Báo cáo mới đây của chính phủ Nhật Bản cho thấy, số trẻ em và trẻ vị thành niên tại nước này tự sát giữa năm 2016 và 2017 đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Có 250 học sinh lứa tuổi tiểu học và trung học tự sát trong giai đoạn giữa năm 2016 và 2017, theo các khảo sát mới nhất của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Con số này đạt mức cao nhất kể từ năm 1986 với số trường hợp khi đó là 268 học sinh.
“Tình trạng học sinh tự sát tiếp tục tăng cao. Đây là vấn đề đáng báo động chúng ta phải giải quyết”, Bộ trưởng Giáo dục Noriaki Kitazaki ngày 5/11 khẳng định.
Bộ Giáo dục Nhật Bản vẫn chưa nghiên cứu được nguyên nhân khiến số trường hợp trẻ em tự sát tăng cao, theo CNN.
Trong các trường hợp đáng tiếc nói trên, khảo sát ghi nhận học sinh thường chọn cái chết làm lối thoát do bị bắt nạt tại trường, căng thẳng tâm lý hoặc các rắc rối trong gia đình. Phần lớn trường hợp tự sát được ghi nhận là học sinh trung học.
“Giai đoạn nghỉ hè cho phép bạn được trốn ở nhà. Đó thật sự là thiên đường cho những bạn trẻ thường xuyên bị bắt nạt ở trường”, Nanae Munemasa, 17 tuổi, trả lời phỏng vấn của CNN vào năm 2015. “Khi mùa hè kết thúc, họ lại phải đến trường. Một khi bạn quá lo lắng về việc bị bắt nạt thì bạn dễ nghĩ đến lối thoát là tự sát”. Chính phủ Nhật Bản trước đó đã phát hiện tình trạng số ca tự sát tăng cao vào ngày 1/9 hàng năm khi bắt đầu năm học mới.
Bản thân Munemasa cũng từng nghĩ đến cái chết làm lối thoát cho những tháng ngày bị bắt nạt tại trường học. Cô gái quyết định công khai câu chuyện của mình để giúp đỡ những bạn trẻ khác cùng hoàn cảnh.
Trong khi số người trẻ tự sát tăng cao vào năm 2017, số ca tự sát trên toàn Nhật Bản lại có chiều hướng giảm với 21.321 trường hợp được ghi nhận trong năm 2017. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia của Nhật Bản, 2003 là năm có số trường hợp tự sát cao nhất Nhật Bản với 34.427 người.
Chính phủ của Thủ tướng Shizo Abe năm 2016 đặt mục tiêu giảm 30% số trường hợp tự sát tại nước này vào năm 2026, chú trọng vào người trẻ tuổi, theo Japan Times. Nhật Bản cũng tuyển thêm chuyên viên tư vấn tâm lý tại tất cả trường tiểu học và trung học trên cả nước và thiết lập một đường dây nóng hỗ trợ tư vấn tâm lý túc trực 24/7.
“Chúng tôi muốn chấm dứt tình trạng đau lòng này. Thực tế đáng buồn là mỗi năm có hàng trăm trẻ em tự sát”, Koju Matsubayashi, một quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản, cho biết.
“Việc dạy trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ (tâm lý) sớm là vô cùng quan trọng. Một khi các em bị lún sâu vào những rắc rối của mình, việc tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ trở nên khó khăn hơn. Ánh sáng phía cuối đường hầm tắt dần đi, cho đến một lúc các em nghĩ rằng lối thoát chính là cái chết”, ông cho biết.
Có ý kiến cho rằng văn hóa làm việc căng thẳng của các nước Đông Á là nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ca tự sát tăng cao. Trong khi đó, theo một số chuyên gia, thực trạng đáng báo động nói trên một phần do người dân các nước châu Á còn định kiến với việc tìm kiếm giúp đỡ và điều trị bệnh trầm cảm hoặc các biện pháp can thiệp tâm lý.Không chỉ riêng Nhật Bản, nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đau đầu trước tình trạng số ca tự sát tăng cao. Tỉ lệ người tự sát tính trên 100.000 dân tại Hàn Quốc trong năm 2017 là 26,9. Con số này cao hơn cả Nhật Bản trong cùng năm là 18,5. Tự sát cũng chiếm phần lớn số ca tử vong được ghi nhận tại Hong Kong.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cảnh báo rằng, tự sát là một vấn đề có khả năng “lây nhiễm” về mặt tâm lý. Cái chết của một người hoặc nhiều người có thể làm tăng khả năng tự sát đối với người khác, đặc biệt những trường hợp đã từng có suy nghĩ tự sát hoặc dính đến các yếu tố có khả năng dẫn đến tự sát.
Theo Zing News