Tinh Hoa

Người nổi tiếng nói gì để bảo vệ 6.700 cây xanh?

Những tiếng nói của giáo sư, nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ đã góp một phần trong quyết định dừng chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố ở Hà Nội.

Từ giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học đến nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ… như GS Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Lân Dũng, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát, NSƯT Chiều Xuân, nghệ sĩ Ngọc Tuyết, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn,… đều bày tỏ quan điểm về việc chặt hạ, thay thế 6700 cây xanh ở Hà Nội.

Giáo sư Ngô Bảo Châu hỏi “xoáy” Hà Nội

Giáo sư Ngô Bảo Châu

Giáo sư Ngô Bảo Châu đã đặt ra một số câu hỏi xoáy sâu về việc thành phố Hà Nội chặt hạ 6700 cây như:

“Tại sao từ trước đến nay công ty công viên cây xanh vẫn thực hiện duy tu bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây? Tại sao nhiều cây cao, thẳng, khỏe mạnh cũng bị chặt? Có ở đâu, nơi nào, khi nào người ta duy tu bảo trì cây xanh bằng cách chặt cây hàng loạt hay không? Nhiều khu phố nhà Hà Nội xây cất thiếu quy hoạch, phản mỹ quan, liệu có cần ủi đi xây lại không? Phát triển thành phố đã có quy hoạch, tại sao bỗng dưng lại phải có chiến dịch chặt cây?”

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “6.700 cây là con số quá lớn”

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, bày tỏ bức xúc của mình: “6.700 cây chuẩn bị chặt hạ là con số rất lớn. Trong khi đó, Hà Nội là Thủ đô nên chuyện lớn của Thủ đô phải lấy ý kiến của Quốc hội, nhân dân cả nước. Không thể để mất đi vẻ đẹp Thủ đô dễ dàng như vậy”. Ông chia sẻ thêm, ông đã đi qua khoảng 30 thủ đô trên thế giới, thấy mình may mắn vì có: “thủ đô đẹp quá bởi cây cối”.

GS. TS Khoa học Đặng Huy Huỳnh: “Hà Nội thanh lịch nhờ có cây xanh”

“Đối với Hà Nội, từ trước đã được cộng đồng thế giới biết đến là thành phố xanh với nhiều dãy cây cổ thụ được trồng cách đây cả trăm năm. Chính các cây xanh này cũng đã góp phần tạo nên một Hà Nội thanh lịch, hài hòa giữa thiên nhiên và môi trường”.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn mất ngủ vì 6.700 cây xanh

“Các bạn ơi, sáng mai mình phải dậy sớm để đi chùa Ba Vàng – Quảng Ninh, nhưng bây giờ không sao ngủ được dù mình thường ngủ rất ngon. Tối qua đọc trên mạng, và mấy hôm nay đi trên đường, thấy cây bị chặt ngổn ngang mà “lòng đau như cắt – nước mắt đầm đìa”.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Đừng chặt nhầm cây vô tội”

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

“Tôi đề nghị thành phố tính toán, cân nhắc cho kỹ, kiểm tra từng cây xem cây nào cong vênh, mối mọt hãy chặt. Đừng chặt nhầm cây vô tội. Với tôi, tàn sát cây trong những ngày vừa qua như một chiến dịch khổng lồ, không tránh khỏi nhiều cây quý bị “mượn gió bẻ măng””.

Nghệ sĩ Ngọc Tuyết: “Hà Nội xưa thơ mộng lắm”

Là nghệ sĩ Hà Nội gốc, sống nửa đời người gắn bó với Thủ đô, bà chia sẻ về những kỉ niệm thủa trước: “Hà Nội ngày xưa thanh tao, vắng vẻ và thơ mộng lắm. Trong ký ức người Hà Nội chắc chắn không thể thiếu hình ảnh những hàng cây cổ thụ rợp bóng ven đường, rồi mùa thu lá rụng… Những cây cổ thụ trồng ở Hà Nội cũng như đền, chùa, miếu mạo còn gắn với lịch sử, tâm linh, gắn với những giá trị nhân văn trong trái tim người Hà Nội”.

Diễn viên, NSƯT Chiều Xuân: “Tôi hoang mang”

Diễn viên, NSƯT Chiều Xuân

“Cả thế giới đang lo ngại, môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm. Tới đứa trẻ học cấp 1 có lẽ cũng biết, cây là “lá phổi” điều hòa không khí góp phần giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường. Vì thế, việc xuất hiện của cây xanh tại các vùng đô thị có mật độ dân cư lớn, đô thị hóa nhanh như Hà Nội lại càng có ý nghĩa to lớn”.

“Vì vậy, việc Thủ đô chặt bỏ 6.700 cây xanh theo tôi là điều không chấp nhận được. Có lẽ cũng giống mọi người, tôi hoang mang không thể hiểu vì lý do gì mà chặt cây? Tôi cần một lời giải thích thấu đáo”.

Ông Trần Đăng Tuấn gửi thư ngỏ đến chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

 

Ông Trần Đăng Tuấn, Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam

Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam đã gửi thư ngỏ đến chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội: “Nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không? Hãy để các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thỏa đáng không?”.

Ca sỹ Tuấn Hưng hát “Sẽ không còn… cây”

“Sao, tự nhiên cắt cây, tự nhiên phá banh, hàng cây mướt xanh rờn. Và đây là do ý ai, tự dưng hứng lên tìm cây to mà cắt, rồi hàng ngàn cây xanh ta đã nuôi trồng từ lâu rất lâu ta chăm và lo, vài giây phút thôi hàng cây ngả nghiêng, và sẽ không còn nữa, và sẽ không còn trên đời, sẽ không còn cây để được che nắng trưa hè, chim đậu đâu, chắc trên cột đèn thôi. Trên con đường mùa hè ra sao? ừ biết khi ngày bão, ừ biết khi mùa mưa về, có cây bị nghiêng và tự nhiên bật gốc. Thế nhưng ta chặt 6700 cây, ai ai cũng xót xa”.

“Giáo sư” Cù Trọng Xoay hát chế: “Hà Nội sẽ trơ bê tông như bị vặt lông”

“Những con đường giờ nắng rát mặt, khắp phố phường hàng cây mới chặt, gió xuân về cuộn bay lá xanh, gốc cây vết nhựa còn tươi. Nhớ những bóng mát trưa hè, bao năm qua ta đi về, nay ta cưa cây đi rồi, chắc sẽ nhớ mãi khôn nguôi, Hà Nội rồi sẽ trơ bê tông như bị vặt lông. Có gỗ rồi chẳng lo gỗ lậu, mỗi chim trời là mất chỗ đậu, những con người đang ra sức nhân danh xây dựng thủ đô, nhớ những bóng mát trưa hè, bao năm qua ta đi về, nay ta cưa cây đi rồi, chắc sẽ nhớ mãi khôn nguôi, Hà Nội rồi sẽ trơ bê tông như bị vặt lông”

Những tiếng nói của giáo sư, nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ đã góp một phần trong quyết định dừng chặt hạ, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố được chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký ngày 20.3 vừa qua.

Theo Dân Việt