Thế giới nói chung và các nước phương Tây nói riêng đang phải đối diện với nguy cơ khủng bố từ các phần tử Hồi giáo cực đoan ngay trong lòng châu Âu. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta bài Hồi giáo. Việc nhận thức rõ ranh giới giữa Hồi giáo và khủng bố là hết sức quan trọng trong thời điểm này.
Yếu tố tôn giáo
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều các phong trào khủng bố lấy khẩu hiệu tôn giáo như Phong trào Hồi giáo cực đoan, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS)… khiến cho bất kỳ ai khi nhắc đến khủng bố là không thể không nhắc tới yếu tố tôn giáo mà cụ thể là Hồi giáo.
Hình ảnh các phiến quân Hồi giáo cực đoan trùm kín mặt ra tay tra tấn tàn độc rồi giết hại các con tin một cách man rợ xuất hiện ngày một nhiều trên mạng Internet hay các phương tiện truyền thông. Những tên trùm khủng bố khét tiếng như Bin Laden, Muhammad Atef, al-Zarqawi, Hakim… cho đến những phần tử đánh bom liều chết vô danh ở Afghanistan hay Iraq đều tự xưng là những tín đồ trung thành của thánh Allah. Các hình ảnh này đã vô tình đi sâu vào tiềm thức những người dân trên khắp thế giới về khủng bố và Hồi giáo.
Sự phát triển mạnh mẽ của ISIS tại Trung Đông cùng với sự xuất hiện trở lại của Al-Qeada tại châu Âu hiện nay càng làm dấy lên nỗi sợ hãi, đề phòng không chỉ với các vị lãnh đạo mà còn với người dân tại các quốc gia phương Tây. Nhưng đáng lo ngại hơn cả, tư tưởng bài Hồi theo đó cũng được dịp lan rộng.
Lỗi không ở Hồi giáo
Tín đồ Hồi giáo hiện diện ở tất cả năm châu lục trên thế giới, theo thống kê thì có tới 61,9% trong số họ tập trung ở châu Á, khoảng 20% sinh sống tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) và chỉ có 2,4% tại châu Âu. Từ những số liệu này, chúng ta có thể thấy hoạt động khủng bố xảy ra với mức độ nghiêm trọng hơn tại những khu vực không phải là nơi phân bổ đông đảo tín đồ Hồi giáo.
Nhìn theo góc độ khác, ngay từ cái tên Hồi giáo (Islam) theo tiếng Arab có nghĩa là sự quy phục, tuân lệnh đã cho thấy sự sùng đạo đặc thù của những người theo đạo Hồi và đặc điểm đó khiến tôn giáo này có điểm yếu dễ bị các nhà chính trị hay các nhóm khủng bố sử dụng để lôi kéo, tập hợp lực lượng cũng như biện minh cho các hành động khủng bố của mình.
Là một trong hai tôn giáo lớn nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng tín đồ rất cao và hiện hữu tại mọi vùng miền, châu lục, Hồi giáo có khoảng 1,57 tỷ tín đồ thuộc mọi thành phần dân số, chiếm tới 23% dân số toàn cầu. Hãy thử tưởng tượng một khi cộng đồng lớn mạnh này cảm thấy bất mãn, giận dữ với những sự phân biệt đối xử, những lời chỉ trích, đánh đồng vô cớ thì điều gì sẽ xảy ra?
Đâu là giải pháp?
Liệu tư tưởng bài Hồi giáo đang âm ỉ và nhen nhóm trở lại trong cộng đồng các quốc gia phương Tây có phải là giải pháp “chống khủng bố” hợp lý? Từ tháng 10/2014 đến nay, phong trào chống Hồi giáo hóa Phương Tây thường được gọi là Pegida đã tập hợp được nhiều người tham gia hơn. Ngày 12/1 vừa qua, tại Dresden, có tới 25 nghìn người tham gia cuộc biểu tình của Pegida trong khi cũng có tới 100 nghìn người trên khắp nước Đức xuống đường biểu tình phản đối các tư tưởng bài đạo Hồi hay không khoan dung. Mâu thuẫn tại nhiều nước Phương Tây giữa những người ủng hộ tự do tôn giáo và bài đạo Hồi dường như lớn hơn sau vụ thảm sát tại Paris.
Nhiều nhà lãnh đạo Phương Tây đều nhìn rõ vấn đề này. Tổng thống Đức là Joachim Gauck, Thủ tướng Angela Merkel đều lên tiếng chỉ trích phong trào Pegida, tuyên bố “Hồi giáo là một phần của nước Đức” và tham gia cuộc biểu tình ngày 13/1 do một nhóm Hồi giáo tổ chức nhằm tưởng niệm các nạn nhân trong vụ Charlie Hebdo.
Tổng thống Obama ngay từ khi nắm quyền cũng nỗ lực hàn gắn với thế giới Hồi giáo thông qua các bài diễn văn ca ngợi tại các nước Hồi giáo lớn trên thế giới và né tránh đưa yếu tố tôn giáo vào chủ nghĩa khủng bố. Việc nhận thức rõ ranh giới giữa Hồi giáo và khủng bố là hết sức quan trọng trong những thời điểm như hiện nay.
Theo Dân Trí