Sự kiện ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung với số tiền hơn 100 tỷ đồng đã làm rung động dư luận nhiều ngày nay. Đồng thời cũng khiến người Việt một lần nữa làm sống lại truyền thống ”lá lành đùm lá rách”, “nhiều điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”… đã làm ấm lòng hàng triệu con người trong tình cảnh ngặt nghèo. Ấy thế nhưng một nghị định phi lý, có phần không chính danh đang khiến những tấm lòng thiện nguyện gặp ngăn trở.
Cụ thể, Nghị định 64/2008 (về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng…) không quy định cho những cá nhân, nhóm người như trên được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Theo Điều 5 của nghị định này, chỉ có ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Gồm có:
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.
- Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Cũng theo Điều 5, Chính phủ nhấn mạnh: Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Cùng với đó, Thông tư hướng dẫn số 72/2008 của Bộ Tài chính còn đề ra thêm hạn chế ngặt nghèo hơn so với Nghị định 64/2008. Theo thông tư này thì báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể).
Như vậy, nếu căn cứ đúng theo quy định nêu trên thì xem như ca sĩ Thủy Tiên, nhiều nghệ sĩ khác, những cá nhân, doanh nghiệp… có nghĩa cử đẹp tương tự đã… vi phạm vào sự cấm đoán của Nghị định 64/2008.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những hạn chế của các Nghị định trên đã trực tiếp tác động vào quyền tư hữu (bao gồm quyền chuyển giao hàng hóa cho người khác, thay đổi, từ bỏ hoặc phá hủy nó) – vốn là quyền thần thánh bất khả xâm phạm của mỗi người. Việc xác định hành vi tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ là phạm pháp chỉ khi được chứng minh là hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong khi các tổ chức chính thống của Nhà nước chưa chứng minh được uy tín của mình, tệ nạn tham nhũng vẫn tràn lan, thì việc cưỡng ép tấm lòng của nhân dân phải đặt lên các tổ chức này là quá khiên cưỡng. Thậm chỉ hiệu quả cứu trợ cũng theo đó mà không đạt được hiệu quả tối đa, mà người trực tiếp chịu thiệt thòi lại chính là những đồng bào đang trọng hoạn nạn kia vậy.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một trong các yêu cầu của văn bản pháp luật là phải đảm bảo được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong các văn bản cùng tính khả thi, hiệu quả, kịp thời, dễ thực hiện…
Vì lẽ này, những quy định gây trở ngại cho tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hoạt động hay tiếp nhận cứu trợ nhân đạo của Nghị định 64/2008 của Chính phủ và Thông tư 72/2008 của Bộ Tài chính cần phải được nhanh chóng hủy bỏ.
Từ Thức (t/h)