Tinh Hoa

Nhân chứng bàng hoàng kể lại giây phút xảy ra động đất mạnh nhất thế kỷ ở Kon Tum

“Tôi cùng mẹ đang xem tivi thấy nhà bỗng rung lắc, đồ đạc rung bần bật. Tôi gọi mẹ chạy ra ngoài cổng vì sợ đổ nhà…”, anh Phước (ngụ tại thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum) chưa hết bàng hoàng kể lại.

Theo thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu, ngày 23/8 trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra 4 trận động đất, gây rung lắc mạnh, khiến nhiều người dân hoảng loạn chạy ra khỏi nhà.

Trong đó, theo báo Sức khỏe & Đời sống, trận động đất xảy ra vào khoảng 14h08 chiều ngày 23/8 có độ lớn 4,7 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km, được đánh giá là trận động đất mạnh nhất trong hơn một thế kỷ qua ở tỉnh Kon Tum. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã phát đi cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.


Người dân ở khu tái định cư xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) gần thủy điện Thượng Kon Tum thấp thỏm lo sợ vì các trận động đất. (Ảnh: Tiền Phong)

Chưa hết bàng hoàng sau trận động đất trên, anh Hoàng Văn Phước (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) kể lại với báo Tiền Phong, khi ấy “Tôi cùng mẹ đang xem tivi thấy nhà bỗng rung lắc, đồ đạc rung bần bật. Tôi gọi mẹ chạy ra ngoài cổng vì sợ đổ nhà. May mà không sao”.

Anh Nguyễn Đức Nghĩa (ngụ tại TP. Pleiku) cũng chia sẻ: “Tôi ở trên tầng 2 ngôi nhà, cảm nhận rõ rệt trận động đất này, mạnh nhất khoảng 5 giây đầu. Đợt trước ở Pleiku cũng xảy ra một lần động đất có tâm chấn ở Kon Plông rồi nên tôi và gia đình cũng không hoang mang lắm”.

Động đất ở Kon Tum ảnh hưởng đến tận Đà Nẵng

Theo báo Tuổi Trẻ, không chỉ ảnh hưởng tới người dân trên địa bàn Kon Tum, trận động đất trên còn khiến nhiều người dân ở tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cảm nhận rõ rung lắc khi đang làm việc tại các tòa nhà cao tầng.

Một người dân sống ở Đà Nẵng cho biết khoảng hơn 14h, khi đang làm việc trên tầng 8 của một tòa nhà tại TP. Đà Nẵng đã cảm nhận rung lắc và thấy đồ đạc bị chao đảo, mất thăng bằng.

Bản đồ chấn tâm động đất. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Trong khi đó, ông Trần Văn Mẫn, phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, khi ông đang ngồi làm việc trong phòng thì nghe rung lắc dữ dội, hoảng hốt ông cùng nhiều cán bộ, nhân viên ở trụ sở UBND huyện bỏ chạy ra ngoài.

Ông Ngô Tấn Lạc, chủ tịch UBND xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) cũng cho biết, mọi người ở trong trụ sở xã cảm nhận được sự rung lắc dữ dội, hoảng sợ và bỏ chạy ra ngoài. Nhiều người dân ở huyện Nam Trà My cũng chạy ra ngoài bởi sự rung lắc của trận động đất trên.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, đã có báo cáo nhanh bước đầu về tình hình thiệt hại sau trận động đất lớn nhất hơn một thế kỷ trên địa bàn.

Người dân ở huyện miền núi Nam Trà My cảm nhận được rung lắc do trận động đất gây ra. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Theo báo cáo, tính đến 16h00 cùng ngày (23/08), trên địa bàn huyện Kon Plông có 1 hộ dân ở thôn Đăk Chờ (xã Đăk Ring) bị rơi ngói tại phần mái phụ phía sau nhà. Hiện chưa có thiệt hại nào về người và tài sản do động đất gây ra. Tuy nhiên, các trận động đất đã gây tâm lý lo lắng, bất an trong người dân.

Ông Tín cho biết thêm, bản thân cũng cảm nhận trận động đất này rung lắc khá lớn, kéo dài chừng 20 giây. Theo ông Tín, từ đợt động đất trước đó, địa phương đã chỉ đạo các thuỷ điện lắp thêm quan trắc, giảm mực nước. Riêng người dân huyện cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở bà con cách ứng phó ban đầu để tránh thiệt hại về người và của.

Xuân Hạ (t/h)