Các nhà khoa học cho rằng người Hy Lạp cổ tin xác chết có thể đội mồ sống dậy và làm hại người sống, căn cứ vào cách an táng lạ thường tại những nấm mồ khai quật ở Italy.
Nghĩa địa có tên Passo Marinaro, nằm gần một thị trấn phía đông nam Sicily, được sử dụng trong khoảng thế kỷ V đến III trước Công nguyên. Nghĩa địa có gần 3.000 ngôi mộ, khoảng một nửa chứa vật dụng như bình đất nung, các bức tượng nhỏ và tiền kim loại. Trong đó có hai ngôi mộ khiến các nhà khảo cổ đặc biệt chú ý.
Ngôi mộ đầu tiên được đánh số 653, chứa thi thể của một người chưa xác định giới tính, có dấu hiệu bị bệnh hoặc suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
“Điều khác thường về ngôi mộ 653 là cả phần đầu và hai chân của xác chết được che kín hoàn toàn trong các mảnh vỡ lớn của chiếc vò hai quai,” Carrie Sulosky Weaver, nhà khảo cổ học đại học Pittburgh, Mỹ cho biết. Vò hai quai là loại bình gốm to có hai tay cầm thường được dùng để chứa rượu và dầu oliu.
“Các mảnh vỡ nặng trong ngôi mộ 653 dường như nhằm mục đích ghim chặt cái xác vào mộ, ngăn xác chết nhìn thấy và trỗi dậy,” Weaver nói.
Ngôi mộ thứ hai, số hiệu 693, an táng một đứa trẻ cũng không rõ giới tính, độ tuổi khoảng 8-13. Không có dấu hiệu bệnh tật, song thi thể đứa trẻ bị 5 hòn đá lớn đè lên trên. Những phiến đá này nhiều khả năng được dùng như một cách để ghì chặt thi thể vào mồ, Weaver nhận định.
Các nhà khảo cổ vẫn chưa rõ nguyên nhân các thi thể bị ghim chặt xuống mộ song họ cho rằng, cách thức chôn cất khác thường cho thấy nỗi sợ các xác chết sống dậy của dân chúng thời kỳ này. Nhà khảo cổ Weaver nói thêm rằng nỗi sợ người chết hay còn gọi là Necrophobia là khái niệm đã xuất hiện trong nền văn hóa La Mã từ thời kỳ đồ đá mới cho tới ngày nay.
Tại khu nghĩa địa, các nhà khảo cổ cũng phát hiện nhiều tấm Katadesmoi, bảng đá khắc những câu thần chú ma thuật. Điều này cho thấy một vài cư dân Kamarina thời này đã sử dụng những lời nguyền và thần chú để gọi xác chết trỗi dậy.
“Bảng Katadesmoi chứa những lời cầu nguyện được gửi tới các vị thần địa ngục, vị thần có quyền năng sai khiến linh hồn người chết, nhằm đáp ứng lời thỉnh cầu của người cầu nguyện,” Weaver nói.
Bà cũng nhấn mạnh rằng những bằng chứng này là minh chứng cho khát khao chế ngự và thỉnh cầu thần chết.
“Dù các hành động này trái ngược nhau, chúng cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về cách nhìn nhận cái chết của người Hy Lạp cổ đại”, bà Weaver kết luận.
Theo VnExpress