Các nhà khoa học cho rằng, hắt xì chính là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể để thổi bay các dị vật như bụi bẩn, phấn hoa, lông vật nuôi hay các chất dị ứng ra khỏi cơ quan hô hấp. Vì vậy kìm nén cơn hắt xì sẽ mang lại nguy hiểm cho cơ thể.
Các nhà khoa học tính toán rằng, trải qua rất nhiều quá trình từ việc lấy khí tác động từ phổi, sự phối hợp của các cơ ngực và cơ hoành thì hiện tượng hắt xì mới có thể diễn ra. Mỗi một lần hắt xì, số lượng giọt chất nhầy (nước bọt và dịch nhầy) bắn ra có thể từ 2.000 cho tới 5.000 giọt và vận tốc có thể đạt tới 112.6 – 160km/h. Phạm vi tác động của các giọt chất nhầy cũng khá xa khi kéo dài tới 152.4cm.
Cơ thể hắt xì với cơ chế tự động, khi một chất gây kích thích tiếp xúc với niêm mạc mũi thì các dây thần kinh trong khoang mũi sẽ gửi đi một thông điệp tới phần dưới não bộ hay còn gọi là tủy. Sau đó, não sẽ nhận lệnh và kích hoạt các tác động cần thiết khiến cơ thể hắt hơi. Kìm nén cơn hắt xì cũng giống như cố gắng dừng cơ chếtự động mà đã được kích hoạt, hành động này có thể khiến cơ thể bị tổn thương.
Một thanh niên 34 tuổi – đã phải nhập viện vì nhịn hắt xì. Sau sự cố, anh được đưa vào bệnh viện trong tình trạng gần như không nói và nuốt được, chỉ vì nhịn hắt xì hơi bằng cách bịt miệng và mũi. Anh có cảm giác “nổ tung” phía sau gáy, tiếp theo là cơn đau dữ dội và chiếc cổ sưng to.
Khi các bác sĩ tiến hành khám xét, họ nhận thấy tiếng lạo xạo dưới da mỗi khi thăm khám phần mềm 2 bên cổ, và triệu chứng này thậm chí lan xuống tới các xương sườn. Triệu chứng này được biết đến với cái tên “Tràn khí dưới da”, xảy ra khi các bóng khí xuất hiện ở mô dưới da.
Các bác sĩ xác định rằng, việc nhịn hắt xì hơi đã đục thủng phần họng tại vị trí ngã ba hầu họng, nơi hầu họng thông với thực quản.
Anh được yêu cầu nhập viện điều trị, các bác sĩ đã sử dụng kháng sinh để đề phòng tình trạng nhiễm khuẩn vết rách. Trong khi đó, anh t được cho ăn hoàn toàn qua sonde dạ dày.
Trong một tuần sau đó, các triệu chứng dần dần cải thiện và anh đã có thể ăn được các loại thức ăn mềm. Bệnh nhân sớm được xuất viện, và hai tháng sau đó anh không gặp bất cứ di chứng nào từ tai nạn này.
Rách thực quản thường xuất hiện do chấn thương tại vùng cổ. Nhưng trong một số ít các trường hợp, nó có thể xảy ra do ho, rặn, hoặc nôn quá nhiều. Và trong trường hợp này, nguyên nhân là do nhịn hắt xì.
Thực tế đã cho thấy, có khá nhiều trường hợp người ta không thể kiểm soát được nước tiểu khi hắt xì dẫn tới rò rỉ ra ngoài. Như vậy, rõ ràng là có những tác động nhất định từ việc hắt xì lên toàn bộ cơ thể của con người khiến nảy sinh ra nhiều hiện tượng khác nhau.
Ngân Ca (t/h)