Nhân sâm đã được sử dụng hàng ngàn năm với các dược tính kỳ diệu. Cả người châu Á và người Mỹ da đỏ đều công nhận khả năng tuyệt vời của nó trong việc điều trị nhiều loại bệnh trạng và bồi bổ cơ thể.
Nhân sâm trong y học cổ truyền
Hiểu được bản chất tự nhiên loài thực vật này, Carl Linnaeus, nhà thực vật học người Thụy Điển, người đã chính thức hóa hệ thống danh pháp nhị thức, đã đặt tên chi cho nó là Panax, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp πᾶν (pân hay “tất cả”) và ἄκος (ákos hay “chữa trị”).
Trong khi 19 loài thực vật khác nhau có tên “nhân sâm”, chỉ có 8 loài thuộc chi Panax. Nhân sâm Panax, còn được gọi là nhân sâm châu Á. Việc sử dụng nó phần đông tập trung ở Trung Quốc, nơi nó được coi là một trong những loại thảo dược quan trọng nhất trong Y học cổ truyền Trung Quốc (TCM).
Nhân sâm được biểu thị trong tiếng Trung bằng các ký tự 人参, (rénshēn), nghĩa là “rễ hình người”, do hình dạng của nó thường giống hình dạng của con người. Trong Y học cổ truyền Trung Quốc, rễ cây nhân sâm có thể làm tăng khí (氣), hay năng lượng, có hiệu quả trong việc điều trị hàng loạt các bệnh lý. Y học cổ truyền Trung Quốc coi nhân sâm như một loại thuốc bổ gần như “vạn năng” trong hơn 5000 năm. Các tác dụng kéo dài tuổi thọ, giảm căng thẳng, hỗ trợ hệ tiêu hóa và tăng cường trí não là một trong vô số năng lực của loại thảo dược quý giá này.
Khi tin tức về giá trị của nhân sâm lan rộng và các nguồn nhân sâm ở Trung Quốc cạn kiệt, việc tìm kiếm các nguồn cung nhân sâm bắt đầu bùng phát ở các khu vực khác. Vào những năm 1700, nhân sâm Hoa Kỳ (Panax quinquefolius) được “phát hiện” và được nhập khẩu rộng rãi như một nguồn bổ sung cho Trung Quốc.
Một giai đoạn lịch sử
Hai tu sĩ người Pháp chịu trách nhiệm đưa nhân sâm Hoa Kỳ đến Trung Quốc. Cha Jartoux đã ghi nhận về nhân sâm ở Trung Quốc trong một báo cáo và biên thư cho cha Lafitau ở St Louise, Canada mô tả chính xác sự hiện diện của nó. Cha Lafitau đã đọc văn bản, nhận thấy nhân sâm có thể mọc ở Canada. Lafitau đã nhờ những người Mỹ da đỏ giúp ông tìm kiếm các loại nhân sâm mà họ đã biết và sử dụng trong nhiều thế kỷ.
Phát hiện năm 1716 của Lafitau về nhân sâm ở Canada có thể đã ảnh hưởng đến sự hình thành lịch sử săn nhân sâm và trồng nhân sâm của Hoa Kỳ. Ngay sau khi nhân sâm được phát hiện phát triển mạnh ở châu Mỹ, nó đã trở thành món hàng béo bở, đặc biệt là ở vùng núi Appalachian. Lượng xuất khẩu nhân sâm sang Trung Quốc lên tới hàng trăm nghìn bảng Anh mỗi năm đã mang lại thu nhập cao ngất ngưỡng và chưa từng có cho những nhà thực dân trẻ tuổi và đất nước mới hình thành.
Vào năm 1784, George Washington từng ghi chép lại rằng: “Khi đi qua những ngọn núi, tôi đã gặp một số người và những con ngựa chở nhân sâm băng qua núi.” Cùng năm đó, con tàu thương mại quốc tế đầu tiên của Hoa Kỳ rời cảng New York, chở hơn 30 tấn nhân sâm Hoa Kỳ đến Trung Quốc.
Từ thu hoạch quá mức, đến sự khan hiếm và sự bảo vệ
Không có ý nghĩ nào về việc bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này, cuối cùng, lượng nhân sâm bắt đầu suy giảm với tốc độ đáng báo động. Trong 25 đến 30 năm sau năm 1865, xuất khẩu nhân sâm giảm từ 400.000 xuống còn 216.000 pound mỗi năm, với giá đồng thời tăng gấp 3 lần. Vì cây nhân sâm mất nhiều năm để trưởng thành và việc thu hoạch rễ sẽ giết chết cây, nên việc thu hoạch quá mức gây ra mối đe dọa nghiêm trọng. Trên hết, việc thu hoạch được thực hiện liên tục quanh năm suốt tháng, khiến cây không thể gieo hạt lại trước khi đem đi trồng. Khi nhân sâm trở nên khan hiếm ở Appalachians, các “thợ đào sâm” đã di chuyển hàng loạt đến Arkansas, nơi mộc nhiều loại thảo mộc này.
Việc thu hoạch quá mức diễn ra liên tục và nhu cầu về nhân sâm tăng lên gần như đã khiến loài thực vật này bị tuyệt chủng vào năm 1970.
Ngày nay, nhân sâm đã được bảo vệ bởi các quy định ở Hoa Kỳ, nơi cây được trồng để xuất khẩu và sử dụng trong nước; thế nhưng nhân sâm rừng vẫn được xem là hàng thượng phẩm. 21 trong số 34 tiểu bang có thể tìm thấy loài thực vật này quan tâm đến việc bảo tồn, trong khi các bang còn lại cho phép thu hoạch và xuất khẩu nhân sâm tự nhiên theo quy định của liên bang và CITES. Tuy nhiên, với mức giá hàng trăm đô la mỗi pound, nhiều người đào sâm sẵn sàng mạo hiểm khai thác nhân sâm bất hợp pháp, bất chấp các hình phạt nặng (hoặc bỏ tù).
Trớ trêu thay, một phần của quy định thu hoạch nhân sâm lại ngăn cản sự tồn tại của loại thảo mộc này. Để xác định tuổi của cây (nhằm mục đích theo dõi), người ta phải thu hoạch toàn bộ rễ và cổ. Các mẫu cây trưởng thành sẽ có các rễ phụ nhỏ phân nhánh từ cổ rễ và rễ cây. Nếu phần rễ bị cắt dưới cổ, để lại một số rễ nhỏ, người ta có thể trồng lại cây sau khi thu hoạch và bảo quản được cây, nhưng làm vậy bị coi là vi phạm pháp luật.
Những người làm vườn kiên nhẫn có thể trồng nhân sâm tại nhà
Việc trồng cây nhân sâm là hoàn toàn hợp pháp và việc thu hoạch tại nhà sẽ chỉ do bạn tự quản lý. Cây thảo dược này phải trải qua thời gian sinh trưởng ít nhất từ 3 đến 7 năm.
Bất cứ ai quen thuộc với việc trồng măng tây đều biết đó là một cam kết lớn về thời gian. Nhân sâm cũng vậy, cần ít nhất 5 năm sinh trưởng trước khi thu hoạch. Một số người tin rằng nó sẽ không đạt được dược lực đầy đủ cho đến khi được 7 tuổi. Hạt giống có thể mất 18 tháng để nảy mầm.Tuy nhiên, bạn sẽ không mất nhiều thời gian chăm sóc. Việc trồng nhân sâm khá dễ chịu vì chi phí chăm sóc tương đối thấp và các điều kiện để đáp ứng sự phát triển của cây cũng khá đơn giản.
Hạt nhân sâm được bán rộng rãi với giá thấp. Hạt giống cần được phân tầng lạnh trong 6 tháng, nhưng bạn cũng có thể tìm mua hạt giống đã được phân tầng sẵn. Cây con và cây rễ trần đắt hơn, với chi phí phát triển cùng với tuổi của cây, nhưng chúng sẽ mang lại cho bạn một sự khởi đầu thuận lợi lên tới hàng năm.
Việc chọn một khu đất có cây cối rậm rạp (hoặc có bóng râm), nơi không bị cỏ dại xâm lấn, hoặc người đi bộ. Bạn cũng có thể trồng nhân sâm nay trong nhà, miễn là có thể tránh được ánh nắng trực tiếp. Gieo hạt vào mùa thu sâu khoảng 1 ½ inch. Cây non nên được trồng vào mùa xuân ở độ sâu khoảng 3 inch (7,6 cm).
Khi đã bắt đầu trồng xuống đất, nhân sâm không cần chăm sóc nhiều. Chỉ cần ưu tiên điều kiện ẩm, tưới cây khi thời gian khô hạn kéo dài. Mặc dù cỏ dại có thể không xuất hiện trong các khu vực cây cối rậm rạp, nhưng chúng sẽ cản trở sự phát triển của nhân sâm vì chúng mọc nhanh hơn.
Hạt giống sẽ nảy mầm sau khi gieo một năm, và cây sẽ bắt đầu ra hoa và kết trái sau năm đầu tiên phát triển.
Tuy nhiên, gốc chỉ đạt đến độ trưởng thành sau 5 năm hoặc hơn. Nên thu hoạch vào mùa thu, vì thời gian này cho phép quả hình thành và hạt phát triển. Những quả mọng nhỏ màu đỏ có thể ăn được và có giá trị y học riêng, trong khi hạt của chúng có thể được gieo trồng để đảm bảo một vụ mùa liên tục.
Như đã đề cập ở trên, không nhất thiết phải giết cây để thu hoạch rễ. Bằng cách cắt bỏ bên dưới cổ, chỉ cần cổ có một số rễ nhỏ, bạn có thể trồng lại ngay trong đất và để cho rễ mới phát triển.
Nhân sâm tươi là một món ăn đặc biệt, có thể được ăn sống hoặc pha chung với trà, nấu chung với súp và các món ăn khác. Nên sấy khô để bảo quản nhân sâm. Theo Y học Cổ truyền Trung Quốc, không nên quá lạm dụng nhân sâm vì “quá bổ cũng không tốt”.
Lời khuyên
Y học cổ truyền Trung Quốc tập trung vào khí, hay năng lượng, và sự lưu thông của khí qua các kinh mạch, hay còn gọi là các “kênh năng lượng”. Vì đặc tính nổi bật của nhân sâm là do nó có khả năng di chuyển khí đến các cơ quan hoặc khu vực cần tăng cường hoặc phục hồi, các bác sĩ Y học Cổ truyền Trung Quốc luôn cẩn trọng và không sử dụng phương thuốc có chứa nhân sâm nếu như cơ thể không có “tà khí”. Trong Y học Cổ truyền Trung Quốc, tà khí được coi là gốc rễ của mọi bệnh tật. Do đó, nhân sâm chỉ nên được kê đơn kết hợp với các bài thuốc thảo dược khác có tác dụng khu trừ tà khí. Một khi tác động tiêu cực bị loại bỏ, nhân sâm có thể an toàn làm phần việc của mình: tăng cường và phục hồi sinh lực.
Một số bác sĩ Y học Cổ truyền Trung Quốc, như Tiến sĩ Shi-hua Wu, ở Chinatown thuộc Washington D.C, tin rằng nhân sâm có thể gây hại cho những người khỏe mạnh. Tiến sĩ Wu cho biết: “Nhân Sâm, theo quan điểm của tôi – đừng sử dụng nó nếu không cần thiết, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.” Nhân sâm chứa dược lực mạnh, thường chỉ được dành cho những bệnh nặng hoặc đe dọa đến tính mạng, và việc kê đơn cho những người trẻ và khỏe mạnh không những không cần thiết mà còn gây hại.
Như câu nói, “Đang yên lành thì đừng nên thay đổi.”
Thiện Thành (Theo Vision Times)