Sau gần 1 năm rưỡi bị cắt cụt tứ chi do áp xe vú, dẫu cuộc sống có muôn vàn khó khăn cũng không quật ngã được người mẹ trẻ. Người phụ nữ đó hiện nay dù không còn tay chân, nhưng vẫn tự mình chăm con, vừa bán hàng online để kiếm thêm thu nhập với một tinh thần lạc quan hiếm có.
Nhìn chị Dương Thị Thắm (27 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) vừa cười lạc quan, vừa chơi với cậu con trai kháu khỉnh (hơn 1 tuổi) đã biết đi, khiến nhiều người phải thầm khâm phục sự mạnh mẽ của chị.
Nhớ lại khoảng thời gian trước đây, 15 ngày sau khi chị Thắm vừa sinh đứa con đầu lòng, cũng là kết tinh của mối tình 5 năm giữa chị và anh Trần Văn Tài (28 tuổi), thì chẳng may chị bị tắc tia sữa kéo dài. Bác sĩ chẩn đoán chị đã bị áp xe vú nặng dẫn đến sốc nhiễm trùng huyết.
Những ngày sau đó chị tiếp tục bị nhiễm trùng đường ruột, suy thận, phải thở máy, lọc máu, chân tay bầm tím và hoại tử dần.
Dù đã dùng mọi phương pháp để hy vọng cứu được tay chân phần nào hay phần đó, nhưng kết quả không khả quan, nếu người nhà không nhanh chóng quyết định cho cắt tứ chi, thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ.
“Tôi nghe bác sĩ nói xong mà không thể tin vào sự thật, rất sốc. Nào ngờ khi biết chuyện, vợ kêu tôi vào bảo anh đi ký giấy cho em cắt tứ chi đi, hết cách rồi. Nếu không thì vợ không nhìn thấy mặt con đâu. Cô ấy nói bằng giọng bình thản lạ lùng khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa cay đắng”, anh Tài, chồng chị Thắm cho biết.
Sau khi nuốt nước mắt ký xong giấy đồng ý cắt tứ chi cho vợ, chị Thắm cũng nhanh chóng được đưa vào phòng mổ để tiến hành phẫu thuật. Hôm đó, chị liên tục gọi tên con “Ken ơi… Ken ơi….” cho đến khi thuốc mê ngấm hoàn toàn rồi chìm sâu vào giấc ngủ.
Đến khi tỉnh dậy, mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng chị vẫn cảm giác bàng hoàng hụt hẫng khi thấy cơ thể mình không còn nguyên vẹn như trước. Mọi sinh hoạt cá nhân bây giờ cũng không thể tự chủ mà phải nhờ vào người thân giúp đỡ.
“Nhìn tay, nhìn chân cụt ngủn, tôi hụt hẫng, cảm giác như đang mơ ác mộng bị rơi xuống một hố sâu”, chị Thắm cho hay.
Anh Tài xót vợ, nhưng chỉ có thể động viên vợ mỗi ngày bằng cách cho vợ được nhìn con qua video, thủ thỉ an ủi vợ rằng: “Vợ phải cố lên. Con còn nhỏ, đừng để con mất mẹ”.
Đến ngày chị Thắm xuất viện, khi này con trai cũng đã được 2 tháng, ở nhà anh Tài là người trực tiếp chăm sóc cho vợ, sáng anh dậy sớm vệ sinh cá nhân cho vợ, đút vợ ăn, còn chở vợ đến nhà ngoại chơi cho khuây khỏa mới bắt đầu đi làm.
Anh cày từ ngày đến đêm, hết kinh doanh ốp điện thoại, rồi lại nhận thêm làm quảng cáo và bất động sản, kiếm tiền thuốc thang cho vợ và trả nợ khoản tiền khổng lồ mà anh đã vay để chạy chữa cho vợ.
Tối đi làm về, anh lại đón chị, tắm rửa cho chị đến 11-12h đêm mới kết thúc một ngày.
“Mình không làm được gì cả, chồng và mọi người vẫn phải bế. Vì mọi thứ phải nhờ vào chồng nên hôm nào chồng đi làm về muộn mình cũng phải vệ sinh cá nhân muộn, còn hôm nào chồng về sớm mình cũng đỡ hơn.”
Thương chồng, lắm lúc chị Thắm tủi thân vô cùng vì thấy mình vô dụng, đã không giúp được gì lại còn mang thêm gánh nặng lên vai chồng. Ở bệnh viện 24/24 còn có người chăm sóc, chứ khi về nhà muốn ăn, uống, đi vệ sinh… đều phải nhờ cậy người thân. Mấy đêm dài, chị ngủ cạnh chồng mà lén lau nước mắt.
“Vết mổ của mình những hôm trời lạnh vẫn còn đau và khó chịu lắm, nhiều lúc mình khóc vì không còn tay với chân nhưng chồng hay động viên vợ bảo ‘Có tay chân giả mà vợ lo gì’ nên mình cũng an ủi phần nào”, chị Thắm chia sẻ.
Nhờ sự động viên và yêu thương đó từ chồng, chị Thắm cũng cố gắng để vượt qua nỗi đau và mặc cảm về thân thể để sống lạc quan hơn. Ngày được tháo băng ra, tứ chi các vết mổ cũng dần dần lành hẳn, chị mỗi ngày đều ráng tập lết, tập bò, tập cầm nắm, sinh hoạt bằng những chi đã cụt ngủn của mình. Chị muốn bản thân tự lập hơn, tránh làm phiền đến nhiều người xung quanh, và điều lớn lao hơn hết, chị mong mỏi được tự tay chăm sóc đứa con trai của mình.
Kể từ đó, con tập bò thì chị cũng tập bò, giai đoạn phát triển của hai mẹ con vô tình lại trùng hợp với nhau. Chính sự vô tình mà như hữu ý này khiến chị càng có động lực hơn, cũng hạnh phúc hơn vì cảm thấy được đồng hành cùng con. Khi con trai biết lật (lẫy), cũng là ngày chị tập lật người được. Dần dần là lết, bò đều tương tự như nhau. Hai mẹ con cười khúc khích đùa giỡn cùng nhau vang vọng khắp nhà.
Cuối tháng 4, Thắm còn khoe video chị đã lết được bằng đùi, hai tay còn giữ được đầu con, cùng con di chuyển khắp nhà rất vui vẻ lên trang Facebook.
Hiện tại, chị đã tiến bộ hơn, có thể dùng tay để cầm một vài món đồ như ca uống nước, đỡ con mỗi khi con trèo lên chiếc xe lăn, để con đứng ra phía sau lưng mẹ để mẹ dắt đi chơi, thậm chí chị có thể cầm điện thoại và nhắn tin.
Đến tháng 5, chị bắt đầu tập tành bán đồ online để phụ giúp gia đình, kiếm chút tiền mua đồ chơi, bánh kẹo cho con, phần cũng cho đỡ buồn chán.
“Nhiều hôm bán được 1-2 món đồ cũng vui lắm khoe với chồng ngay”, anh Tài cười.
Nhìn dáng vẻ tự tin rao hàng và giao tiếp của chị, không ai có thể nghĩ rằng chị đã từng trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh, tiếp đến còn đối mặt với việc bị cắt cụt tứ chi. Đều là hoàn cảnh mà đối với một người mà nói, nhất là phụ nữ sau sinh rất nhạy cảm thì đều khó khăn hơn gấp bội.
“Được cái hai bên bố mẹ đều yêu thương, tâm lý, chồng cũng rất thương vợ nên mới dễ dàng vượt qua, chứ không thì cũng khó lắm”, chị Thắm bộc bạch.
Con trai chị hiện tại phần lớn cũng nhờ ông bà nội một tay chăm sóc. May sao bé ăn ngon, ngủ ngoan nên cũng đỡ vất vả, cũng như cho vợ chồng chị Thắm yên tâm phần nào.
‘Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn’ sau bao nhiêu khó khăn sóng gió, nhờ có sự động viên và tình yêu thương chân thành của chồng, hiện tại gia đình chị Thắm cũng êm xuôi vượt qua được tất cả những khó khăn.
“Hiện tại, vợ chồng mình ở nhà bố mẹ cũng không phải lo tiền ăn uống nhiều. Chồng mình đi làm và có một tiệm bán phụ kiện điện thoại nhỏ nên không khó khăn như lúc trước mình nằm viện điều trị bệnh nữa. Mình bán hàng online cũng kiếm được chút tiền tiêu vặt mua quà cho con và cũng bớt buồn hơn. Bây giờ vợ chồng mình chỉ cố gắng để lo cho con thôi”, chị Thắm mỉm cười.
Chị cũng cho biết mong muốn duy nhất của hai vợ chồng hiện tại là con trai được lớn lên khỏe mạnh, ngày càng ngoan ngoãn. Hy vọng con hiểu được rằng, mẹ đã phải hy sinh rất nhiều để con được sinh ra, được có mặt trên cõi đời này, đó là tình yêu to lớn nhất mà mẹ dành cho con.
Chúc Di (T/h)