Nếu bạn cho rằng, mối quan hệ đồng nghiệp chẳng quan trọng, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống, công việc thì bạn đã sai lầm. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu bạn có mối quan hệ gắn bó với đồng nghiệp, năng suất làm việc của bạn sẽ tăng lên đáng kể.
Nhưng thật không may, khi bắt đầu ở nơi làm việc mới, chúng ta có thể mắc phải những sai lầm tác động xấu đến mối quan hệ với đồng nghiệp.
1. Luôn nhớ tên đồng nghiệp
Cái tên là âm thanh ngọt ngào và quan trọng nhất đối với mỗi cá nhân. Nhà thuyết trình nổi tiếng và tác giả cuốn sách How to Win Friends and Influence People, Dale Carnegie gợi ý rằng, hãy gọi tên đối phương ngay từ giây phút đầu tiên gặp mặt, bởi vì đó là cách cả 2 ghi nhớ tên của nhau và thể hiện sự tôn trọng nhau.
Trong lần tới gặp mặt, khi bạn chủ động gọi tên đồng nghiệp, điều đó sẽ khiến đối phương cảm thấy dễ chịu, có mối liên hệ thân thiện hơn với bạn. Đó cũng là tiền đề để xây dựng những mối quan hệ tốt ở nơi làm việc.
2. Chia sẻ với sự niềm nở
Khi ai đó đi ngang qua chỗ làm việc của bạn, hãy mời họ nếm những món ăn bạn đang có. Khi bắt đầu ở nơi làm việc mới, hãy thể hiện sự thân thiện của bạn bằng cách mang một ít đồ ăn vặt đến và mời mọi người. Chỉ đơn giản là mua một ít bánh kẹo, trái cây đến và chia sẻ với mọi người, đó là cách giúp bạn chào hỏi và làm quen với đồng nghiệp.
3. Đừng e ngại khi kết bạn với đồng nghiệp trên mạng xã hội
Nếu bạn muốn học hỏi hơn nữa về công việc, công ty và trở thành những người bạn của đồng nghiệp, bạn nên tìm hiểu về sở thích và những thành tựu của họ. Đầu tiên, nó sẽ giúp bạn tìm được điểm chung để trò chuyện. Thứ 2, nó sẽ giúp bạn học được điều gì nên nói và điều gì không nên nói ở công ty.
Chú ý, bạn không nên lan truyền những thông tin chưa xác thực mà bạn nghe được từ người khác nếu không muốn trở thành kẻ đưa chuyện đáng ghét.
4. Không cần cố gắng thể hiện là người quảng giao
Dĩ nhiên, nếu bạn có thể gây cảm tình với nhiều người ở nơi làm việc thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu quá nôn nóng kết bạn với đồng nghiệp, bạn sẽ vô tình khiến họ xa lánh mình hơn. Bạn cần tìm ra một cách để giao tiếp với mọi người bởi bên cạnh những người sôi nổi, thích trò chuyện còn có những người trầm tính, ít nói.
Đừng cố gắng làm thân với mọi người quá nhanh. Đừng chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân của bạn. Hãy nhớ rằng, chuyện riêng không nên đem ra bàn luận nơi công sở.
5. Dành cho nhau lời khen chân thành
Nếu bạn nhận thấy khả năng đặc biệt của đồng nghiệp khác, hãy dành cho họ những lời khen chân thành. Những lời khen thực sự sẽ cho mọi người thấy bạn là một người cởi mở và tốt bụng. Điều quan trọng nhất là sự trung thực và chân thành.
Và tốt nhất, bạn nên tránh những lời khen dễ gây hiểu lầm. Khen ngợi đôi mắt của đồng nghiệp và khen ngợi báo cáo của họ là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.
6. Giữ trung lập các mối quan hệ
Nếu bạn thấy rằng có sự chia phe, nhóm ở nơi làm việc, đừng tham gia vào điều đó. Hãy giữ quan điểm trung lập, đối xử lịch sự và đúng mực với tất cả mọi người. Hãy tránh xa những cuộc trò chuyện tiêu cực về người khác. Về lâu dài, giữ quan điểm trung lập như vậy sẽ giúp bạn có mối quan hệ tích cực, làm việc hiệu quả hơn.
7. Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của bản thân
Ngôn ngữ cơ thể thực sự rất quan trọng trong giao tiếp. Đó là một cách ngầm gửi tín hiệu đến đối phương khi giao tiếp. Vì vậy, không chú ý điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể, bạn có thể khiến đồng nghiệp cảm thấy khó gần và tránh nói chuyện với bạn.
Luôn có một khuôn mặt u sầu, dùng đồ vật chỉ vào người khác, giọng nói gay gắt… Đó là những thứ khiến đồng nghiệp tránh xa bạn. Nếu bạn muốn tạo ấn tượng tốt với mọi người trong giao tiếp, hãy chú ý những điều sau:
– Nhìn vào đối phương khi trò chuyện.
– Vận dụng ngôn ngữ cơ thể linh hoạt trong giao tiếp.
– Không dùng ngón tay, đồ vật để chỉ vào người khác.
– Mỉm cười lịch sự khi trò chuyện.
– Đừng che miệng khi giao tiếp.
Thực hiện những bí quyết đơn giản này sẽ giúp bạn trở thành một người lịch thiệp, dễ mến và có những mối quan hệ tích cực không chỉ ở nơi làm việc mà còn trong mọi hoàn cảnh khác.
8. Hạn chế “tán gẫu” quá nhiều nơi công sở
>>> 4 câu chuyện ý nghĩa giúp bạn thay đổi nhân sinh quan nơi công sở
Bạn chỉ nên đưa ra những tình huống trò chuyện khi cần thiết hoặc những lúc rảnh rỗi. Không quá lạm dụng chúng, đặc biệt việc tán gẫu quá nhiều sẽ làm bạn mất điểm trong mắt sếp và khiến cho đồng nghiệp ngán ngẩm. Đừng biến mình thành “bà tám” công sở trong khi bạn còn một núi công việc cần giải quyết.
9. Tránh những yếu tố dễ gây tranh cãi
Thông thường ngôn ngữ gián tiếp trong công việc sẽ giúp bạn tránh được những tranh cãi vì nó nhấn mạnh vào nhiệm vụ hơn là người có trách nhiệm với nó. Vì thế thay vì nói: “Anh cần hoàn thành nó cho tôi” thì bạn có thể nói “ Báo cáo cần được giao lại bởi…” hay “kế hoạch cần được hoàn thành bởi…”. Với cách nói này, khó có đồng nghiệp nào có thể cảm thấy như họ đang bị sai bảo hay ra lệnh và do đó họ cũng tỏ ra dễ chịu hơn.
10. Đừng than phiền
Hãy thận trọng với những gì bạn nói ra với mọi người ở công sở. Lý do đơn giản là vì nó đem đến những vấn đề tiêu cực và rồi bạn lại là chính người phải thu dọn nó. Hơn nữa nó có thể chia rẽ mối quan hệ trong công ty và tạo nên một không khí căng thẳng. Bạn nên để những điều đó lại trong hòm thư góp ý.
11. Nói chuyện ngoài công việc
Hãy hỏi đồng nghiệp về những sở thích của họ như âm nhạc, điện ảnh, những thói quen lúc rảnh rỗi… Bạn có thể dùng cách này khi không khí làm việc căng thẳng hoặc vào giờ nghỉ giải lao. Ngoài ra bạn có thể mang theo những tờ báo có mẩu chuyện bạn muốn cho đồng nghiệp xem hay mở đầu câu chuyện trước theo kiểu: “Tôi thấy có bài báo về ban nhạc mà anh thích” hay “Tôi thấy có nhà hàng này bán đồ ăn Ý rất ngon mà chị chắc chắn sẽ thích”.
12. Luôn giữ bình tĩnh trong mọi tình huống
>>> Ai vẫn nghĩ rằng rời công sở đúng giờ là thiếu trách nhiệm thì nên xem lại
Xin mách nhỏ với bạn: Đừng bao giờ cao giọng trong mọi tình huống. Những lúc căng thẳng, hãy nói với âm lượng vừa phải và với nhịp độ chậm hơn bình thường. Cách này không chỉ giúp bạn dễ cân bằng lại trạng thái mà còn có tác dụng buộc người đối diện phải lắng nghe bạn nói.
13. Luôn cởi mở
Khi bị một ai đó phê bình, bất kể là bạn cảm thấy thế nào về nó, hãy lắng nghe một cách chân thành với thái độ cởi mở và coi nó như một cơ hội để tự xem xét lại mình, tự hoàn thiện mình. Đó thật sự là một cơ hội cho bạn.
14. Tôn trọng đồng nghiệp
Đồng nghiệp là những người mà bạn sẽ thường xuyên tiếp xúc với họ và cùng nhau hợp tác xây dựng các dự án của công ty. Vậy nên, bạn cần thiết lập những mối quan hệ ấy trên cơ sở xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Tránh tình trạng xem mình “giỏi hơn đồng nghiệp” bạn sẽ khó tìm được tiếng nói chung với họ trong công việc. Ngược lại, bạn cũng không nên quá tự ti bản thân mình về trình độ và chuyên môn so với đồng nghiệp điều này sẽ khiến bạn dễ chán nản và làm sa sút chất lượng công việc. Hãy xem những người đồng nghiệp của mình như những người bạn đồng hành cùng nhau chia sẻ công việc và tận hưởng thành công.
15. Giúp đỡ nhiệt tình
Khi xong việc của mình, tất nhiên bạn được phép nghỉ ngơi và thư giản một chút. Nhưng nếu bạn tận dụng khoảng thời gian này để giúp một đồng nghiệp đang “ngập đầu” giải quyết những phàn nàn của khách hàng, đồng nghiệp của bạn không những cảm kích mà chắc chắn trong những tình huống tương tự, họ cũng sẽ hỗ trợ bạn hết mình.
Chúc Di (t/h)