Tinh Hoa

Nhiều người Triều Tiên mạo hiểm trốn chạy khỏi đất nước

Vụ việc binh sĩ Triều Tiên mới đây bị chính các đồng đội nổ súng bắn khi tìm cách đào tẩu sang Hàn Quốc một lần nữa cho thấy câu chuyện vượt biên khó khăn của những công dân muốn bỏ trốn khỏi quốc gia bí ẩn nhất thế giới này.

Binh sĩ Triều Tiên dùng ống nhòm quan sát tại khu Phi quân sự liên Triều. (Ảnh: Getty)

Theo thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 880 người Triều Tiên vượt biên thành công, nâng tổng số người đào tẩu khỏi quốc gia này lên hơn 31.000 trường hợp kể từ năm 1998.

Mặc dù tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2017 liên tục gia tăng khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn nhằm vào các nước như Mỹ, tổng số người Triều Tiên đào tẩu trong năm nay đã giảm so với năm trước đó.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Hàn Quốc Park Byeong-seug cho rằng tình hình tăng cường kiểm soát an ninh và giám sát tại Triều Tiên là lý do dẫn tới sự sụt giảm về số người đào tẩu tại Triều Tiên, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc nhu cầu đào tẩu khỏi quốc gia này giảm xuống.

“Mặc dù hầu hết những người bỏ trốn xuất phát từ lý do đói nghèo, nhưng chúng ta cũng phải lưu ý rằng trong thời gian gần đây, ngay cả những người có cuộc sống ổn định tại Triều Tiên cũng tìm cách bỏ trốn, và một số người đào tẩu vì mong muốn một nền giáo dục khác cho con cái họ”, nghị sĩ Park cho biết.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phần lớn người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc trong độ tuổi từ 20 đến 39. Họ phần lớn là phụ nữ và đa số không có việc làm. Ngoài ra, cũng có các trường hợp là binh sĩ Triều Tiên bỏ trốn.

Trong vụ việc gần đây nhất, một binh sĩ của Triều Tiên được cho là bị chính các đồng đội nổ súng bắn trọng thương khi đang tìm cách đào tẩu từ một chốt gác của Triều Tiên sang Hàn Quốc hôm 13/11 thông qua Khu phi quân sự liên Triều.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cho biết các trường hợp binh sĩ Triều Tiên đào tẩu thường không nhiều. Con số thống kê cho biết từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, chỉ 3,5% trong số người Triều Tiên đào tẩu là các binh sĩ hoặc cán bộ làm việc cho các cơ quan nhà nước.

Hơn 75% trong số những người Triều Tiên bỏ trốn là từ hai tỉnh Bắc Hamgyong và Ryanggang gần biên giới Trung Quốc. Ngoài khu vực biên giới với Hàn Quốc, các tỉnh giáp Trung Quốc cũng là một cửa ngõ giúp người Triều Tiên thực hiện kế hoạch bỏ trốn của mình.

Con đường đào tẩu khó khăn

13 nhân viên nhà hàng Triều Tiên từng làm việc tại Trung Quốc trước khi đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2016. (Ảnh: Atimes)

>>> Hành trình đào tẩu hơn 4.300 km của người Triều Tiên đến “miền đất hứa” Hàn Quốc

Theo Newsweek, nhìn chung, đa số người Triều Tiên đào tẩu vì đói và nghèo. Báo cáo do Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 3 cho biết hơn 10 triệu người Triều Tiên đang sống trong tình trạng thiếu lương thực. Đây cũng là thông tin từng được những người Triều Tiên đào tẩu chia sẻ. Trong khi đó, NK News đưa tin rằng những người có việc làm ở Triều Tiên cũng chỉ kiếm được từ 1-2 USD/tháng.

Bài viết trên Washington Post hồi tháng 9 từng hé lộ cách thức người Triều Tiên đào tẩu, trong đó có đề cập tới một hệ thống môi giới nhằm giúp những người này vượt qua sông Mekong để vào lãnh thổ Trung Quốc. Người đào tẩu phải trả tới 2.000 USD để được đưa tới những ngôi nhà trú ẩn, sau đó được đưa lên xe buýt và tiếp tục sống chui lủi qua khu vực đồi núi giáp biên giới Lào trước khi tới Trung Quốc.

“Chúng tôi phải biết chính xác vị trí của các trạm kiểm soát an ninh. Chúng tôi phải nói cho họ biết họ cần đứng ở đâu và khi nào vượt qua. Họ có thể bị bắt ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào. Tình hình rất tồi tệ đối với họ”Washington Post dẫn lời Kim Sang-hun, một nhà hoạt động từng giúp người Triều Tiên đào tẩu, cho biết.

Ngoài cách trên, một số người có thể chọn lối thoát nguy hiểm hơn, đó là vượt qua khu phi quân sự liên Triều (DMZ) ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Tuy nhiên, những trường hợp này thường hiếm vì khu DMZ nổi tiếng là nơi được vũ trang nghiêm ngặt và nguy hiểm bậc nhất thế giới.

Theo Dân Trí