Thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có câu chuyện cổ tích về một người đàn ông tật nguyền, ngồi trên xe lăn ngậm bút bằng miệng viết chữ dạy học trò.
Đó là câu chuyện về anh Phùng Văn Trường, người chưa học qua lớp đào tạo giáo viên nào, nhưng lại được người dân nơi đây tôn kính gọi là thầy; bởi anh đã không chỉ vượt qua tật nguyền, mà còn mở lớp miễn phí dạy chữ cho học trò nghèo suốt hơn 5 năm qua.
Từ lớp học trong căn nhà nhỏ, nhiều học sinh đã có thành tích rất tốt, đạt được giải nhất, nhì tại các kỳ thi của trường và huyện.
Sinh năm 1979 trong một gia đình có 5 anh em, con cả trong gia đình. Cũng như bao đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường khác, nhưng đến năm lên 2 tuổi, chân anh bỗng rất khó cử động và yếu đi. Gia đình chạy vạy khắp nơi, đưa tới bệnh viên khám thì được biết anh bị chứng liệt gân và cơ.
Dù bệnh tật nhưng anh vẫn không mất đi khát vọng đến trường, khát vọng học tập. Suốt những năm tiểu học, rồi THCS, với sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và chiếc nạng, anh vẫn đều đặn tới trường và dần vơi đi những mặc cảm, tự ty.
Nhưng khó khăn vẫn chưa từ bỏ anh. Học hết lớp 8, đôi tay của anh bị khoèo hẳn không cầm nắm được nữa, chân cũng không thể đi lại được khiến anh phải ngồi xe lăn. Nhà nghèo lại không có ai đưa đi, đón về, nên anh đành nghỉ học.
Từ khi nghỉ học anh sống khép mình hơn, không gặp gỡ chuyện trò với bạn bè, chỉ ngồi một mình ở nhà. Những ngày tháng sống trong bóng tối, khiến anh suy ngẫm rất nhiều và tự đặt ra câu hỏi: mình cần phải làm điều gì đó có ích cho đời, chứ không thế nào sống dựa dẫm vào gia đình.
Năm 2009, gia đình theo nguyện vọng của anh xây một căn nhà nhỏ gần mặt đường thôn và anh chuyển ra bán hàng tạp hóa.
Gọi là hàng tạp hóa, nhưng những thứ hàng cũng chỉ lặt vặt như gói muối, gói kẹo…Từ khi ra đây được tiếp xúc với mọi người anh cũng thấy cuộc sống đỡ tù túng hơn, và cũng từ đó niềm đam mê sự học lần nữa lại bùng cháy.
Anh kể: Một lần, qua chương trình phát thanh trên đài, anh nghe được câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và tài viết chữ bằng chân, thấy ngưỡng mộ vô cùng, rồi chợt nghĩ người ta làm được thì mình cũng làm được”.
Thế rồi anh học cách cầm bút bằng chân, nhưng chân anh cũng vốn đã liệt, nên loay hoay học mãi mà chiếc bút không theo sự điều khiển của mình. Cuối cùng, anh nghĩ đến phương án dùng miệng viết chữ. Thời gian đầu, anh thao tác bằng chiếc bút chì ngắn, nét chữ còn nguệch ngoạc, thậm chí không thành hình thù.
Sau mỗi lần ngậm bút, miệng anh mỏi rã rời, hai hàm cứng ngắc. Không những thế, ngậm ngòi bút ngắn bắt anh phải cúi sát mặt bàn, việc nhìn vào trang giấy trắng trong thời gian dài khiến anh hoa mắt, lúc ngẩng lên liền đau đầu và chóng mặt. Anh buộc phải dùng chiếc bút chì dài 20 phân để cách xa trang giấy, nhưng làm vậy lực ấn vào bút không mạnh lại càng khó điều khiển, chỉ khi bố anh nghĩ ra cách buộc thêm thanh tre vào bút thì anh mới có thể viết được bình thường.
Cứ như vậy, anh miệt mài tập luyện, có những đêm anh luyện tập đến 3, 4 giờ sáng. Sau hơn 1 tháng kiên trì, anh đã làm chủ được chiếc bút. Những dòng chữ ngày càng đẹp hơn, dễ đọc hơn càng làm tăng thêm hy vọng và thôi thúc anh sáng tạo ra những mẫu chữ đẹp cho riêng mình.
Thấy chữ anh đẹp, những đứa trẻ hàng xóm kéo nhau tới học và được anh tận tình hướng dẫn. Nhiều bậc phụ huynh lúc đầu không muốn cho con em đi học, một phần vì ngại thầy tật nguyền, một phần vì ở xóm toàn là hộ nghèo, ai cũng lo chuyện tiền bạc.
Biết chuyện, thầy chia sẻ thật lòng: “Bà con còn nghèo, mình dạy hoàn toàn miễn phí cho các em, xem như làm việc có ích”, thế là học sinh tìm đến học ngày càng đông. Và như một sự mách bảo tự nhiên, chúng yêu quý, trân trọng gọi anh là Thầy từ đó.
Cứ thế, hết thế hệ này sang thế hệ khác, nhiều lứa học trò đã lớn lên từ lớp học giàu tình thương này. Nhiều phụ huynh khá giả ngỏ ý muốn trả tiền công, nhưng anh nhất quyết không nhận. Mãi về sau này, bà con lấy lý do phụ thêm tiền trang trải tiền điện nước, anh mới nhận tùy tâm ở mỗi người, nhưng cũng chỉ từ 50 nghìn đến 100 nghìn mỗi em/tháng.
Tiếng lành đồn xa, nhiều học trò ở các vùng thôn bên cạnh cũng bắt đầu đến lớp học. Hàng ngày, cứ sau những buổi tan trường, đám trẻ lại chạy ùa về nhà anh. Không cần nhắc, từng đứa để gọn cặp một góc, lấy sách vở ra tự giác ngồi vào bàn. Có điều lớp học của anh không có bảng đen, phấn trắng mà chỉ có một chiếc sọt nhựa đựng sách giáo khoa và vở viết. Học sinh có thể đến học bất cứ lúc nào và bao lâu tùy thích.
Anh cho biết lớp học của anh thường có sĩ số từ 13 đến 15 em, chủ yếu là học sinh đang học từ lớp 1 đến lớp 5. Ngoài ra với 2 ngày thứ 7, chủ nhật các cháu đều được học cả ngày. Không chỉ học luyện chữ, các em còn được dạy những kiến thức về toán học, địa lý, xã hội và kỹ năng sống, chính vì thế lượng học sinh đến nhà anh mỗi ngày một đông.
Mỗi khi có học sinh chểnh mảng học hành, anh lại nhẹ nhàng khuyên bảo: “Các cháu được sinh ra may mắn hơn bác và hơn nhiều người, các cháu được đầy đủ nên phải cố gắng học tập cho tốt, viết chữ phải đẹp, chăm ngoan hơn. Bác viết chữ bằng miệng mà đẹp thế này, các cháu đầy đủ chân tay mà viết xấu thế kia. Các cháu phải cố gắng, bác làm được như vậy là nhờ vào nghị lực, rèn luyện học tập”.
Cứ như vậy lớp học đặc biệt của anh làm xúc động trái tim nhiều người và càng làm tiếng lành đồn xa không chỉ về ý chí, nghị lực của người thầy giáo khuyết tật, mà còn khâm phục bởi những nét chữ tài hoa đẹp như in được viết ra bằng miệng, chứ không phải bằng đôi tay như bao người khác.
Hồng khang