Mới đây, một nhiếp ảnh gia may mắn được chứng kiến cảnh tượng hiếm gặp khi sóng biển đóng băng không hoàn toàn ở ngoài khơi bang Massachusetts, Mỹ.
Không khí lạnh tràn vào bờ Đông nước Mỹ tạo ra một hiện tượng hiếm gặp ở Nantucket, Massachusetts là sóng Slurpee, Live Science hôm 4/1 đưa tin.
Nhiếp ảnh gia Jonathan Nimerfroh may mắn có cơ hội chứng kiến hiện tượng này. “Với thời tiết âm độ vào tuần trước, tôi biết nhiều khả năng sóng Slurpee sẽ xuất hiện trở lại ở Nantucket. Không còn nghi ngờ gì, vào sáng hôm 2/1, tôi lái xe đến bãi biển Nobadeer và chúng đã ở đó“, Nimerfroh nói.
Những con sóng đóng băng dạng sệt giữa chừng không chỉ đẹp mắt mà còn có thể lướt ván, theo Nimerfroh. “Bạn có thể lướt trên băng mềm như thể chúng là những con sóng đang chuyển động“.
Nimerfroh chụp lại cảnh tượng trong khi 2 người bạn của anh lướt ván trên sóng băng di chuyển chậm. Khi đó, nhiệt độ trên biển là -11 độ C, thấp hơn nhiều so với nhiệt độ đóng băng của nước biển là -2 độ C. Trong điều kiện âm độ, các tinh thể băng bắt đầu hình thành trong sóng biển, theo nhà hải dương học Carin Ashjian ở Viện Hải dương học Woods Hole.
Các nhà nghiên cứu xác nhận sóng biển đóng băng hiếm khi xảy ra. Nhà băng hà học Erin Pettit ở Đại học Alaska xác nhận, cô chưa bao giờ chứng kiến hiện tượng này bởi nước bắn tung thường làm vỡ băng.
Không chỉ hiếm gặp, hiện tượng sóng biển đóng băng biến mất rất nhanh. Nimerfroh nói, sóng băng tan chảy sau khoảng 3 giờ.
“Những cơn sóng Slurpee là thứ bạn có thể chỉ gặp một lần trong đời. Tôi nghĩ mình rất may mắn khi trông thấy chúng hai lần“, nhiếp ảnh gia chia sẻ. Lần đầu tiên Nimerfroh trông thấy sóng biển đóng băng không hoàn toàn là hồi tháng 2/2015.
Theo VNE