Khi nhìn vào Nhật Bản, người ta lại có cảm giác hoài cổ, bởi họ vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Thậm chí, công ty cổ nhất lịch sử nhân loại cũng nằm ở xứ sở Mặt trời mọc này với cái tên Kongō Gumi.
Công ty cổ nhất thế giới: Tồn tại từ thế kỷ thứ 6, hoạt động hơn 1400 năm
Kongō Gumi là một công ty xây dựng tư nhân của Nhật Bản, hiện đang nắm giữ danh hiệu công ty tồn tại lâu nhất lịch sử nhân loại.
Công ty được thành lập vào năm 578 tại Osaka, và hoạt động kể từ đó đến khi bị công ty Takamatsu mua lại vào năm 2006. Có nghĩa là, thời gian hoạt động của Kongō Gumi với tư cách một công ty tư nhân lên tới 1428 năm, trải qua đủ các cuộc biến động chính trị, khủng hoảng kinh tế, và hai cuộc chiến tranh thế giới.
Người sáng lập ra công ty này lại không phải người Nhật. Khi đó, Thái tử Shōtoku, nổi tiếng là một tín đồ Phật giáo thành tín góp phần truyền bá Phật giáo thời kỳ đầu ở Nhật Bản, đã mời thợ mộc lành nghề Shigemitsu Kongō, cùng với hai thợ thủ công bậc thầy từ Baekje – thuộc Hàn Quốc ngày nay sang để xây dựng chùa Shitennō-ji, chính là ngôi chùa đầu tiên và lâu đời nhất của Nhật Bản.
Theo sau thành công và vinh dự của việc xây dựng ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Nhật Bản, thợ thủ công bậc thầy Shigemitsu Kongo đã sáng lập công ty Kongō Gumi, lấy tên họ của gia đình. Qua nhiều thế kỷ, các kỹ thuật nghề mộc đã được truyền thừa trong gia đình, cũng như quyền kiểm soát và vốn sở hữu công ty.
Nếu không có người thừa kế nam, hay những người thừa kế không đủ phẩm cách để vận hành doanh nghiệp gia đình này, quyền kiểm soát sẽ được truyền lại cho một người con rể, và người rể này sẽ lấy họ Kongō, hay cho một người con gái. Trong mỗi trường hợp, thành viên gia đình nắm quyền kiểm soát công ty sẽ được cẩn thận chọn lựa dựa trên các kỹ năng lãnh đạo.
Một trong những yếu tố chủ chốt góp phần vào sự thành công của Kongō Gumi là công ty này đã chọn một lĩnh vực được ủng hộ bởi một hệ thống niềm tin đã tồn tại qua hàng nghìn năm với hàng triệu tín đồ. Nhìn chung, nhu cầu xây dựng chùa chiền không hề thiếu!
Qua nhiều thế kỷ, Kongō Gumi đã xây dựng được hàng trăm ngôi chùa, công trình Phật giáo, bao gồm Thành Osaka, một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất Nhật Bản. Được xây dựng vào năm 1583 SCN, Thành Osaka đóng vai trò chủ chốt trong quá trình thống nhất Nhật Bản trong thời kỳ Azuchi-Momoyama vào thế kỷ 16.
Một nhân tố chủ chốt khác cho sự thành công của Kongō Gumi là tính linh động của nó trong các giai đoạn khủng hoảng.
Khi Thế chiến II bùng nổ, việc xây dựng chùa chiền không phải là ưu tiên của bất kỳ ai, nên công ty đã nhanh chóng thích ứng và sử dụng nguồn lực và kỹ năng nghề mộc của mình để đóng hàng ngàn cỗ quan tài, mà đáng buồn thay lại có nhu cầu rất cao vào thời điểm đó.
Sau khi chiến tranh kết thúc, một nỗ lực lớn lại được đổ vào việc tái xây dựng các đền đài, chùa chiền vốn đã bị phá hủy trong những năm tháng chiến tranh.Tuy nhiên, Kongō Gumi nhận thấy rằng các công trình bằng gỗ không có khả năng kháng cự mạnh mẽ nhất trước các cơn động đất, cháy nhà, hay sự tàn phá trong chiến tranh, nên họ đã tiến thêm một bước nữa và phát triển các phương pháp xây dựng công trình mới bằng bê tông, vốn sẽ giúp các công trình của họ có khả năng chống chọi lâu hơn mà vẫn giữ được những giá trị thẩm mỹ.
Sự sa sút của Kongō Gumi
Tuy Kongō Gumi có một lịch sử lâu dài trải dài hàng thế kỷ, một ngành công nghiệp bền vững, một đội ngũ lãnh đạo mạnh, và sự linh động trong các giai đoạn khủng hoảng, nhưng không gì có thể bảo vệ công ty này trước môi trường kinh doanh ảm đạm của Nhật Bản vào năm 2006. Doanh nghiệp gia đình hoạt động lâu đời nhất trên thế giới rốt cuộc đã đi đến hồi kết.
“Đầu tiên, trong giai đoạn bong bóng kinh tế vào những năm 1980 ở Nhật Bản, công ty này đã vay nợ khá nhiều để đầu tư vào bất động sản”, trang Bloomberg đưa tin. “Sau đợt vỡ bong bóng vào giai đoạn suy thoái 1992-1993, các tài sản đảm bảo cho các khoản nợ vay của Kongō Gumi đã sụt giảm giá trị. Thứ hai, các biến động xã hội ở Nhật Bản đã khiến người dân giảm thiểu việc đi chùa. Do đó, nhu cầu cho dịch vụ xây dựng chùa chiền của Kongō Gumi đã sụt giảm đột ngột bắt đầu từ năm 1998”.
Khi một cuộc khủng hoảng kinh tế tấn công Nhật Bản vào năm 2006, Kongō Gumi đã không còn có thể duy trì các khoản nợ xấu của nó nên rốt cuộc công ty 1.429 năm tuổi này đã bị vỡ nợ. Năm 2008, công ty này đã được công ty Takamatsu Ltd thu mua toàn bộ. Kongō Gumi hiện đang hoạt động dưới hình thức một chi nhánh được nắm vốn toàn bộ bởi Takamatsu, và để vinh danh quãng lịch sử hoạt động lâu dài của nó, tên của công ty này vẫn được giữ nguyên như thuở đầu.
Và Nhật Bản không chỉ có một công ty cổ nhất thế giới
Bạn biết không, khách sạn cổ nhất đang hoạt động không thuộc về bất kỳ nước châu Âu nào, mà vẫn là Nhật Bản. Đó là Nisiyama Onsen Keiunkan, một khách sạn – suối nước nóng tại Yamanashi, được thành lập vào năm 705.
Khách sạn cổ thứ 2 cũng thuộc về Nhật Bản – lại một khách sạn – suối nước nóng khác mang tên Hoshi Ryuokan, thành lập năm 718.
Và không chỉ có 2 khách sạn cổ nhất này đâu. Trên thực tế, Nhật Bản còn là quê hương của rất nhiều doanh nghiệp cổ. Như Sudo Honke – công ty nấu rượu sake cổ nhất – thành lập năm 1141; Yamanashi Prefecture – công ty sản xuất vật dụng cho sư sãi, thành lập năm 1024; Ichimojiya Wasuke – công ty bánh kẹo cổ nhất Nhật Bản, thành lập năm 1000,…
Làm cách nào mà họ có thể tồn tại đến cả ngàn năm?
Có lẽ cũng không quá ngạc nhiên khi một quốc gia với nền kinh tế có lịch sử lâu đời sở hữu các công ty như vậy. Hầu hết đều là những công ty gia đình. Bản thân Kongō Gumi cũng là công ty gia đình, với bản gia phả thừa kế kéo dài 3m, đó mới chỉ dừng lại ở thế kỷ 17.
Tuy nhiên, điều khó hiểu ở đây là làm thế nào những công ty này có thể tồn tại đến cả ngàn năm – một con số rất lớn so với đa số các doanh nghiệp khác trên thế giới?
Ở Nhật Bản, tư tưởng chung của nhiều công ty là trường tồn, nhất quán và liêm chính. Trong hơn 14 thế kỷ, Kongō Gumi tập trung vào các giá trị cốt lõi là bảo trì các ngôi chùa ở Osaka. Còn với khách sạn Keiunkan, gia đình chủ sở hữu lại quan tâm tới việc bảo tồn những truyền thống kinh doanh song song với việc vận hành công ty. Đồng thời, họ chỉ tập trung vào những mảng kinh doanh mà mình hiểu rõ và chú trọng việc phát triển danh tiếng. Nhiều công ty khác của Nhật cũng xây dựng các nguyên tắc nằm lòng trong nhân viên.
Bên cạnh đó, theo tác giả cuốn sách “Centuries of Succes” là William O’Hara thì: “Có một mô hình thành công chung. Hoạt động của những công ty gia đình lâu đời nhất tại Nhật Bản thường liên quan tới những lĩnh vực cơ bản của con người như ăn uống, vận chuyển, xây dựng”.
Ngoài ra, còn một lý do khác khiến số lượng những công ty “trường thọ” tại Nhật Bản cao bậc nhất thế giới là bởi cách các doanh nghiệp gia đình ở đây kế thừa và truyền lại cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo đó, chủ sở hữu của các công ty gia đình Nhật Bản thường trao lại toàn bộ công ty cho người con trai cả của họ. Và khi người chủ sở hữu doanh nghiệp không tin tưởng trao quyền thừa kế cho thế hệ sau thì họ có thể tìm người thay thế bằng cách nhận con trai nuôi, hoặc một người đủ tin tưởng để duy trì sự nghiệp của gia tộc chứ không bắt buộc phải là con cái trong nhà.
Theo một số nghiên cứu, các công ty được thừa hưởng bởi người “ngoại tộc” thường vận hành hiệu quả hơn nhiều, và nhờ thế mà họ có thể đứng vững đến cả ngàn năm.
>>> Sinh viên Việt xuất sắc ở trường Luật Harvard: Đạo đức mới cứu chuộc được tâm hồn
>>> Bí mật của khu vườn Thiên sứ ở Tây Ban Nha
Hồng Liên (t/h)