Không chỉ góp gạo, nhiều người đến đây để “góp tiền mua gạo” cho người nghèo, người mất việc,… do dịch virus Vũ Hán (Covid-19), và chỉ sau ba ngày hoạt động, điểm phát gạo tự động của anh Hoàng Tuấn Anh đã giúp nhiều người tạm “ấm bụng” trong những ngày “cách ly xã hội”.
“Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” – những lời ngỏ như vậy xuất hiện khắp nơi trong mùa dịch như một điềm lành. Từ một giỏ bánh tét đặt đâu đó bên lề đường, đến những túi thực phẩm xếp chồng ngoài tiệm tạp hóa, cho đến những cơ sở từ thiện tự phát,… người ta để lại một tấm biển đề dòng chữ như thế, khiến ai mà nhìn thấy đều cảm động không thôi.
Là một doanh nhân trẻ có tấm lòng hảo tâm, anh Tuấn Anh đã dựng nên mô hình “ATM gạo” để cứu trợ cho đồng bào (người dân) gặp khó khăn trong mùa dịch. Xuất phát từ thiện tâm và chu đáo, anh đã thiết kế điểm phát gạo tự động có quy trình phát – nhận vừa nhanh, vừa an toàn.
“Tôi thấy mô hình phát gạo theo kiểu cũ có nhiều bất cập. Công ty tôi lại chuyên về mảng tòa nhà thông minh và khóa điện tử. Thiết bị trong máy phát gạo tự động là một trong số sản phẩm của công ty đang phát triển. Chủ nhật tuần trước, tôi giao cho anh, em kỹ thuật trong vòng 8 tiếng hoàn thành máy phát gạo tự động này vì tình hình rất cấp bách”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Theo đó, máy phát gạo tự động hạn chế nguy cơ truyền bệnh do tiếp xúc giữa người cho và nhận. Dân chúng đến xin gạo đứng tại những vị trí đã được đánh dấu trước, giữ khoảng cách 2m và làm theo quy trình rửa tay, lấy bịch, nhấn nút, hứng gạo dùng thời gian chưa đến 5 phút.
Được biết, mô hình điểm phát gạo tự động của anh Hoàng Tuấn Anh đã hoạt động từ ngày 6/4, chủ yếu phát cho những người lao động nghèo, người đi nhặt ve chai đồng nát, người giữ trẻ, bán vé số, công nhân,… những người mất việc vì dịch virus Vũ Hán (Covid-19).
Bà Nguyễn Thị Tố (70 tuổi, vừa nhận phần gạo) chia sẻ: “Tôi đi ngang thấy có biển phát gạo nên ghé vào lấy. Cái này tôi chưa có thấy lần nào hết á, đây là lần đầu tiên”.
Bà Lê Thị Lan (60 tuổi, bán vé số) cho biết: “Bữa giờ không bán vé số, tiền không có, trăm mối lo. Đi ngang thấy phát gạo, tôi ghé vào lấy. Nhiêu đây mình tôi cũng ăn được vài ngày no bụng, ấm lòng”.
Không chỉ những người nghèo khó, những người bất ngờ rơi vào hoàn cảnh khó khăn do dịch virus Vũ Hán (Covid-19) cũng được nhận gạo. Anh Tuấn Anh chia sẻ thêm:
“Nếu người đến lấy mà trông ăn mặc chỉnh chu, sang trọng thì sẽ hỏi lại vì sao người đó khó khăn. Có nhiều người không phải họ nghèo từ trước mà vì đột nhiên thất nghiệp nên không có tiền trang trải cuộc sống. Mình nên giúp đỡ họ”.
Theo đó mỗi người được nhận 1,5 kg và lấy không quá 2 lần/ngày. Điểm đặc biệt là cây “ATM gạo” này bao gồm một nút bấm tích hợp camera kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo được điều khiển thông qua phần mềm, nhờ vậy mà có thể quản lý được người nhận có đúng người nghèo hay không và người đó có đến lấy quá nhiều lần trong một ngày không.
Những người lấy gạo hơn 2 lần/ngày sẽ bị nhắc nhở để nhường lại phần cho những người đến sau.
Nhiều Mạnh Thường Quân đến góp gạo
Cây ATM gạo của anh Tuấn Anh xuất hiện thật đúng lúc. Vào thời điểm dịch bệnh khó khăn, khắp nơi đều có những tấm lòng hảo tâm mong muốn giúp đỡ mà không biết đặt vào đâu. May mắn, tiếng lành đồn xa, nhiều người hay tin sớm sẵn lòng đều đến góp gạo “có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”.
Anh Hữu Thuận, 47 tuổi, ngụ Gò Vấp chở 2 bao gạo nặng 1 tạ đến, hồ hởi chia sẻ:
“Đang vào cao điểm cả nước chung sức thực hiện nghiêm Chỉ thị cách ly xã hội, phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con nghèo. Tôi thấy nhiều người cũng hỗ trợ nhưng thấy cách làm chưa an toàn. Do đó, mô hình ‘ATM gạo’ miễn phí cho người nghèo thực sự rất thiết thực nên muốn góp một chút ít với tinh thần ‘của ít lòng nhiều’, chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ bà con”.
Chú Minh Trung, 64 tuổi, cho biết sau khi hay tin đã chia sẻ câu chuyện với đồng nghiệp. Ai nấy đều động lòng liền gom góp lại được 4 triệu đồng. Sáng sớm chú chạy xe qua trao tận tay anh Tuấn Anh để mua thêm gạo cho bà con khó khăn.
Thế là đến trưa 8/4, số gạo người dân đến tiếp sức đã được khoảng 4 tấn.
Từ hôm qua, rất nhiều bà con ở các quận lân cận, thậm chí Nhà Bè, Hóc Môn đều tìm đến nhận gạo tại điểm này.
Đây là điểm phát gạo đầu tiên nên kinh phí mua và thiết bị ban đầu đều do anh Tuấn Anh và các nhân viên của công ty cùng chung tay làm. Nhận được nhiều sự hỗ trợ, hiện tại anh Tuấn Anh đang khảo sát ở một địa điểm ở quận 12 để mở thêm “ATM gạo” thứ hai.
Anh Hoàng Tuấn Anh mong muốn sau khi dịch bệnh kết thúc, việc phát gạo có thể kéo dài thêm 1-2 tháng để người lao động nghèo có thời gian tìm việc và ổn định cuộc sống.
Từ Thức (t/h)