Nhật Bản có gánh nặng vay nợ lớn nhất thế giới nhưng lại có chi phí vay mượn thấp, hoặc thậm chí là không có chi phí vay. Nguyên nhân xảy ra điều này là nhờ các yếu tố như vay tiền từ các nhà đầu tư trong nước, đầu tư dài hạn vào trái phiếu, lạm phát thấp cùng tăng trưởng kinh tế chậm.
Nợ công của Nhật Bản đã lên tới hơn 8,4 nghìn tỷ USD, con số này gấp đôi GDP của nền kinh tế quốc gia này. Mức nợ này cũng nhiều hơn so với Hy Lạp, nước đang phải “chiến đấu” với Châu Âu nhằm nới lỏng khoản nợ khổng lồ của họ.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là Nhật bản là quốc gia có chi phí vay thấp thứ 4 thế giới, thậm chí ngay cả khi tỷ lệ vay nợ tại nước này vẫn tiếp tục tăng lên.
Vậy tại sao Nhật Bản có gánh nặng vay nợ lớn nhất thế giới nhưng lại có chi phí vay mượn thấp, hoặc thậm chí là không có chi phí vay?
Vay tiền từ các nhà đầu tư trong nước, chủ yếu là từ các ngân hàng và từ người tiêu dùng
Theo số liệu từ ngân hàng trung ương Nhật Bản vào cuối tháng 9/2014, tỷ lệ sở hữu trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc của người nước ngoài chỉ chiếm 8,9% trong tổng số nợ của nước này. Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, con số này thấp hơn nhiều so với mức nắm giữ 48% của người nước ngoài trong tổng số nợ của Mỹ.
Có một số tổ chức tài chính lớn đầu tư dài hạn vào trái phiếu
Tính đến cuối tháng 9/2014, có 3 tổ chức lớn đã đầu tư ít nhất 46% trong tổng số trái phiếu của Nhật Bản.
Tổ chức đầu tiên là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Tổ chức này đã bắt đầu mua trái phiếu chính phủ từ năm 2001 trong một nỗ lực nhằm kích thích nền kinh tế và chống lại giảm phát. Lượng nắm giữ trái phiếu của BoJ đã tăng gấp đôi kể từ khi chính sách nới lỏng tiền tệ được áp dung tại Nhật Bản vào tháng 4/2013. Tính đến cuối tháng 9/2014, BoJ đã nắm giữ 25% trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc, và tỷ lệ này hiện vẫn tiếp tục tăng lên.
Tiếp theo là tập đoàn quốc doanh Japan Post Holdings (JPH) , hiện đang nắm giữ 167 nghìn tỷ Yên trái phiếu chính phủ, chiếm 16% giá trị tổng số trái phiếu. Có 70% trái phiếu trên đang được nắm giữ bởi một chi nhánh của JPH là ngân hàng Japan Post Bank, số còn lại nằm tại một chi nhánh khác là công ty bảo hiểm Japan Post Insurance.
Tổ chức cuối cùng nằm giữ nhiều trái phiếu chính phủ tại Nhật Bản là Quỹ hưu trí với 62 nghìn tỷ Yên trái phiếu nắm giữ, chiếm 6% giá trị tổng số trái phiếu. Phần lớn số trái phiếu này được nắm giữ tại Quỹ Đầu tư Hưu trí Quốc gia (GPIF), quỹ đầu tư hưu trí lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 9/2014, có 50% số tài sản trị giá 130,9 nghìn tỷ Yên của quỹ này là trái phiếu chính phủ và hiện GPIF đang có kế hoạch cắt giảm tỷ lệ này xuống 35%.
Lạm phát thấp cùng tăng trưởng kinh tế chậm
Trường hợp tỷ lệ lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế đều ở mức thấp sẽ khuyến khích các nhà đầu tư mua trái phiếu chính phủ, do loại tài sản này đảm bảo một mức lợi nhuận cố định.
Tính đến năm 2013, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trung bình 0,8%/năm trong 10 năm. Dự đoán năm 2014 nước này sẽ tăng trưởng 0,2% do việc tăng thuế tiêu thụ đã khiến quốc gia này rơi vào suy thoái giữa năm 2014. Con số tăng trưởng này thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 1,6%/năm của nền kinh tế Mỹ trong 10 năm qua tính đến năm 2014.
Tháng 12/2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi, chỉ tăng 0,5% trong tình hình những tác động từ việc tăng thuế tiêu thụ đã dần yếu đi. Trong 5 năm qua, tính đến cuối năm 2014, giá cả tại Nhật Bản ít biến động khi chỉ tăng bình quân 0,04%/năm.
Theo NĐH