Bê bối vắc xin khiến các phụ huynh Trung Quốc phẫn nộ, có thể khiến họ tìm đến sản phẩm nước ngoài hoặc không cho con tiêm chủng mặc dù việc này là bắt buộc theo quy định của pháp luật Trung Quốc.
Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm bị phát hiện bán ra hơn 250.000 liều vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván rởm cho Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Sơn Đông, đơn vị y tế công chịu trách nhiệm về sức khỏe của 100 triệu dân tỉnh Sơn Đông.
Mặc dù chưa có thông tin về trường hợp tử vong hoặc mắc bệnh liên quan đến số vắc xin không đạt chuẩn này, thông tin trên đã lập tức ảnh hưởng đến lòng tin của công chúng vào chính phủ và làm dấy lên lo ngại rằng sai trái trong ngành công nghiệp dược phẩm đang đặt người dân vào nguy hiểm.
Bê bối cũng làm suy yếu nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm khôi phục niềm tin vào dược phẩm sản xuất nội địa, khi nước này đang phấn đấu trở thành nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu thế giới, theo NYTimes.
Đây là cuộc khủng hoảng thứ ba ở Trung Quốc liên quan đến vắc xin từ năm 2010. Nhiều phụ huynh nói rằng họ đã chán ngấy tình trạng này và kêu gọi chính phủ có các hành động nghiêm khắc hơn. “Chúng ta luôn nói rằng trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng nếu chúng ta không đảm bảo an toàn cho lũ trẻ thì tương lai sẽ ra sao“, Huo Xiaoling, 37 tuổi, có con gái một tuổi đã tiêm vắc xin của công ty Trường Sinh nói.
Huo cho biết cô sẽ không mua vắc xin do Trung Quốc sản xuất nữa vì cô không tin tưởng rằng giới chức có thể “làm sạch” ngành công nghiệp này. “Chúng tôi không biết tin vào ai“, cô nói. “Lẽ ra người Trung Quốc thì phải giữ lòng tin vào hàng nội địa, nhưng bê bối nối tiếp bê bối khiến chúng tôi mất niềm tin“.
Ông Tập đang cố gắng xây dựng một chính phủ hiệu quả và thực hiện đúng nguyên tắc để thể hiện rằng mô hình tập trung quyền lực vào mình là hợp lý. Tuy nhiên, một loạt bê bối đã khiến nhiều người, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu, kịch liệt lên án hệ thống y tế, khiến ông gặp khó khăn trong việc kiềm chế sự phẫn nộ của công chúng. Trong tuyên bố hôm qua, lãnh đạo Trung Quốc gọi sự kiện là “tồi tệ và gây sốc”, nói rằng chính phủ sẽ “điều tra đến tận gốc rễ”.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh hoài nghi về phản ứng của chính phủ. Một hình ảnh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội là ảnh Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 22/7 hứa hẹn “kiên quyết giải quyết tất cả hành vi bất hợp pháp gây nguy hiểm cho sự an toàn của người dân”. Bên cạnh đó là tuyên bố tương tự mà ông Lý từng đưa ra sau bê bối vắc xin năm 2016, cho thấy chính phủ đã không giải quyết được vấn đề.
“Tôi hy vọng họ sẽ không làm mọi người thất vọng một lần nữa“, một người dùng Weibo viết.
Công ty Trường Sinh trong tâm điểm bê bối có trụ sở tại tỉnh Cát Lâm và đạt doanh thu hơn 235 triệu USD vào năm 2017. Trên mạng xã hội, các phụ huynh chỉ trích công ty “không quan tâm đến sức khỏe cộng đồng mà chỉ chạy theo lợi nhuận”. Một số người cho rằng những nhân viên phạm luật phải lĩnh án tử hình. “Nếu các anh làm hại con chúng tôi thì chúng tôi muốn các anh phải mất mạng“, một người dùng Weibo viết.
Các lãnh đạo công ty đã xin lỗi trong tuyên bố vào ngày 22/7, nói rằng họ cảm thấy “rất xấu hổ”. Công ty ngừng sản xuất và thu hồi số vắc xin không đạt chuẩn.
Các quan chức Trung Quốc coi cải tiến dược phẩm là ưu tiên quốc gia và sản xuất vắc xin hiện là ngành công nghiệp bùng nổ, với doanh thu hơn 3 tỷ USD mỗi năm. Nhưng các bê bối liên tục về chất lượng dược phẩm đặt ra câu hỏi về sự tăng trưởng của ngành này. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ tháng 7/2018 thông báo việc thu hồi một loại thuốc điều trị huyết áp phổ biến được sản xuất tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng việc siết chặt quản lý ngành công nghiệp dược Trung Quốc sẽ có khả năng gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng có thể chọn vắc xin do nước ngoài sản xuất thay vì hàng nội địa. Cổ phiếu của các nhà sản xuất vắc xin và công ty công nghệ sinh học Trung Quốc giảm mạnh hôm 23/7.
Các chuyên gia y tế thậm chí còn lo ngại rằng bê bối có thể khiến các gia đình Trung Quốc không cho con đi tiêm chủng, mặc dù việc này là bắt buộc theo quy định của pháp luật. Chính phủ nói rằng trẻ bị tiêm vắc xin rởm nên được đưa đến bệnh viện để tiêm lại.
Sau một bê bối tương tự năm 2016 liên quan đến khoảng hai triệu liều vắc xin được lưu trữ không đúng cách, nhiều phụ huynh đã bày tỏ lo ngại về độ tin cậy của vắc xin và nói họ không muốn cho con cái tiêm chủng nữa.
“Phải mất nhiều năm mới xây dựng được lòng tin nhưng chỉ cần một bê bối là đủ để phá vỡ nó“, Ashish K. Jha, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard, nhận xét.
Truyền thông Trung Quốc cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của việc quay lưng với vắc xin. “Vụ này có thể trở thành một cuộc khủng hoảng y tế công lớn nếu không được xử lý hợp lý và minh bạch“, bài xã luận trên báo nhà nước Trung Quốc China Daily có đoạn viết: “Chính phủ cần phải hành động càng nhanh càng tốt để cho công chúng thấy họ kiên quyết giải quyết vấn đề và sẽ trừng phạt thẳng tay những người có hành vi sai trái“.
Nhiều phụ huynh giờ đây vội vã kiểm tra hồ sơ tiêm chủng của con. Zhang Zhiqian, 32 tuổi, cho biết con gái ba tuổi của anh đã được tiêm vắc xin của công ty Trường Sinh vào năm 2015. Zhang nói rằng anh muốn tham gia vào cuộc điều tra của chính phủ vì đã mất niềm tin vào các quan chức.
“Tôi không tin vào cuộc điều tra nội bộ từ trên xuống“, Zhang nói. “Dễ thấy là hầu hết phụ huynh khác cũng vậy“.
>>>Bê bối vắc-xin giả tại Trung Quốc, quan chức thăng tiến sau vụ sữa nhiễm melamine
>>>Sợ vắc-xin “made in China”, dân Trung Quốc đổ sang Hong Kong chích ngừa
Theo VNE