Sau hơn 5 ngày (kể từ ngày 17/4) không xuất hiện thêm ca nhiễm virus Vũ Hán (Covid-19) nào mới, các tỉnh thành trên cả nước đã bắt đầu họp bàn về việc nới lỏng một số dịch vụ phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong khi Gia Lai đã cho nới lỏng nhiều loại hình dịch vụ thì Hà Nội và TP.HCM vẫn phải chờ quyết định giảm giãn cách xã hội…
Gia Lai quyết định nới lỏng nhiều loại hình dịch vụ
Trong công văn hoả tốc số 851/UBND-KGVX ban hành ngày 16/4/2020, UBND tỉnh Gia Lai đã cho nhiều dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải khát được nới lỏng hoạt động.
Cụ thể, trong công văn số 851 nêu rõ, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, làm đẹp, các địa điểm tập thể dục, thể thao, quán bar… vẫn bị yêu cầu ngừng hoạt động, kể cả các địa điểm bán hàng ăn, uống trên vỉa hè.
Riêng đối với các cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê, giải khát sẽ được phép hoạt động nếu cam kết bằng văn bản thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như: vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên khử khuẩn, vệ sinh môi trường; có máy kiểm tra thân nhiệt cho khách, có nơi rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn; giữ khoảng cách 2m giữa các khách, mỗi phòng không quá 10 người, không quá 20 người trong nhà hàng, có camera giám sát, không hoạt động quá 22 giờ đêm.
Thừa Thiên – Huế nới lỏng các cơ sở lưu trú, điểm du lịch… sau ngày 22/4
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thì tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán trên địa bàn tỉnh những ngày qua đã có nhiều diễn biến tịch cực. Theo đó, sau ngày 22/4, tỉnh sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh cách ly xã hội và cho phép kinh doanh một số mặt hàng, cơ sở lưu trú, các điểm du lịch, dịch vụ ăn uống…
Các cơ sở kinh doanh mặt hàng không thuộc nhu yếu phẩm đóng cửa hơn nửa tháng qua, sắp tới cũng hoạt động trở lại.
Đối với ngành dịch vụ ăn uống sẽ được nới lỏng sau ngày 22/4 nhưng có kiểm soát, phải đảm bảo an toàn, đảm bảo vệ sinh phòng dịch.
Hà Nội nới lỏng nhưng không mở hoàn toàn
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) TP. Hà Nội chiều 20/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, cùng với TP.HCM, Hà Nội đã đề nghị Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 22/4 nếu hết ngày này TP không ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Theo đó, thành phố có thể sẽ hạ mức cảnh báo, sẽ nới lỏng nhưng không mở hoàn toàn. Có thể chắc chắn Hà Nội sẽ không dỡ hết các yêu cầu phong tỏa khu vực ổ dịch như thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, H. Mê Linh) hay thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, H. Thường Tín);
Các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, massage, quán bar… cũng chưa được mở cửa trở lại và người dân vẫn sẽ tiếp tục bị phạt khi không đeo khẩu trang ra nơi công cộng.
Tuy nhiên, mức độ mở của các hoạt động kinh doanh còn lại ra sao vẫn còn phải chờ quyết định cuối cùng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.
TP.HCM phải chờ lệnh giảm giãn cách xã hội, xem xét tình hình dịch bệnh
Cũng liên quan đến vấn đề nới lỏng một số dịch vụ, lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, hiện TP vẫn đang chờ Chính phủ đồng ý chấp nhận cho giảm giãn cách xã hội và xem xét tình hình dịch bệnh cụ thể để có phương án đưa đời sống xã hội trở lại bình thường.
Dự kiến cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Vũ Hán chiều nay (22/4) sẽ quyết định phương án cho các ngày tới, đặc biệt là về việc nới lỏng các dịch vụ phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của người dân.
Hiện TP.HCM đang giao các sở, ngành liên quan xây dựng bộ tiêu chí ở nhiều lĩnh vực để có thể sống chung an toàn với dịch sau khi công bố hết thời gian giãn cách.
Tại Thanh Hóa, sau khi được xếp vào nhóm nguy cơ thấp, địa phương này vẫn yêu cầu tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4. Tuy nhiên, đến ngày 19/4, Thanh Hóa đã quyết định cho học sinh, sinh viên đi học từ 21/4; vận chuyển hành khách nội tỉnh và dịch vụ cắt tóc, gội đầu hoạt động từ ngày 20/4…
Tại Đà Nẵng, ngày 21/4 UBND TP đã có cuộc họp với các sở, ban, ngành, trong đó có bàn về các hoạt động kinh tế, xã hội trong trường hợp được ‘nới lỏng’ các biện pháp cách ly xã hội.
Một trong những yêu cầu được lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh là công chức, viên chức bộ máy hành chính trở lại làm việc bình thường trong điều kiện phải đảm bảo các giải pháp phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán; tập trung giải quyết công việc vì thời gian qua đã có sự chậm trễ do dịch bệnh.
Vũ Tuấn (t/h)