưa” nhất được ghi nhận cho dù vẫn còn rất thô sơ. Tuy nhiên, thay vì phát triển và nâng cấp, Microsoft lại bất ngờ tạm ngừng dịch vụ Mail vào cuối những năm 90.

Hiện tại, hầu như ai biết tới internet đều lập ít nhất 1 tài khoản email trực tuyến. Theo thống kê từ Microsoft, riêng Outlook đã có hơn 400 triệu người dùng trong khi Google Mail thu hút được khoảng 450 triệu người đăng ký.

Giao diện đồ họa người dùng Microsoft Bob

Giao diện đồ họa người dùng Microsoft Bob, hay còn gọi là “trợ lý ảo” như khái niệm thông dụng hiện nay, vốn là một tính năng có sẵn trên hệ điều hành Windows 95 ra mắt năm 1995. Giao diện này cung cấp những chỉ dẫn dễ hiểu nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa người dùng với hệ điều hành Windows cũng như máy tính cá nhân. Trước khi Bob xuất hiện, các máy tính Windows chỉ sử dụng giao diện chỉ dẫn bằng các dòng lệnh đơn giản trên màn hình.

Hiện giờ, người dùng đang được chăm sóc tận tình với hàng loạt trợ lý ảo đến từ các ông lớn làng công nghệ như Siri của Apple, Google Now của Google, Echo của Amazon hay M của Facebook. Đương nhiên Microsoft cũng không thể bỏ lỡ cuộc chơi với cô trợ lý ảo Cortana đầy cá tính.

Đồng hồ thông minh Timex DataLink

Với mục đích thay thế trợ lý dữ liệu cá nhân của khách hàng, Microsoft hợp tác cùng thương hiệu đồng hồ Timex cho ra mắt sản phẩm đồng hồ thông minh Timex Datalink vào năm 1994. Tuy đã được các phi hành gia của NASA sử dụng trong không gian, nhưng dòng sản phẩm đồng hồ gắn logo Microsoft này chưa từng được ra mắt chính thức với mục đích thương mại.

Kết quả là, sau hơn 20 năm, ý tưởng đồng hồ thông minh đang dần trở thành khoản đầu tư béo bở của không ít công ty công nghệ lớn như Apple, hiện vẫn đang dẫn đầu với Apple Watch. Theo các nhà phân tích, từ tháng 4/2015, đã có hơn 7 triệu chiếc Apple Watch được bán ra.

Bộ thiết bị và dịch vụ MSN TV

Vào năm 1995, Microsoft mua lại WebTV Networks với hơn 400 triệu USD để sau đó tung ra MSN TV, sản phẩm TV thông minh đầu tiên có kết nối internet, cho phép người dùng có thể vừa xem TV vừa duyệt web. Tuy vậy, trước sự lên ngôi của làn sóng video trực tuyến, Microsoft đành ngậm ngùi đóng cửa MSN TV vào năm 2013.

Tuy nhiên, có thật là TV hiện giờ đã hoàn toàn thất thế? Có lẽ Microsoft sẽ càng thêm buồn khi chứng kiến sự chiếm lĩnh thị trường TV thông minh của những doanh nghiệp khác như Samsung, LG, Apple hay thậm chí là cả “tân binh” nước ngoài Xiaomi.

Máy tính bảng Microsoft Courier

Bạn đang thắc mắc về cái tên lạ lẫm này? Chính xác, Microsoft Courier chính là một sản phẩm chưa bao giờ được ra mắt đúng nghĩa. Năm 2008, báo giới thi nhau úp mở về sự xuất hiện của Courier, hứa hẹn sẽ là chiếc máy tính bảng đầy tiềm năng của Microsoft. Cuối cùng, Microsoft lại chính thức “bóp chết” Courier ngay thời điểm Apple rục rịch cho ra mắt siêu phẩm iPad vào năm 2010.

Nhiều người cho rằng, Courier chính là tiền thân của Surface quá thành công hiện nay của Microsoft. Và nếu bạn nghĩ đây nên được coi là một “món hời”: Thực chất, dòng sản phẩm Surface chỉ giúp Microsoft thu về gần 900 triệu USD hàng quý, trong khi Apple vẫn đều đặn mỗi quý kiếm 5 tỷ USD.

Dịch vụ âm nhạc Zune Music Pass

Bên cạnh dòng máy nghe nhạc Zune của Microsoft, dịch vụ âm nhạc Zune Music Pass (nay là Groove Music) ra đời năm 2010, cho phép người dùng truy cập không giới hạn vào thế giới âm nhạc với giá 9,99 USD/tháng. 5 năm sau, Apple cho ra mắt Apple Music, dịch vụ âm nhạc trực tuyến hoàn toàn mới cũng với giá 9,99 USD/tháng. Giữa chúng có gì khác biệt?

Hiện tại, cả Spotify, Apple, Google hay Pandora đều đang là những cái tên đi đầu trong việc cung cấp trải nghiệm âm nhạc trực tuyến, với giá thành ngày một giảm với không gian âm nhạc ngày càng rộng. Theo thống kê, Spotify đã có 75 triệu người sử dụng. Apple cũng đã thu hút tới 15 triệu người dùng chỉ sau vài tháng ra mắt. Trong khi đó, Zune Music Pass của Microsoft lại dần dần… chìm nghỉm và cuối cùng bị khai tử cách đây vài ngày.

Theo GenK