Những ngày gần đây, cầu Hổ Môn ở Quảng Đông, Trung Quốc thường xuyên xuất hiện dị tượng rung lắc dữ dội, trên mạng xã hội của Trung Quốc lan truyền tin tức nói rằng, nguyên nhân khiến cầu lắc động là do sợi dây cáp số 38 ở phía đầu cầu đã bị đứt.
Chia sẻ trên Weibo ngày 10/5, cư dân mạng cho biết, sau khi kiểm tra đã phát hiện ra nguyên nhân khiến cầu Hổ Môn rung lắc bất thường, ngoài lý do lắp đặt dải phân cách gây ra thì còn do sợi dây cáp thứ 38 ở phía đầu cầu đã bị đứt! Sợi cáp này nằm ở đầu neo bên trong dầm hộp thép, nó đã trở nên rỉ sét và cực kỳ cũ kỹ.
Ngoài ra, bề mặt dưới của đầu cáp chính gần trung tâm của nhịp cáp chính đã bị ăn mòn nghiêm trọng. Tại cáp chính ở nhịp giữa và neo phía Đông cũng có 3 – 4 lớp dây cáp bị ăn mòn!
Cùng ngày, “cao thiết kiến văn”, cựu phóng viên báo giao thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng tiết lộ: Việc đứt dây cáp treo số 38 là nguyên nhân chính khiến cầu Hổ Môn có hiện tượng lượn sóng. Các vết nứt xuất hiện ở đầu neo bên trong dầm hộp thép, đồng thời dây cáp cũng bị ăn mòn và rỉ sét toàn diện từ trong ra ngoài. Hiện tại, các dây cáp này đã được gỡ bỏ, tuy nhiên lại phát hiện ra nhiều sợi cáp khác cũng bị ăn mòn.
Một cư dân mạng nói rằng, theo lời một kỹ sư từng xây dựng cầu Hổ Môn cho biết, hai cáp thép chính từ Quảng Châu về hướng Hổ Môn, bên trái là cáp thép được sản xuất trong nước, bên phải là cáp thép nhập khẩu từ Đức, và toàn bộ cáp treo cũng như hộp thép của thân cầu, tất cả đều do Quảng Châu sản xuất..
Nhiều cư dân mạng tỏ ra nghi ngờ, không lẽ một sợi dây cáp bị đứt thì cầu sẽ lắc lư ư? Giải thích này có chút gì đó hấp tấp rồi.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng lại cho rằng: “Có thể là hỏng thật rồi”; “không phải nói mỗi năm kiểm tra một lần sao? Tại sao lại có nhiều vấn đề như vậy?”; “dây cáp thép kiểu như thế này! Có thể không rung lắc được sao?”.
Vào chiều ngày 5/5, một phần mặt cầu Hổ Môn trở nên nhấp nhô và run rẩy như sóng lượn, khiến người dân qua cầu được một phen kinh hãi khi trở về từ kỳ nghỉ 1/5. Ngay sau đó, giao thông ở 2 bên đầu cầu lập tức bị phong tỏa.
Cũng trong ngày 5/5, nhóm chuyên gia của ĐCSTQ xác định lý do chính gây ra rung động ở cầu Hổ Môn là do việc lắp đặt dải phân cách dọc hai bên thành cầu, điều này đã làm thay đổi hình dạng khí động học của dầm hộp thép và gây ra rung động của cầu trong một điều kiện gió nhất định.
Vào ngày 6/5, Tập đoàn Giao thông Quảng Đông cũng đưa ra thông báo tương tự nói rằng, nguyên nhân khiến cầu Hổ Môn rung động là do việc lắp đặt dải phân cách dọc theo lan can thành cầu đã làm thay đổi hình dạng khí động học của dầm hộp thép. Dưới tác dụng của một điều kiện gió nhất định có thể gây ra hiện tượng rung động cầu, tuy nhiên việc này không ảnh hưởng đến sự an toàn của cây cầu.
Tuy nhiên, sau khi gỡ dải phân cách thì cầu Hổ Môn vẫn tiếp tục bị rung lắc vào ngày 6 và 7, bề mặt cầu nhấp nhô đến nỗi có thể quan sát được bằng mắt thường.
“Tháp Hà Vãn Báo” đưa tin vào ngày 9/5 cho biết, đến 11 giờ trưa ngày 7/5, màn hình giám sát cho thấy mặt cầu Hổ Môn vẫn còn rung lắc nhẹ.
Cầu Hổ Môn chính thức được thông xe vào ngày 9/6/1997 và là một đầu mối giao thông quan trọng kết nối đường cao tốc Bắc Kinh – Châu Hải và đường cao tốc Quảng Châu – Thâm Quyến. Tổng chiều dài của cầu Hổ Môn và đường nối của nó là 15,6 km, trong đó cây cầu chính có chiều dài 4,6 km.
Được biết, cây cầu Hổ Môn này đã được cựu lãnh đạo của ĐCSTQ Giang Trạch Dân đặt tên. Không những vậy, vào cuối tháng 2/2016, một tấm biển hiệu “Tập Mỹ Đại Kiều” bằng đá do Giang Trạch Dân khắc bút tích, đặt ở trên lối ra của đường hầm thông ra đảo bởi cây cầu Tập Mỹ đột nhiên gãy đứt, tấm biển đá rơi xuống ngay trên đám cỏ, đè hỏng lan can và chiếm dụng đến hơn nửa đường xe bên phải, lại đúng lúc giờ cao điểm buổi sáng, gây kẹt xe nghiêm trọng.
Minh Huy (Theo Epoch Times)