Trước nguy cơ Trái Đất bị diệt vong, hơn 15.000 nhà khoa học trên khắp thế giới đã cùng ký tên vào báo cáo cảnh báo và kêu gọi con người cần phải hành động ngay.
Cuộc sống của người dân trên khắp thế giới sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu con người không có biện pháp đảo ngược những tác hại đối với môi trường, theo báo cáo đăng trên tạp chí BioScience có chữ ký của 15.362 nhà khoa học đến từ 184 quốc gia.
Báo cáo có tựa đề “Cảnh báo của các nhà khoa học thế giới đối với nhân loại: Thông cáo thứ hai”, nhấn mạnh những xu hướng lớn hiện nay như ấm lên toàn cầu, chặt phá rừng, giảm nguồn nước ngọt, sự tuyệt chủng của nhiều loài khác nhau và dân số gia tăng, tiến triển theo hướng xấu từ năm 1992.
Đây được cho là sự hỗ trợ chính thức lớn nhất của các nhà khoa học cho một bài báo trên tạp chí từ trước đến nay.
“Thông báo thứ hai” là bản cập nhật của bài viết “Cảnh báo của các nhà khoa học thế giới tới nhân loại” công bố năm 1992. 1.700 nhà khoa học, trong đó có hầu hết các nhà khoa học đoạt giải Nobel thời đó cảnh báo rằng những tác động của con người đối với môi trường đang đặt ra “nguy cơ cho tương lai mà chúng ta không mong muốn đối với xã hội loài người” và đưa ra một số xu hướng đáng lo ngại.
“Các nhà khoa học đang phân tích dữ liệu và xem xét những hậu quả lâu dài. Những người ký cảnh báo thứ hai này không chỉ đang báo động. Họ đang nêu ra những dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng ta đang tiến theo lộ trình kém bền vững. Chúng tôi hy vọng báo cáo sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh luận rộng rãi trong cộng đồng về môi trường và khí hậu toàn cầu”, William Ripple, giáo sư ở Đại học Lâm nghiệp tại Oregon, Mỹ, một trong các tác giả của báo cáo gần đây, chia sẻ.
Báo cáo dựa trên dữ liệu từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà nghiên cứu, nhận định nhân loại đang mạo hiểm với tương lai của chính mình khi gây ra nhiều thiệt hại lớn và không thể khắc phục cho môi trường Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu nêu ra một số xu hướng tiêu cực đối với môi trường như lượng khí thải carbon và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục gia tăng, lượng nước ngọt sẵn có theo đầu người giảm 26%, số vùng chết trên đại dương tăng 75%, đất rừng giảm gần 121 triệu hecta, lượng đánh bắt cá tự nhiên sụt giảm, số lượng động vật có vú, bò sát, lưỡng cư, cá và chim giảm 29%, dân số tăng 35%.
“Nhân loại chưa tiến hành những biện pháp khẩn cấp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ sinh quyển của chúng ta”, các tác giả báo cáo kết luận.
Báo cáo cũng đề xuất những giải pháp có thể áp dụng để đảo ngược một số xu hướng tiêu cực như thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, khuyến khích chế độ ăn nhiều rau củ, thành lập các khu bảo tồn trên đất liền và trên biển, tăng cường luật chống săn trộm và buôn bán động vật hoang dã.
“Sẽ đến lúc quá trễ để thay đổi lộ trình tự hủy diệt của chúng ta, và thời gian đang rút ngắn dần. Chúng ta phải nhận thấy rõ Trái Đất và mọi sự sống trên đó là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Chúng ta phải tạo ra nhiều thành tựu lớn vì lợi ích của nhân loại”, các nhà nghiên cứu kêu gọi.
Tạp chí Scientific trước đó đã từng nhấn mạnh, nếu vào năm 2050 mực nước biển toàn cầu tăng gấp đôi, từ 10cm hiện nay lên 20cm, sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ lũ lụt ở các quốc gia cũng như các thành phố ven biển. Các thành phố lớn dọc bờ biển ở Bắc Mỹ như Vancouver, Seattle, San Francisco và Los Angeles, cùng các thành phố khác nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương sẽ là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại các quốc gia nhiệt đới, cư dân sống dọc các con sông lớn cũng phải đối mặt nguy cơ lũ lụt với tần suất tăng gấp đôi hiện nay, đặc biệt là người dân ở các quốc gia có mật độ dân số cao ở châu Á và châu Phi.
Lụt lội ở các thành phố ven biển là do bão lớn và càng trở nên tồi tệ hơn khi các đợt sóng lớn và thủy triều dâng cao. Nếu nước biển tăng thêm đến 25cm vào giữa thế kỷ, lũ lụt sẽ thật sự là thảm họa khôn lường đối với các quốc gia ở vùng nhiệt đới.
Hồng Liên (t/h)