Phi hành đoàn của 3 máy bay chở khách cho biết họ đã nhìn thấy tên lửa Triều Tiên phóng thử hôm 29/11 lúc nó trở lại bầu khí quyển Trái Đất.
Ngày 4/12, hãng hàng không Cathay Pacific (trụ sở tại Hong Kong) thông báo, phi hành đoàn trên một chuyến bay của hãng đã nhìn thấy vật thể mà họ cho là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên lúc nó bay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất. Chiếc máy bay khi đó đang ở gần Nhật Bản trên đường bay từ San Francisco (Mỹ) về Hong Kong.
Trong khi South China Morning Post dẫn lời Giám đốc Điều hành Cathay Pacific Mark Hoey nói trong một tin nhắn đến nhân viên: “Hôm nay (29/11) phi hành đoàn của chuyến bay CX893 đã báo cáo, ‘Yêu cầu ghi nhận rằng chúng tôi vừa thấy một tên lửa của Triều Tiên phát nổ và rơi xuống gần địa điểm hiện tại của chúng tôi’“.
Cathay Pacific cho biết trong tuyên bố của họ rằng, hãng đã thông báo với giới chức có liên quan, các cơ quan trong ngành và các hãng hàng không khác về sự việc trên. Vào thời điểm này, hãng chưa có kế hoạch nào về việc thay đổi lộ trình bay.
“Dù chuyến bay ở xa so với vị trí xảy ra vụ việc, phi hành đoàn đã thông báo với cơ quan kiểm soát không lưu Nhật Bản theo đúng quy trình. Việc vận hành vẫn bình thường và không bị ảnh hưởng“, CNN dẫn thông cáo của Cathay Pacific.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh báo và xem xét sự việc theo các diễn biến tiếp theo“, hãng hàng không Hong Kong cho hay.
Theo BBC, 2 chiếc máy bay của Hàn Quốc đang từ Mỹ về Seoul cũng nhìn thấy tên lửa này.
Ngày 29/11, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử nghiệm tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay, sau gần 3 tháng “yên ắng” khiến giới chức quốc phòng và tình báo Mỹ bối rối. Vụ thử nghiệm làm gia tăng căng thẳng với Hàn Quốc và Mỹ – 2 nước đang bắt đầu cuộc tập trận chung về không quân lớn nhất từ trước tới nay hôm 4/12.
Triều Tiên tuyên bố đây là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 mới, có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ. Bình Nhưỡng cho biết, tên lửa Hwasong-15 đã đạt độ cao 4.475 km so với mặt đất và bay trong thời gian 53 phút trước khi đáp xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản. Số liệu này trùng khớp với tính toán của cả phía Nhật Bản và Hàn Quốc.
Không giống nhiều nước khác, Triều Tiên không báo trước về các vụ thử tên lửa và vì thế chúng thường xảy đến mà không có sự cảnh báo dành cho các hãng hàng không. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng có thể tiếp cận dữ liệu hàng không dân dụng và có thể tìm hiểu trước về không phận nơi họ dự định phóng tên lửa.
Dù nguy cơ tai nạn là rất thấp, nhiều hãng hàng không vẫn cảnh giác trước việc này. Hồi đầu tháng 8, Air France đã mở rộng vùng cấm bay quanh Triều Tiên sau khi một máy bay của hãng bay gần đường bay của 1 tên lửa Triều Tiên.
Tú Văn (t/h)