Sự thật rằng vẫn có rất nhiều những trường hợp hy hữu, những đứa trẻ sống sót sau quá trình nạo phá thai. Và giờ đây họ vẫn đang sống rất khỏe mạnh, và trở thành những người đứng lên, cất tiếng nói cho việc ủng hộ sự sống.
Thứ hai, ngày 25/2/2019 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thất bại trong việc thông qua dự luật bảo vệ thai nhi sống sót sau các ca phẫu thuật phá thai với 53 phiếu thuận, 44 phiếu chống, và 3 người không bỏ phiếu. (Tại Thượng viện, một dự luật cần phải đạt được 60 phiếu để được thông qua).
Dự luật này bảo vệ những trẻ sơ sinh vẫn còn sống sau phá thai, và tất cả các ứng viên đảng Dân chủ năm 2020 đều chống lại dự luật này. Thor Benson còn viết trên Twitter rằng không thể có trẻ sống sót sau phá thai. Đây là câu nói phủ nhận sự thật, và những bằng chứng về trẻ sơ sinh còn sống sau phá thai dưới đây sẽ chứng minh sự thật này.
Gianna Jessen
Khi mẹ của Gianna Jessen đến Trung tâm kế hoạch hóa, cô đã nằm trong bụng mẹ được 7 tháng. Mẹ cô được tư vấn phá thai cuối thai kỳ bằng cách tiêm nước muối vào buồng ối. Cách phá thai này được tiến hành như sau:
Dung dịch nước muối (bao gồm nước muối, digoxin, potassium chloride, và prostaglandin) được tiêm vào tử cung của người mẹ và vào người đứa trẻ. Dung dịch nước muối sẽ làm đứa trẻ nhiễm độc, hủy hoại đứa bé cả trong lẫn ngoài, lớp da phía ngoài của đứa bé sẽ bị tuột ra. Đứa bé chịu đựng đau đớn trong khoảng 1 giờ cho đến chết, và khoảng một ngày sau bà mẹ sẽ sinh đứa bé ra.
Gianna Jessen đã sống sót sau lần mẹ cô phá thai.
Cô bé vẫn còn sống khi bị tiêm dung dịch nước muối và lúc được sinh ra ở cơ sở phá thai, cô đã sống sót. Tạ ơn trên, lúc đó chuyên viên phá thai chưa đến, thế nên Jessen được đưa đến bệnh viện.
Jessen được chẩn đoán bị bại não do thiếu ô-xy khi phá thai. Tuy nhiên, khi lên 4 tuổi, Jessen có thể bước đi với sự giúp đỡ của mẹ nuôi, ai đó đi cùng, và chân giả. Hiện nay, Jessen có thể tự đi tập tễnh. Cô là tiếng nói cho những người không thể lên tiếng và là niềm hy vọng cho những người vô vọng qua chương trình bảo vệ sự sống của cô.
“Cái chết đã không khuất phục được tôi… và tôi rất biết ơn vì điều đó”, Gianna Jessen tuyên bố.
Melissa Ohden
Khi phát hiện ra mình có thai, mẹ của Melissa Ohden mới 19 tuổi và là sinh viên đại học. Bà có cảm tưởng mình đã mang thai dưới 5 tháng, và đã dùng phương pháp phá thai bằng cách tiêm nước muối vào buồng ối. Ohden đã sống sót, và người ta phát hiện thai nhi đã được gần 7 tháng tuổi.
Sau đó Ohden được nhận nuôi, và bé lớn lên trong gia đình hạnh phúc đầy yêu thương. Chỉ đến khi được 14 tuổi, cô mới phát hiện ra mình là đứa trẻ sống sót sau phá thai. Điều này đã mãi mãi thay đổi cuộc đời cô và thôi thúc cô đi tìm bố mẹ ruột của mình. Cô đã liên hệ và tha thứ cho ý định phá thai của họ.
Giờ đây, Ohden trở thành nhà hoạt động bảo vệ sự sống nổi tiếng và sáng lập ra Mạng lưới những trẻ sống sót sau phá thai. Tổ chức của cô luôn cố gắng nâng cao nhận thức của cộng đồng về những đứa trẻ sống sót và những ca phá thai sai lầm, đồng thời hỗ trợ tinh thần, tình cảm, ý chí cho những trẻ sống sót sau phá thai. Đến nay, mạng lưới này đã liên hệ được hơn 210 trẻ sống sót sau phá thai.
“Thật sai lầm khi quyền phụ nữ được dựa trên việc kết thúc sinh mạng con người”, Melissa Ohden phát biểu.
Claire Culwell
Khi phát hiện mình mang thai, mẹ ruột của Claire Culwell là Tonya Glasby mới 13 tuổi. Bố mẹ cô ép cô đi phá thai. Và khi thai được 5 tháng tuổi, cô quyết định đi phá. Bác sĩ phá thai cho cô không biết cô mang song thai, nên chỉ phá đi 1 đứa bé. Còn 1 bé vẫn sống trong tử cung của cô, đó chính là Culwell.
Sau ca phá thai, Tonya vẫn cảm thấy bụng mình bị đạp, cô nhận ra mình vẫn đang mang thai. Cô lại đến tiểu bang khác để phá, tuy nhiên bác sĩ cho rằng ca phá thai này quá nguy hiểm.
Clare Culwell được sinh ra khi thai mới 7 tháng tuổi, hông bị trật khớp và bàn chân bị vẹo. Bất chấp những trở ngại phải đối mặt sau ca phá thai, từ nhỏ Culwell đã phát triển khỏe mạnh. Năm 20 tuổi, Culwell bắt đầu đi tìm mẹ ruột. Cô gặp bà ở nhà của một người bạn. Cô đã chia sẻ những kỷ niệm thời thơ ấu với bà, tha thứ và cảm ơn bà đã lưu lại mạng sống của mình.
Claire Culwell phân trần: “Đây là cảnh tượng khi sống sót sau phá thai. Tôi bị trật khớp hông, 2 chân bị vẹo, tôi phải mang dụng cụ chỉnh hình để chỉnh lại những hậu quả sau ca phá thai đó. Thế nhưng tôi vẫn xứng đáng được sống”.
Josiah Presley
Mẹ Josiah Presley phát hiện mình mang thai khi thai nhi được 2 tháng và quyết định đi phá. Không lâu sau khi làm thủ thuật, cô nhận ra thai nhi vẫn còn sống, chứng tỏ ca phá thai không thành. Lúc đó, cô quyết định sinh con ra và cho người ta làm con nuôi.
Josiah Presley được sinh ra với cánh tay trái tàn tật, hậu quả của ca phá thai. Anh được một gia đình nhân ái người Mỹ nhận nuôi. Khi phát hiện mẹ ruột đã cố phá bỏ mình, anh rất hận mẹ. Chỉ đến khi thờ phụng Chúa, anh mới cho phép bản thân tha thứ cho bà và những gì bà gây ra cho anh.
Josiah chia sẻ: “Những đứa trẻ chưa sinh đó không khác gì chúng ta, ngoài việc chúng vô tội và chẳng thể bảo vệ bản thân trước những ca phá thai đang cố tình giết chúng”.
Nik Hoot
Năm 1996 tại Siberia, Nga, mẹ Nik Hoot quyết định phá thai khi đứa con trong bụng cô được 24 tuần tuổi. Rốt cuộc, Hoot sinh ra bị cụt hai bàn chân, các ngón tay không được phát triển đầy đủ. Hai ông bà Marvin và Apryl Woodburn đã nhận nuôi anh khi nghe linh mục nói rằng họ “phải tôn trọng mọi sinh mệnh, ngay cả những người khuyết tật”.
Khi lên 2, Hoot được tặng đôi chân giả đầu tiên. Chỉ sau vài tuần, anh đã tự mình đi lại. Anh yêu thích thể thao, chơi bóng đá, bóng chày, bóng rổ và ngày nay, anh là một ngôi sao đô vật. Anh đã kiên trì vượt qua khuyết tật của mình.
Hoot kết thúc mùa đấu vật vừa qua với 24 trận thắng mặc dù không đầy đủ tay chân. Anh chính là nguồn cảm hứng cho nhiều người, nếu anh có thể thành công khi thiếu chân tay thì những người lành lặn còn giới hạn nào để tiến đến bậc vinh quang dù cho họ phải gặp thử thách thế nào đi nữa.
“Có một số điều tôi không thể làm được, nhưng tôi vẫn cố gắng, tôi sẽ học cách làm điều đó”, Nik Nikot nói.
Những trẻ sống sót sau phá thai là thông điệp quan trọng cho phong trào ủng hộ sự sống: Họ chứng minh rằng tất cả sinh mệnh, dù được sinh ra hay chưa, đều phải được tôn trọng. Họ khẳng định rằng tất cả trẻ em đều xứng đáng được sống, và chúng ta phải tôn trọng nhân phẩm của chúng. Nước Mỹ sẽ không bao giờ quên 60 triệu trẻ em chết do phá thai và 44 thượng nghị sĩ ngày 25/2 vừa qua đã bỏ phiếu để chấp nhận trẻ em sinh ra sau ca phá thai sẽ chết.
Nếu bạn đang mang thai và đang cân nhắc việc phá thai, thì bạn hãy nhận ra đứa con bé bỏng của bạn quý giá như thế nào thông qua lời kể của 5 người sống sót sau phá thai ở trên. Và việc nạo phá thai không khác gì giết người, sẽ gánh nghiệp báo nặng nề.
Xuân Nhạn
Nguồn: Human Defense Initiative