Tinh Hoa

Người mẹ thông minh, biến tấu chuyện cổ tích để dạy con gái cách tự bảo vệ mình

Hiện nay, khi vấn nạn xâm hại trẻ em đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là đối với những bé gái, thì việc giáo dục trẻ là vô cùng cần thiết. Nhưng giáo dục thế nào để trẻ không có xu hướng bài xích người khác cũng là vấn đề nhiều người quan tâm. Câu chuyện dưới đây rất đáng cho các bậc cha mẹ học hỏi.

Vấn đề xâm hại trẻ em đang là vấn đề nóng của xã hội. (Ảnh sưu tầm từ internet)

Người mẹ này luôn rất đau lòng mỗi lần đọc tin tức về việc các bé gái bị xâm hại, bởi vì cô biết rằng lòng cha mẹ là đau đớn nhất khi con gái mình bị như vậy. Để đề phòng việc con gái mình bị xâm hại, người mẹ này đã khéo léo “biến tấu” câu chuyện cổ tích một cách rất thông minh nhằm giáo dục con.

Cô hy vọng nâng cao ý thức đề phòng của con gái, nhưng nếu như chỉ là nghiêm túc nói với con phải cẩn thận “thầy giáo và hiệu trưởng, có thể họ sẽ làm tổn thương con” thì sẽ khiến trẻ mất đi niềm tin vào thế giới bên ngoài, và cũng sẽ khiến các bé sinh ra sự hoảng sợ và bài xích với người khác giới. Vì vậy, sau một thời gian cân nhắc, cô đã quyết định “biến tấu” câu chuyện cổ tích để xây dựng ý thức tự bảo vệ mình cho con gái.

Câu chuyện đầu tiên mà người mẹ này kể cho con gái là “Tân công chúa Bạch Tuyết”:

“Công chúa Bạch Tuyết biết rõ sự khác biệt giữa nam và nữ, thế nên tuy là bạn thân của 7 chú lùn, nhưng mỗi lần tắm và thay trang phục, cô đều đóng chặt các cửa và mỗi tối đều sẽ về phòng riêng của mình ngủ. Thật ra công chúa Bạch Tuyết không hề ăn quả táo độc do bà phù thủy đưa cho. Nhân lúc bà ta không chú ý, cô đã lén tráo thành quả táo không độc, sau đó giả vờ trúng độc. Nếu như thật sự trúng độc thì làm sao mà dễ dàng sống lại vậy được chứ?

Công chúa Bạch Tuyết và 7 chú lùn. (Ảnh sưu tầm từ internet)

Công chúa Bạch Tuyết tráo quả táo là vì cô ấy biết công chúa không được ăn đồ của người lạ đưa cho, nếu không thì bản thân sẽ gặp nguy hiểm. Hơn nữa, lúc đó các chú lùn không ở nhà, nếu trực tiếp vạch trần âm mưu của bà phù thủy thì có thể cô sẽ bị thương…”

Con gái cô ngạc nhiên la lên: “Thì ra là như vậy! Con cảm thấy công chúa Bạch Tuyết không thể ngốc như vậy được, chết một lần rồi hai lần, nếu không thì sao hoàng tử lại thích cô ấy được chứ?”.

Sau đó, người mẹ này lại ‘biến tấu’ hai câu chuyện cổ tích “Cô bé Lọ Lem”“Công chúa Hạt Đậu”:

“Sở dĩ Lọ Lem phải về nhà trước 12 giờ, không chỉ vì sợ quần áo và giày đẹp sẽ bị trả về như cũ mà còn có một nguyên nhân là cô cảm thấy con gái không nên ở bên ngoài quá muộn. Chính vì sự kiên trì của cô mà hoàng tử mới quý mến cô sâu sắc, cho rằng cô không chỉ xinh đẹp mà còn là một cô gái biết tự tôn, tự yêu quý bản thân mình, thích hợp làm hoàng hậu tương lai…”

Cô bé Lọ Lem. (Ảnh sưu tầm từ internet)

“Khi biết được cô bé Hạt Đậu là công chúa thật sự, hoàng tử vui mừng tặng cho công chúa một sợi dây chuyền và tối đó mời công chúa ở phòng mình. Công chúa nhất quyết từ chối và nói với hoàng tử rằng, một công chúa chân chính trước khi kết hôn thì sẽ không ở cùng phòng với nam giới và cũng sẽ không tùy tiện nhận quà của ai cả. Cách hành xử của anh không giống một vị hoàng tử thật sự, vì thế tôi sẽ không kết hôn với anh. Sau đó hoàng tử ý thức được lỗi lầm của mình, hết lần này đến lần khác xin lỗi công chúa và bảo đảm trước khi kết hôn sẽ không mạo phạm đến công chúa thì công chúa Hạt Đậu mới tha thứ cho anh…”

Cứ như vậy, người mẹ này đã “cải biên” mười mấy câu chuyện cổ tích, con gái của cô cũng tổng kết được rất nhiều quy tắc của các nàng công chúa từ những câu chuyện này, ví dụ như không được ở cùng phòng với nam giới, dù cho là người lớn trong gia đình, thầy giáo hay hiệu trưởng cũng không được, không được nhận quà, đồ ăn thức uống của người lạ, v.v…

Có lúc con gái sẽ phàn nàn, hỏi mẹ rằng: “Chẳng phải hoàng tử chịu trách nhiệm bảo vệ công chúa hay sao? Tại sao công chúa còn phải cẩn thận tự bảo vệ mình vậy ạ?”.

Cô nói với con rằng: “Hoàng tử phải đợi sau khi công chúa 20 tuổi thì mới có thể xuất hiện. Trước khi hoàng tử xuất hiện thì công chúa phải học cách tự bảo vệ mình, phải sống một cách thanh tao và cao quý. Nếu công chúa bị thương tổn vì không biết cách tự bảo vệ mình thì có thể cô ấy sẽ không đợi được đến ngày hoàng tử xuất hiện thì đã trở thành ngôi sao trên bầu trời mất rồi. Nếu công chúa không làm gì cả, chỉ biết bị động đợi hoàng tử đến cứu thì có lẽ vẻ đẹp của cô nhất thời thu hút hoàng tử, nhưng sẽ không được hoàng tử tôn trọng và cũng sẽ không được trở thành vợ của hoàng tử”.

Nghe xong lời mẹ nói, con gái dường như đã hiểu và gật gật đầu. Qua một khoảng thời gian dạy dỗ, hiện nay con gái cô rất có nguyên tắc và cũng biết bảo vệ mình một cách khéo léo.

Đối với người mẹ này, cô cảm thấy rất vui mừng, yên tâm khi có thể giúp cho con gái có khả năng tự bảo vệ bản thân mình

Theo Trithucvn