Thủ tướng Shinzo Abe Thứ Hai (22/9) cho biết, Nhật Bản sẽ không tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa ở nước này “trừ khi an toàn được đảm bảo 100%”, Japan Times đưa tin.
Tại Diễn đàn các Lãnh đạo Thế giới của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản hiện đang hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Gần đây, Nhật Bản đang thảo luận việc mở cửa lại một số nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động kể từ khi xảy ra thảm họa Fukushima năm 2011.
Sau khi ban hành những quy định chặt chẽ hơn về an toàn sau thảm họa cách đây 3 năm, hai tuần trước, Cơ quan Pháp quy Hạt nhân Nhật Bản (NRA) đã phê chuẩn cho khởi động lại 2 lò phản ứng hạt nhân gần thành phố Kyushu.
Tái khởi động những nhà máy điện hạt nhân sẽ là một biện pháp tích cực cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Nhật Bản.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, trước khi xảy ra thảm họa năm 2011, khoảng 30% điện năng của Nhật Bản là từ năng lượng hạt nhân và nước này từng lên kế hoạch nâng tỷ lệ trên lên ít nhất 40% vào năm 2017.
Kể từ sau thảm họa, Nhật Bản phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu để hỗ trợ cho sản xuất điện. Chi phí sản xuất cho mỗi Kw điện năng giữa nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân là rất lớn. Do đó, mở cửa lại những lò phản ứng sẽ giúp Nhật Bản tiết kiệm chi phí năng lượng và giảm lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu ngoại nhập.
Sau sự cố Fukushima, tất cả 48 lò phản ứng hạt nhân chưa bị hư hại của Nhật đều đang tạm thời đóng cửa, trải qua kiểm tra và bảo dưỡng.
Nằm trên hòn đảo Kyushu, phía tây nam thủ đô Tokyo, nhà máy điện hạt nhân Sendai thuộc sở hữu và được điều hành bởi công ty điện lực Kyushu Electric Power.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã bị trận động đất và sóng thần hôm 11/3/2011 tàn phá, gây rò rỉ phóng xạ tại 3 lò phản ứng và phát nổ. Đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới sau sự kiện Chernobyl năm 1986.
Bùi Hương, Hồ Duyên – Theo RIA Novosti