Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, sự xuống cấp đạo đức lối sống bắt nguồn từ cái gốc kinh tế. Một mình ngành văn hóa loay hoay, thiếu kinh phí thì không thể làm được.
Trả lời cho đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về trách nhiệm và giải pháp hạn chế sự xuống cấp của đạo đức lối sống, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nói: Đây là một câu hỏi rất quan trọng, rất khó và có thể nói là để thực hiện được nó thì rất lâu dài.
Theo Bộ trưởng: “Để khắc phục sự xuống cấp của đạo đức lối sống, chúng ta phải làm từng bước, tuy nhiên phải làm quyết liệt và mạnh mẽ hơn, chúng tôi đề nghị toàn xã hội phải vào cuộc”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, vấn đề đạo đức lối sống có “cái gốc là ở kinh tế” vì vậy, “nếu chúng ta để lĩnh vực kinh tế sang một bên có lẽ không giải quyết được”. Để khẳng định cho điều này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đọc lại nguyên lý triết học: “Bởi vì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội” và cho rằng đây là vấn đề rất khó, rất cấp bách, “chúng tôi cũng rất trăn trở nhưng nếu để mình ngành văn hoá hoặc một số ngành loay hoay thế này, kinh phí hiện nay rất là thấp“. Câu trả lời có phần ấp úng ở đoạn cuối khiến nhiều đại biểu QH bật cười.
Ngay khi Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện kết thúc trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Vấn đề đạo đức xã hội rất mênh mông, rộng lớn, với 3 phút trả lời, Bộ trưởng khó mà trả lời hết được”.
Giơ biển xin tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nói: “Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển văn hóa và thay đổi đạo đức xã hội cần kinh tế“. “Phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội. Trước đây chúng ta còn nghèo, chúng ta rất khó khăn nhưng đạo đức xã hội được duy trì và văn hóa rất tốt.
Bây giờ chúng ta thoát nghèo, nhưng nền tảng đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách trầm trọng. Vậy đâu là nguyên do? Nguyên do đầu tiên, muốn có đạo đức, nhân cách thì hình thành từ gia đình. Bố mẹ là tấm gương cho các con.
Thứ hai, đào tạo thầy cô chính là tấm gương cho học trò. Tiên học lễ, hậu học văn, chúng ta học quá nhiều văn mà không quan tâm đến lễ, chúng ta học quá nhiều chữ, trước khi dạy các em, các cháu thành người. Đây chính là lý do sự xuống cấp đạo đức xã hộI”.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện “không tranh luận lại” nhưng “nói lại cho rõ”, báo cáo thêm với ĐB Tuấn: “Tôi cảm ơn ý kiến của đại biểu Tuấn, đúng là văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hoá vừa là mục tiêu, là động lực của phát triển kinh tế – xã hội như Đảng ta đã nói”.
Ông Thiện lý giải lại: “Tôi xin nói lại thế này, từ trước đến nay, cứ nói đến vấn đề đạo đức xã hội là giao cho ngành văn hoá và các ngành xã hội, thôi các anh cứ làm đi, đó là việc của các anh. Cái gốc của vấn đề là nếu chúng ta vẫn giữ quan điểm đó thì xử lý vấn đề xuống cấp của đạo đức xã hội rất khó.
Vì vậy tôi cho rằng, cả xã hội phải vào cuộc và chính sự xuống cấp của đạo đức xã hội xuất phát từ các ngành kinh tế, từ lĩnh vực kinh tế, cho nên chúng ta phải xử lý ở các lĩnh vực chứ không chỉ ở ngành văn hoá, chứ cứ để cho mỗi ngành văn hoá cứ loay hoay thì không giải quyết được”.
Bộ trưởng Thiện cho rằng, việc phân bổ ngân sách, dành cho ngành văn hoá rất ít, ví dụ kinh phí bảo tồn văn hoá phi vật thể trong 3 năm qua cấp cho Bộ Văn hoá có 7,3 tỉ đồng. “Nếu như chúng ta không có giải pháp đồng bộ thì rồi vị bộ trưởng nào sau tôi cũng bị chất vấn về đạo đức xã hội mà thôi. Điều này không thể giải quyết một sớm một chiều.
Cái việc này nó khó và nó dài chứ “không có ý tranh luận gì với đại biểu Tuấn cả”. Câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khiến cả hội trường bật cười.
Theo Laodong