Tinh Hoa

Người nước ngoài đến Việt Nam để “bán hàng rong và sửa xe đạp”

Ở Việt Nam, những công việc như bán hàng rong, sửa xe đạp hay làm đồ thủ công mỹ nghệ được coi là vất vả, xu hướng chọn nghề của người Việt ít nghiêng về những công việc này. Tuy nhiên, nhiều người nước ngoài lại nghĩ khác, họ bỏ công việc ở quê hương đến Việt Nam để làm những việc này.

Theo David, ở Việt Nam những nghề sáng tạo rất dễ kiếm tiền. (Ảnh Ngọc Lan)

David Cohen, một người Pháp bán quần áo ở chợ đêm Hà Nội cho biết, anh rất thích nghề bán hàng rong ở Việt Nam. “Mọi người ở đây thích mua sắm ngoài chợ thay vì đi siêu thị. Họ có thể bỏ tiền mua nhiều chiếc áo có hình thù ngộ nghĩnh thay vì mua một chiếc váy đắt tiền”, anh nói. Do đó, việc bán quần áo giúp cho David có thể kiếm được thu nhập tương đối ổn định.

Ngoài bán quần áo ở chợ đêm, David còn làm nhiều nghề khác như đầu bếp, in ấn, thiết kế, bán hàng thùng, chụp ảnh và bán hàng thủ công mỹ nghệ trước cổng trường tiểu học. Anh cho biết, thu nhập từ tất cả các loại hình kinh doanh khoảng 1 triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, anh chỉ được ngủ khoảng 2-3 tiếng.

David chia sẻ, người Việt Nam thường đánh giá mọi thứ qua vẻ ngoài. Họ thích làm một công việc sạch sẽ, tẻ nhạt, lương thấp. Tuy vậy, trong cách nghĩ của người nước ngoài, hầu hết công việc vất vả mới có thu nhập cao. “Nhiều người nhìn tôi bán hàng dạo ở cổng trường bằng ánh mắt ái ngại. Nhưng tôi không bận tâm về điều đó. Tôi hài lòng với công việc giúp mình kiếm tiền bằng tất cả khả năng lao động chân chính”, David nói.

Một “ông Tây” khác cũng quyết định bỏ công việc với mức lương tương đương 300 triệu đồng mỗi tháng ở quê hương để đến Việt Nam bán xúc xích gia truyền. Đó là Klaus Rutt quốc tịch Đức, 46 tuổi.

Theo ông, kinh doanh ăn uống ở Việt Nam rất có tiềm năng. Mặc dù đang sở hữu một nhà hàng ăn ở TP HCM nhưng hàng ngày, Klaus vẫn đứng bán xúc xích ở vỉa hè đường Phan Xích Long. Theo ông, người Việt Nam thích văn hóa ẩm thực vỉa hè. Do vậy, đứng bán xúc xích dạo sẽ rất tốt cho việc quảng bá thương hiệu cũng như kinh doanh.

Xúc xích Đức 35.000 đồng một chiếc, đắt gần 3 lần xúc xích Việt. Nhưng trong cả dãy phố, tôi bán được nhiều hơn cả. Bởi tôi hiểu, người Việt có tính tò mò và rất chuộng đồ ngoại. Họ thích ăn những món mới và có hương vị đặc biệt”, ông cho hay. Tuy phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày nhưng Klaus chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi.

Guim đã mở cửa hàng bán và sửa xe đạp ở Việt Nam. (Ảnh Ngọc Lan)

Thay vì lập nghiệp trên đất nước có nền kinh tế đứng thứ 9 thế giới, Guim (quốc tịch Tây Ban Nha, 40 tuổi) lại quyết định mở cửa hàng bán và sửa xe đạp ở Việt Nam. Guim chia sẻ, với nền kinh tế thị trường hiện nay, ở Việt Nam, anh có thể kiếm được nhiều tiền.

20 năm trước người Việt Nam đi xe máy. 5 năm trở lại đây, họ chuộng ôtô. Và chỉ 3 đến 4 năm nữa, người Việt sẽ chuyển từ ô tô, xe máy sang đi xe đạp“, anh chia sẻ về lý do chọn nghề kinh doanh xe đạp. Ngoài bán xe đạp, Guim đang là giám đốc của một công ty kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, hàng ngày anh vẫn ghé qua cửa hàng và sửa xe đạp cho khách.

Hãy nhìn xa về tương lai một chút, bạn sẽ biết mình nên kinh doanh lĩnh vực gì. Làm việc đầu óc hay lao động chân tay đều vinh quang. Dù bạn bán hàng rong, sửa xe đạp, thậm chí đạp xích lô, thì chỉ cần yêu thích và tạo ra thu nhập thì không có gì đáng xấu hổ”, Guim nói.

Theo Zing