Dịch Covid-19 ập đến tàn phá Ấn Độ khiến nhiều người Việt Nam tại đây rơi vào cảnh khó khăn, không biết khi nào mới có thể về quê mẹ.
Báo Thanh Niên ngày 27/4 đã dẫn lại lời chia sẻ của chị Lại Ngọc Lan Hương (quê TP.HCM), một trong số nhiều người Việt ở tại Ấn Độ, quốc gia đang đứng bên bờ vực ‘thất thủ’ trước đại dịch Covid-19.
Theo đó, chị Hương cho biết, từ hồi tháng 2/2020, chị sang nhà chồng ở TP.Kolkata (Tây Bengal, Ấn Độ) sống và đến nay vẫn chưa được về Việt Nam vì tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Hồi năm ngoái (2020) cũng có nhiều chuyến bay cứu trợ để về Việt Nam nhưng chị thấy có nhiều người cần nó hơn nên quyết định nhường vị trí, còn chị ở lại với nhà chồng.
Sau khi đứa con đầu lòng ra đời, chị dự định về nước thì bất ngờ dịch bệnh bùng phát trở lại. Ban đầu chị cảm thấy khá hoang mang nhưng vẫn tự nhủ chỉ cần tuân thủ tốt các quy định phòng tránh dịch bệnh thì mọi việc sẽ ổn thôi.
Con của chị đến nay đã được 4 tháng tuổi, nhưng vì vấn đề dịch bệnh mà chưa thể làm giấy khai sinh được. Mới đây, chồng chị được xác định mắc Covid-19 và được điều trị tại một khách sạn do bệnh viện đa khoa Woodlands thuê để chăm sóc cho bệnh nhân.
“Anh bị bệnh hơn 1 tuần nay rồi, trước đó chồng tôi có dấu hiệu ho, sốt, mất vị giác, thính giác, bây giờ thì sức khỏe anh cũng dần ổn định, nhưng vẫn còn phải dùng máy thở. Chỉ mong anh sớm được hồi phục để trở về với gia đình”, chị kể.
Ngoài ra, chị cũng cho biết bản thân đang rất lo lắng vì hiện sức khỏe của mình không được tốt lắm, có dấu hiệu ho nên đã đi xét nghiệm Covid-19 và đang chờ kết quả.
“Tôi rất mong mình không bị sao vì gia đình chồng tôi giờ thất thủ, họ hàng nhiều người cũng đang mắc bệnh, nếu tôi mà mắc bệnh nữa thì không ổn. Mong ước của tôi là sớm hết dịch để cùng con trở về Việt Nam ăn một tô bún bò thôi. Nhưng có lẽ đường về quê mẹ còn xa quá”, chị Hương buồn bã nói.
Trường hợp tương tự là chị Ruby Nguyễn (36 tuổi, quê Hà Nội) hiện đang là nghiên cứu sinh theo diện học bổng tại Viện công nghệ Roorkee (TP. Roorkee, bang Uttaranchal, Ấn Độ).
Chị Ruby Nguyễn cho biết, chị vừa sang Ấn Độ gần 1 tháng nay thì dịch bùng dữ dội. Cũng vì thế mà chị qua đây chưa kịp làm gì hết. Ban đầu chị cũng rất hoang mang vì lạ nước lạ cái tại nơi nguy hiểm, nhưng cũng may là Viện công nghệ Roorkee đã chăm sóc chị rất chu đáo, không thiếu thốn gì cả, hằng ngày ăn uống đều có người phục vụ.
Tuy nhiên, việc phải ở một chỗ thời gian dài khiến chị cảm thấy buồn và cô đơn. Tranh thủ thời gian rảnh chị cũng tham gia các hoạt động học thuật và làm việc online tại phòng.
“Lúc vừa bùng dịch gia đình gọi điện thoại hỏi thăm liên tục. Nhưng mình vẫn phải tiếp tục sống, tiếp tục làm việc thôi chứ biết sao bây giờ. Dù rất muốn về Việt Nam, nhưng có lẽ hành trình đó cũng còn xa vì tình hình dịch bệnh tại nước này cũng đang diễn biến phức tạp mà”, chị Ruby nói.
Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ ngày 28/4 tiếp tục lập “kỷ lục” khi có thêm hơn 3.000 người chết và hơn 360.960 ca mới nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc Covid-19 toàn quốc lên gần 18 triệu người.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người tử vong vì Covid-19 trên toàn Ấn Độ đã lên tới 201.187 ca. Trong khi đó, tình trạng thiếu oxy, máy thở đang khiến dịch bệnh tại quốc gia này trở nên nghiêm trọng hơn.
Điều đáng nói là giới chuyên gia y tế lại cho rằng số ca tử vong hằng ngày trên thực tế tại Ấn Độ còn cao hơn nhiều so với con số được Bộ Y tế nước này ghi nhận.
Tại thủ đô New Delhi, xe cấp cứu xếp hàng nhiều giờ mới chở được thi thể bệnh nhân Covid-19 đến các giàn thiêu dựng tạm tại các công viên và bãi đỗ xe. Các bệnh viện trong và quanh thủ đô thông báo nguồn cung oxy vẫn đang rất khan hiếm dù Chính phủ Ấn Độ đã cam kết giải quyết vấn đề này.
Thủ hiến New Delhi – ông Arvind Kejriwal cho biết, mọi người đang bệnh nặng hơn và lâu hơn, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế thủ đô. “Làn sóng dịch bệnh hiện tại đặc biệt nguy hiểm. Bệnh dễ lây lan hơn và người bệnh không thể hồi phục nhanh chóng”, ông Kejriwal cho biết.
Trước đó, vào ngày 27/4, Ấn Độ đã nhận được máy tạo oxy và máy thở từ Anh. Hiện vật tư y tế từ Úc, Đức, Ireland và Đài Loan cũng đang trên đường đến Ấn Độ để giúp quốc gia 1,3 tỷ dân này đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Yên Yên (t/h)