Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định khởi tố và bắt giữ ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu – AVG, vì đã có hành vi đưa hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Khởi tố 2 cựu bộ trưởng tội nhận hối lộ cùng các đối tượng liên quan
Từ cuối tháng 2, sau khi bắt 2 cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan công an tập trung điều tra theo hướng có hành vi đưa và nhận hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Ngày 12/4, cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố bị can với 2 cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trên là ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng Lê Nam Trà (cựu chủ tịch hội đồng thành viên MobiFone) và Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) về tội nhận hối lộ theo khoản 4, điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bộ Công an cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối tượng Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Phạm Đình Trọng (48 tuổi, cựu vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin-Truyền thông), Võ Văn Mạnh là giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX và nhân viên Hoàng Duy Quang của công ty này với tội “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015, vai trò đồng phạm.
Khởi tố Phạm Nhật Vũ, em trai Phạm Nhật Vượng
Ngày 13/4, từ lời khai của các bị can đã bị bắt, các chứng cứ và nhiều tài liệu khác, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) đã quyết định bắt tạm giam ông Phạm Nhật Vũ (47 tuổi, em trai Phạm Nhật Vượng kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG) đồng thời khởi tố và điều tra ông này với tội danh đưa hối lộ theo khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hiện các cơ quan điều tra đang làm rõ ông Vũ đã hối lộ cho các cá nhân nào và mức hối lộ bao nhiêu.
“Thổi vống” giá trị AVG, bòn rút tài sản công của nhà nước
Năm 2008, Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) do ông Phạm Nhật Vũ làm chủ tịch được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng và phát sóng thử nghiệm từ tháng 11/2010. Một năm sau đó, AVG được đưa vào khai thác thương mại.
Ngày 15/10/2014, AVG đã có văn bản gửi ông Nguyễn Bắc Son, bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, báo cáo và đề nghị cho ý kiến chỉ đạo việc AVG chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài.
Theo đó, AVG và đối tác nước ngoài đã làm việc và thống nhất rằng đối tác này sẽ mua cổ phần của AVG để trở thành cổ đông chiến lược, giá mua cổ phần bằng 7 lần giá vốn, tức AVG sẽ nhận khoảng 525 triệu USD khi bán 75% cổ phần.
Tuy nhiên, theo điều tra của bộ thanh tra Chính phủ thì cả AVG và Bộ Thông tin-Truyền thông đều không cung cấp được tài liệu, chứng từ liên quan đến việc đàm phán với đối tác nước ngoài cũng như khoản đặt cọc 10 triệu USD, đồng nghĩa với việc thông tin chào bán cổ phần, đàm phán, giá trị AVG ở thời điểm này là không có thật.
Tháng 1/2016, MobiFone lại công bố mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng.
Khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hoạt động kinh doanh của AVG đang “rất khó khăn”. Tổng tài sản AVG là hơn 3.260 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả là hơn 1.266 tỷ đồng và giá trị còn lại của tài sản cố định chỉ hơn 208 tỷ đồng.
Thẩm định giá từ khi thành lập đến thời điểm hiện tại của AVG liên tục lỗ. Tính đến 31/3/2015, số lỗ luỹ kế đã xấp xỉ 1.633 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). AVG đã phải dùng vốn vay và vốn chiếm dụng để điều hành hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình trong suốt thời gian trên.
Việc mua bán của AVG và Mobifone được ví như một kịch bản “thổi vống” giá trị thực của doanh nghiệp, vi phạm luật kinh tế nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ thiệt hại gần 7.006 tỷ đồng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp Mobifone, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG là 1.134 tỉ đồng.
Kết quả của việc thanh tra
Sau kết luận Thanh tra, nhà chức trách đã khởi tố gần10 người liên quan trong thương vụ ngàn tỷ trên. MobiFone và AVG cũng hủy hợp đồng. Nhóm cổ đông AVG trả lại hơn 8.500 tỷ đồng, gồm toàn bộ giá trị 95% cổ phần và 60 tỷ đồng cho các chi phí liên quan.
Khoản 4 tội Đưa hối lộ quy định: Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sẽ phạt từ từ 12 đến 20 năm nếu “của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá một tỷ đồng trở lên”.
Khoản 4 tội Nhận hối lộ quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu “của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá một tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên”
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm: