Bạn có từng để ý thấy rằng, trong một gia đình mà có hai người con, thì con thứ bao giờ cũng thông minh hơn con trưởng. Điều này rốt cuộc là vì sao? Các chuyên gia đã chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến chuyện này.
(1) Kinh nghiệm khác nhau
Đại đa số phụ nữ khi sinh con lần đầu đều không có kiến thức về thai sản, không biết cách giáo dục, nuôi dạy con cái. Cũng vì chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên họ thường tiếp cận theo phương thức an toàn, cẩn thận từng li từng tí, không dám để xảy ra sai sót trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ.
Nhưng khi sinh con thứ hai, những người mẹ này đã có kinh nghiệm tương đối phong phú, hơn nữa đối với các trường hợp khẩn cấp đều đã có biện pháp xử lý. Trong tình huống này, các vấn đề về dinh dưỡng, giáo dục và nhân cách của con thứ có thể được rèn luyện và điều chỉnh ngay từ sớm. Bởi vậy khi đứa trẻ lớn lên, trí não của chúng sẽ phát triển nhanh hơn nhiều so với con trưởng.
(2) Chế độ chăm sóc khác nhau
Trong quá trình chăm sóc con cái, chế độ ăn uống, sinh hoạt của đứa con đầu lòng thường được thực hiện theo hướng dẫn, khuyến cáo của bác sĩ hoặc theo kinh nghiệm của thế hệ trước truyền lại. Mặc dù cách làm này đặc biệt hoàn thiện, nhưng nó cũng khiến đứa trẻ thiếu đi khả năng tự chăm sóc bản thân, mà đây lại là một điều vô cùng cần thiết.
Đến khi sinh con thứ hai, cha mẹ thường tìm cách để bản thân được nghỉ ngơi đôi chút, điều này vô hình lại giúp rèn luyện khả năng tự chủ của đứa trẻ, bất kể là chế độ ăn uống hay sinh hoạt, đứa con thứ lại được tiếp xúc với các phương thức sống đa dạng hơn, cho nên tính cách của con thứ cũng thường mạnh dạn hơn, khả năng miễn dịch cũng như ứng phó với những trường hợp khẩn cấp đều tốt hơn con cả.
(3) Hoàn cảnh sống khác nhau
Trong quá trình chăm sóc đứa con đầu lòng, người mẹ thường nâng cao tinh thần cảnh giác lên 120% để không mắc phải bất kỳ sai lầm nào. Bởi thế, chỉ cần đứa trẻ khóc một tiếng là bố mẹ sẽ lập tức xúm vào hỏi han ân cần, lâu dần đứa trẻ sẽ hình thành thói quen ỷ lại vào người khác. Thói quen sau khi được dưỡng thành, đứa trẻ một khi không chiếm được đồ vật hay gặp hành vi không như ý muốn, liền lập tức dùng cách khóc lóc để giải quyết vấn đề.
Đến khi nuôi dạy đứa con thứ hai, những vấn đề này đối với cha mẹ mà nói thì đã là chuyện nhỏ rồi. Cha mẹ cũng hiểu rằng trẻ khóc lóc một chút cũng không có ảnh hưởng gì. Điều này khiến đứa trẻ dần hiểu rằng khi gặp vấn đề cần tự mình giải quyết, cha mẹ sẽ không vì tiếng khóc của mình mà thay đổi thái độ.
Cách suy nghĩ của trẻ tương đối trực quan, khi chúng nhận thấy hành vi của mình không mang lại lợi ích gì, chúng sẽ chuyển sang phương thức khác để giao tiếp với bạn. Khi đứa con thứ dần tìm ra cách giao tiếp hòa bình với cha mẹ, qua thời gian lâu, chúng sẽ trở nên đĩnh đạc và thông minh hơn.
Kết luận
Người ta nói “Con cái là món quà quý giá nhất mà ông trời dành cho cha mẹ”, bởi vì quý giá nên có nhiều bậc cha mẹ chăm bẵm con quá mức, quá bảo bọc con trẻ. Ở nhà không dám để con chịu khổ, ra ngoài không dám nhìn con chịu thiệt, cứ như vậy lâu dần đứa trẻ sẽ trở nên sợ sệt và yếu đuối.
Trên thực tế, sức mạnh tiềm ẩn của trẻ rất kỳ diệu, nguồn năng lượng này sẽ dần dần thay đổi từ lúc nào mà bạn không hay, trẻ không yếu mềm như bạn nghĩ. Thật ra, bạn càng dám thu lại đôi cánh bảo bọc của mình với con, con cái của bạn sẽ trưởng thành càng nhanh.
Chúng ta có lẽ ai cũng muốn đến bên và giúp đỡ con vượt qua những thử thách. Muốn làm sợi dây kéo lên mỗi khi con nản lòng, muốn nhắc nhở những đứa bé khác ở sân chơi không được bắt nạt con, muốn đưa ra những gợi ý cho câu đố mà con đang vò đầu bứt tai tìm kiếm… Nhưng một khi bạn giúp con làm tất cả mọi thức, thì đồng nghĩa với việc đã dạy trẻ rằng ‘con không có khả năng thực hiện’.
Hãy để trẻ lớn lên và biết rằng mình là người có khả năng. Hãy luôn luôn ở bên cạnh, dõi theo những khó khăn con gặp phải, nhưng hãy để cho trẻ tự đối diện với thử thách và vượt qua nó.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)