Các nhà khoa học Nhật Bản đang dự kiến khoan xuyên vỏ Trái Đất đến lớp phủ nóng chảy ở độ sâu 6 km bên dưới đáy biển.
Nhóm nghiên cứu ở Cơ quan khoa học và công nghệ Trái Đất – hải dương Nhật Bản (JAMSTEC) sẽ bắt đầu nghiên cứu sơ bộ ở vùng biển ngoài khơi Hawaii, Mỹ vào tháng 9, RT hôm 8/4 đưa tin. Họ hy vọng có thể tìm hiểu nhiều hơn về cách hành tinh hình thành và cấu tạo của lớp phủ Trái Đất.
“Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác thành phần của lớp phủ. Chúng tôi mới chỉ trông thấy một số vật liệu thuộc lớp phủ. Viên đá có màu xanh lá cây ngả vàng rất đẹp”, nhà nghiên cứu Natsue Abe ở JAMSTEC cho biết.
Các nhà nghiên cứu hy vọng dự án khoan có thể bắt đầu năm 2030 và Abe tin chắc dự án sẽ diễn ra thuận lợi. Công tác khoan sẽ được tiến hành ở ngoài khơi Hawaii, Costa Rica hoặc Mexico. Các cuộc khảo sát sơ bộ sẽ bắt đầu trên tàu nghiên cứu biển sâu Kairei của JAMSTEC. Con tàu sẽ phát sóng âm để phân tích đáy biển và kết cấu vỏ Trái Đất.
Quá trình khoan sẽ diễn ra trên tàu Chikyu của JAMSTEC, có thể khoan sâu gấp ba lần những con tàu tương tự. Chính phủ Nhật Bản cũng hy vọng nghiên cứu sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về động đất.
Lớp phủ chiếm 84% thể tích Trái Đất và sâu 2.900 km. Nhiệt độ của lớp phủ trong khoảng 1.000 – 3.700 độ C. Lớp phủ trên và dưới được chia thành hai khu vực là quyển mềm và thạch quyển.
Tổng hợp