Tinh Hoa

Nhà mạng “thúc giục” thuê bao nộp ảnh chân dung, nhiều người tỏ ra bức xúc

Việc các nhà mạng yêu cầu các chủ thuê bao di động phải cung cấp thông tin cá nhân (CMND) và ảnh chân dung đang vấp phải những phản ứng gay gắt của đông đảo chủ thuê bao di động. Nhiều người còn e ngại về khả năng bị đánh cắp thông tin và giám sát những người bất đồng chính kiến.

Viettel gửi thông báo đến các chủ thuê bao nếu có đầy đủ thông tin trước ngày 24/4, thuê bao sẽ bị khóa 1 chiều. (Ảnh: Thoibao)

 

Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, nếu chủ thuê bao không thể cập nhật được hình chân dung và thông tin CMND trước ngày 24/4, Bộ sẽ thực hiện kiểm tra quá trình hoàn thiện thông tin thuê bao từ các nhà mạng. Thuê bao không cập nhập đủ thông tin, sẽ xử lý theo Nghị định 49.

Cụ thể, đối với nhà mạng Viettel, chủ thuê bao của mạng này bắt buộc phải cập nhật hình chân dung và thông tin CMND lên hệ thống trước ngày 24/4. Việc hoàn thiện thông tin khách có thể thực hiện tại các đại lý hoặc qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hiện, các tin nhắn trên đang được hãng gửi tới các thuê bao thiếu thông tin chính chủ.

Cùng động thái, MobiFone đã gửi tin nhắn đến các thuê bao trả trước đề nghị họ đến các cửa hàng hoặc đại lý của hãng để cập nhập thông tin trước ngày 14/4.

VinaPhone cũng cho biết trong những ngày tới, nhà mạng sẽ chủ động nhắn tin tới các thuê bao chưa cập nhật đủ thông tin và ảnh chân dung để mời khách hàng tới các của hàng VinaPhone hoàn thiện và cập nhật thông tin thuê bao, ảnh chân dung khách hàng.

Theo quy định của Nghị định 49, kể từ khi nhận được tin nhắn, nếu chủ thuê bao không nộp ảnh và cập nhật thông tin trong vòng 15 ngày sẽ bị khóa một chiều, trong vòng 15 ngày tiếp theo sẽ bị khóa 2 chiều, bị thanh lý hợp đồng sau 30 ngày tiếp theo, và số thuê bao có thể bị bán cho người khác sau 60 ngày.

Yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân và nộp ảnh chân dung của chủ thuê bao di động đã thu hút sự quan tâm của xã hội với nhiều quan điểm trái chiều. Đây không phải lần đầu yêu cầu này bị mang ra mổ xẻ. Vào giữa tháng 6/2017, ngay sau khi Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011 được đăng tải, cư dân mạng đã đưa ra rất nhiều bình luận khác nhau trước quy định phải cung cấp ảnh chân dung khi mua SIM, đăng kí thông tin thuê bao.

Theo đó, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ, chính là “ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động)”. Ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ) chụp. Vấn đề là quy định được đưa ra trong bối cảnh người tiêu dùng đã quá quen thuộc với cách làm hiện tại khi việc đăng ký sim phụ thuộc vào giấy tờ tùy thân là chính, mà đặc biệt là chứng minh nhân dân (CMND).

Viettel yêu cầu chủ thuê bao nộp hình chân dung trước 24/4. (Ảnh: Zing News)

Càng gần tới ngày giới nghiêm, các nhà mạng càng hối thúc người dùng hoàn tất đăng ký thông tin thuê bao, trong đó, phần nhiều là yêu cầu người dùng tới các điểm giao dịch để được chụp ảnh chân dung. Việc này khiến sự bức xúc của chủ thuê bao càng bị đẩy lên cao độ.

Chị Thùy Linh (La Thành – Hà Nội) đặt vấn đề: “Chỉ cần căn cứ vào CMND (hay CCCD) là đủ, vì đây là loại giấy tờ tùy thân được chấp nhận trong giao dịch với cơ quan công quyền hay ngân hàng. Ở ngân hàng, giao dịch tiền lên đến cả tỉ đồng cũng đều chỉ yêu cầu sử dụng CMND, ở CMND cũng đã có hình. Trong khi đó, chỉ quản lý sim điện thoại mà nhà mạng đòi chụp hình chân dung, gây rất phiền hà cho khách hàng. Vậy khi đăng ký sử dụng CMND làm gì?!”.

Anh Nguyễn Hải (Quỳnh Mai – Hà Nội) thì lật lại vấn đề rằng yêu cầu này không phù hợp cho các chủ thuê bao lớn tuổi. Họ dùng điện thoại chỉ biết nghe với gọi thôi thì làm sao có thể hoàn thiện được đầy đủ các thông tin như yêu cầu. Chưa kể, những người ở vùng quê, nông thôn, đi lại xa xôi, khó khăn. Để có được cái điện thoại và số thuê bao liên lạc mà làm khó họ quá vậy? Đâu phải ai cũng biết nhiều về công nghệ.

Thậm chí, một bạn đọc còn đặt nghi vấn, trước nay, người dùng chỉ mỗi đăng ký họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú mà đã bị “bán thông tin” các đơn vị bảo hiểm, công ty bất động sản,… làm phiền người dùng, giờ đây nếu thêm ảnh chân dung thì không biết sẽ còn như thế nào.

Theo các nhà mạng, mặc dù khi triển khai chụp ảnh chân dung theo yêu cầu của nghị định 49, nhưng họ đều có cam kết với khách hàng “tất cả thông tin và hình ảnh của khách hàng sẽ được số hóa và bảo mật trong cơ sở dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông”, tuy nhiên, đa số các khách hàng tỏ ra rất bức xúc và không ủng hộ việc chụp ảnh khách hàng khi thực hiện đăng ký SIM di động.

Trong khi nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại về khả năng bị tiết lộ thông tin và ảnh chân dung có thể bị sử dụng để đăng ký các dịch vụ ở nước ngoài, một số nhà hoạt động nghi ngờ đây có thể là một biện pháp tiếp theo nhằm “tăng cường quản lý” những tiếng nói bất đồng.

Ông Phạm Lê Vương Các, một nhà hoạt động nghiên cứu Luật tại Việt Nam, chia sẻ với VOA tiếng Việt: “Theo tôi biết, ở một số nước, người ta không theo dõi một cách tùy tiện như ở Việt Nam hiện nay. Để theo dõi một đối tượng liên quan đến an ninh quốc gia, người ta đòi hỏi phải có lệnh từ tòa án hoặc một cơ quan đặc biệt nào đó yêu cầu, nghĩa là phải có một cơ quan ngoài cảnh sát yêu cầu thì người ta mới có thể tiến hành theo dõi hoặc nghe lén một đối tượng đặc biệt. Còn tại Việt Nam, công an có thể đưa một đối tượng vào danh sách và theo dõi một cách rất tùy tiện”.

Phát biểu bên hành lang Quốc hội vào tháng 6/2017, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, cho rằng quy định chụp ảnh khi đăng ký thuê bao điện thoại di động là “lãng phí”, “đụng chạm đến quyền lợi của người dân” và “vượt trên cả Luật Viễn thông khi luật này không quy định phải chụp ảnh”.

Ở hầu hết quốc gia trong khu vực không cần thiết chụp ảnh chân dung thuê bao. Ngay cả khách du lịch cũng chỉ cần cung cấp hộ chiếu để nhà mạng scan, hoặc chụp lại nhằm lưu trữ, xác thực. Do đó, việc xem xét để có cách hướng dẫn nghị định vừa ban hành theo hướng đơn giản hóa, giảm khả năng phải làm thủ công, giảm thời gian đi lại cho người dân và chi phí cho doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết.

Qua việc triển khai quy định chụp ảnh khách hàng đối với thuê bao hòa mạng mới trong thời gian qua, có thể thấy việc chụp ảnh gây khá nhiều bức xúc cho khách hàng và đa số khách hàng không hợp tác. Do đó, các nhà mạng đang có chủ trương “đề xuất các cơ quan chức năng có thể xem xét lại quy định này để điều chỉnh cho hợp lý hơn”.

 

Tuệ Tâm (t/h)