Gần đây truyền thông Hồng Kông liên tục đưa tin về việc nguyên lão Tống Bình đưa ra một bản kiến nghị cho ông Tập Cận Bình, nội dung bao gồm 6 đề xuất đối với các cán bộ kỳ cựu đã nghỉ hưu. Theo các nhà phân tích, đây rõ ràng là động thái nhắm vào Giang Trạch Dân.
Tạp chí Hồng Kông “Tranh Minh” đưa tin, ngày 23/01 năm nay, ông Tập Cận Bình cùng với hai cấp dưới là Vương Hỗ Ninh, Đinh Tiết Tường đã đi đến Hương Sơn thăm nguyên lão Tống Bình đang nghỉ an dưỡng tại đó. Trong gần 2 tiếng đồng hồ nói chuyện, ông Tống Bình đã đưa ra một “bản kiến nghị liên quan đến những cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu” cho ông Tập Cận Bình (ông Tống nói bằng miệng, thư ký ghi chép chỉnh lý lại).
Nội dung chủ yếu của bản kiến nghị này bao gồm 6 đề xuất đối với các cán bộ kỳ cựu đã nghỉ hưu như sau:
1. Chỉ cần tình hình sức khỏe cho phép thì phải tham gia các hoạt động theo tổ chức, nghiêm cấm các hoạt động đặc thù hóa;
2. Không cho phép lấn phạm Trung ương, quấy nhiễu gây ảnh hưởng đến những hoạt động quyết định chính sách;
3. Phải làm báo cáo tổng kết, tự suy xét về công tác của của mình khi còn đương nhiệm;
4. Phải quản giáo tốt gia đình, gia quyến thân thuộc, dòng họ… Không được phép cấp cho họ bất kỳ một đặc thù lợi ích, đặc quyền nào trong công việc, trong kinh tế, trong học tập;
5. Trước ngày 7/1 hàng năm cần phải trình báo tài sản bản thân, phối ngẫu, con cái, nguồn xuất xứ của tài sản, cũng như phải trình báo về nơi tạm trú khác, hộ tích nước ngoài nếu có;
6. Làm đúng chức trách trong cương vị hiện tại của mình.
Bài viết phân tích, bản kiến nghị của Tống Bình, rõ ràng là bày tỏ quan điểm ủng hộ ông Tập Cận Bình, đồng thời nhắm vào cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, người thống trị quyền lực ở Trung Quốc trong suốt một khoảng thời gian dài (từ 1989 – 2012). Giang Trạch Dân cũng đã âm mưu sử dụng các thế lực tay chân của mình để thao túng Tập Cận Bình như đã làm với Hồ Cẩm Đào nhưng bất thành. Đây chính là lời cảnh cáo đối với Giang Trạch Dân.
Theo thông tin nội bộ của ĐCSTQ thì bản kiến nghị này còn có cả chữ ký ủng hộ của các cựu lãnh đạo tiền nhiệm đã nghỉ hưu như Hồ Cẩm Đào, Lý Bằng, Chu Dung Cơ…
Giới quan sát ở hải ngoại cũng chỉ ra, đây là động thái chính trị mà ông Tập Cận Bình chủ ý muốn truyền ra ngoài trước kỳ họp “lưỡng hội” của ĐCSTQ. Ông Tập mượn cách này đưa ra lời cảnh báo đối với phe Giang Trạch Dân, cũng là cảnh bào cho những cán bộ hiện vẫn đang lững lự chưa minh bạch tình thế và chưa có lựa chọn được hướng đi cho mình. Và mục đích cuối cùng vẫn là tạo bước đệm cho Đại hội 19 diễn ra vào cuối năm nay.
Vào đầu tháng 02/2016, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ và Văn phòng Bộ ngoại giao Trung Quốc từng liên thủ đưa tin “liên quan đến ý kiến về việc tăng cường và cải tiến công tác của cán bộ nghỉ hưu”, sau đó đưa ra thông báo yêu cầu các nơi phải chấp hành.
Trong văn kiện này yêu cầu các quan chức đã nghỉ hưu của ĐCSTQ, phải “thiết lập ý thức kỷ luật và quy củ”, “nghiêm ngặt tuân thủ kỷ luật chính trị và quy củ chính trị”, duy trì “nhất trí cao độ” với lãnh đạo đương cục Tập Cận Bình…
Sau đó, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa rất nhiều tin liên quan về việc kiểm kê, điều tra lập án một số lượng lớn các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã nghỉ hưu, nhưng vẫn đang sử dụng “dư quyền” nhúng tay vào chính trị.
Dư luận nước ngoài cho rằng, đây chính là ông Tập Cận Bình đang “lập quy củ” cho ông Giang Trạch Dân, triệt để kết thúc thói quen can thiệp vào chính trị của các nguyên lão cấp cao đã nghỉ hưu trong nội bộ ĐCSTQ.
Liên quan đến việc này, nhân sĩ bình luận về tình hình chính trị Bắc Kinh, ông Hoa Pha (Hua Po) đã phân tích:
“Xem xét tình hình hiên tại, dẫn đầu các lão thành đã nghỉ hưu của ĐCSTQ chính là Giang Trạch Dân. Khi Hồ Cẩm Đào còn đương nhiệm, Giang Trạch Dân đã thường xuyên phá vỡ quy củ chính trị, kỷ luật chính trị, mọi chuyện lớn nhỏ gì cũng đều tham gia phá rối, làm cho Hồ Cẩm Đào trở thành người “vô tích sự” trong suốt 10 năm. Vì thế sau khi Tập Cận Bình kế vị, đã liên tục tăng cường quyền lực, lập ra “Tập hạt nhân” cho chính mình, đó chính là không cho phép Giang Trạch Dân lại tiếp tục tùy tiện lên tiếng, tùy tiện lộ diện”.
Theo tờ “Phượng Hoàng” (Hồng Kông), ngày 5/2 vừa qua, nguyên lão họ Tống đã có mặt tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc theo chương trình từ thiện hỗ trợ trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa tiếp tục đến trường.
Đặc biệt, tại đây ông kêu gọi: “Hiện nay, các đồng chí đã về hưu nếu còn khỏe mạnh, từ 65 đến 75, thậm chí 80 tuổi đều có thể tích cực làm một số công việc. Họ có kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ, đều có thể cống hiến cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ học sinh nghèo“.
Một số ý kiến cho rằng, cụm từ “nếu còn khỏe mạnh, tích cực làm việc” của ông Tống ám chỉ vấn đề “can thiệp chính trị” của những cán bộ đã về hưu.
Luồng ý kiến khác bình luận, động thái này của Tống nhằm “ủng hộ Chủ tịch Tập Cận Bình xóa bỏ toàn diện hiện tượng ‘người cũ can thiệp chính trị'”, nhắc nhở các quan chức đã về hưu rằng nếu muốn làm việc thì nên tập trung vào hoạt động công ích xã hội.
Giới phân tích nhận định, sự hoạt động sôi nổi của đội ngũ cựu quan chức có thể dẫn đến cục diện “người cũ can thiệp chính trị”, hoặc sẽ gây cản trở hoặc lại giúp tập thể lãnh đạo hiện tại ổn định chính trị, củng cố vị thế.
Ông Tống Bình (sinh năm 1917) từng là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa XIII và Trưởng ban tổ chức trung ương ĐCSTQ. Ông Tống vốn là thư ký chính trị của Chu Ân Lai, đồng thời nhận được sự tin tưởng của Đặng Tiểu Bình.
Ông Tống Bình được ví là “Bá Lạc” chính trị của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Bá Lạc tương truyền là vị thần cai quản ngựa. Người đầu tiên được xưng Bá Lạc là Tôn Dương, sống thời Xuân Thu vì ông này rất am hiểu mà tinh thông tướng ngựa. Sau này, trên chính trường Trung Quốc, “Bá Lạc” dùng để chỉ người giỏi trong việc phát hiện, tiến cử, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.
Theo NTDTV