Đăng tải các thiết kế giống hệt áo dài Việt Nam cùng phụ kiện là nón lá, mấn đội đầu nhưng tờ báo của Trung Quốc lại gọi chúng là ‘phong cách Trung Quốc’, nhà thiết kế nước này nhận đó là sự sáng tạo, cách tân của bản thân…
Mới đây, China Daily, một tờ báo nhà nước bằng tiếng Anh của Trung Quốc đã đăng tải các thiết kế giống hệt áo dài Việt Nam đi kèm nón lá, mấn đội đầu và gọi đó là ‘phong cách Trung Quốc‘ khiến nhiều người phẫn nộ.
Nhà thiết kế Trung Quốc coi áo dài là ‘sự sáng tạo’ của họ
Được biết, mẫu thiết kế mà China Daily đăng tải thuộc bộ sưu tập ‘cách tân’ những kiểu áo dài của thương hiệu thời trang Ne Tiger (Trung Quốc) từng công bố trong Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 tại Bắc Kinh khai mạc ngày 25/10/2018.
Trao đổi với phóng viên khi ấy, ông Trương Chí Phong, nhà sáng lập thương hiệu thời trang trên chia sẻ rằng những thiết kế trên là ‘sáng tạo mới’ nhấn mạnh vào vẻ đẹp kiêu sa của trang phục Trung Quốc truyền thống. “Khi sáng tạo ra bộ sưu tập này, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc”, ông Phong nói.
Ngoài ra, vị ‘cha đẻ’ của thương hiệu Ne Tiger cũng cho hay: “Thương hiệu sẽ tiếp tục thể hệ các nền văn minh của Trung Quốc thông qua việc kết hợp văn hóa truyền thống Trung Quốc với trang phục hiện đại của thế giới”.
‘Sườn xám cách tân’ nhưng lại giống hệt áo dài Việt Nam
Tuy nhiên, dù được nhà thiết kế người Trung gọi là ‘sự sáng tạo mới’, và nhiều người dân nước này vẫn xem đây là ‘sườn xám cách tân’ song khi nhìn vào những mẫu thiết kế trên, người đọc vẫn có thế dễ dàng nhận thấy hàng loạt mẫu thiết kế giống hệt áo dài Việt Nam từ kiểu dáng, họa tiết đến các phụ kiện đi kèm mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.
Một cư dân mạng Việt Nam chuyên về thiết kế áo dài nhận định rằng, mặc dù sườn xám Trung Quốc và áo dài Việt có nhiều nét tương đồng nhưng không khó để nhận ra mẫu thiết kế là áo dài hay là biến tấu từ sườn xám.
Với những mẫu thiết kế của thương hiệu Ne Tiger, rõ ràng những gì được xem là thiết kế mới đấy, chính xác là áo dài. Không những thế, người mẫu còn đội trên đầu chiếc nón lá – cũng là một phụ kiện đặc trưng của người Việt.
Nón lá, áo dài Việt là ‘phong cách Trung Quốc’ hay là sự ‘ăn cắp văn hóa’
Đáng nói hơn, loạt thiết kế này lại được China Daily đăng tải với tiêu đề ‘Chinese style delights China S/S Fashion Week’ (Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn tuần lễ thời trang Xuân – Hè).
Cụm từ ‘Phong cách Trung Quốc’ (Chinese style) đã khiến không ít người Việt phẫn nộ vì trang báo trên mặc định những trang phục này đều là phong cách của Trung Quốc. Nhiều người lo lắng cũng với các ‘sáng tạo’ từ nhà mốt xứ Trung và gọi đó là hành vi “ăn cắp văn hóa”.
Không ít ý kiến trên các diễn đàn mạng cáo buộc động thái của Ne·Tiger với áo dài, quốc phục của Việt Nam, chẳng khác nào một âm mưu ‘đường lưỡi bò’ thứ hai trong lĩnh vực văn hóa và thời trang của người Trung Quốc.
“Khi các giá trị văn hoá bị đánh cắp một cách tinh vi”, “Không thể tin nổi những gì đang diễn ra trước mắt mình”, “Ăn cắp trắng trợn là đây”, “Đây rõ ràng là áo dài Việt Nam”… là một trong những bình luận mà công chúng Việt để lại bình luận ngay trên phần đăng tải bức ảnh người mẫu mặc mẫu thiết kế.
Theo Wiki, áo dài là một loại trang phục cách tân từ áo Ngũ thân và vốn được xem là trang phục truyền thống của người Việt Nam. Xuất hiện từ năm 1744 (thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát – người có công sáng chế và định hình chiếc áo dài Việt Nam như hiện nay).
Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, áo dài đã trở thành trang phục quen thuộc trong cuộc sống đại chúng, biểu tượng của văn hóa Việt. Năm 2002, áo dài đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam, riêng biệt hẳn với các nước khác trên toàn thế giới. Áo dài cũng được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được nhấn mạnh là trang phục của phụ nữ Việt.
Một số mẫu áo dài mà báo Trung gọi là ‘phong cách Trung Quốc’
Vũ Tuấn (t/h)