Virus Vũ Hán hiện đang lan rộng khắp nơi ở Nam Phi, dẫn đến gia tăng tình trạng bất ổn định xã hội. Gần đây Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Phi thừa nhận rằng, trong gần 50 ngày qua đã có 7 người mang quốc tịch Trung Quốc bị giết chết.
Vào ngày 24/8 theo giờ địa phương, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Phi ra thông cáo cho biết, do ảnh hưởng và tác động của dịch viêm phổi COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) hồi đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp ở Nam Phi đã tăng cao, an ninh công cộng xuống cấp nhanh chóng, dẫn đến các vụ phạm tội bạo lực nghiêm trọng.
Trong một tháng rưỡi vừa qua, đã có liên tiếp 7 công dân Trung Quốc bị giết. Trong số những công dân Trung Quốc thiệt mạng, có cả cựu chủ tịch Hiệp hội Đồng hương Tề Lữ Nam Phi Trọng Chí Duy và vợ của ông là Kiều Lĩnh.
Bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 25/8 dẫn lời một người phụ trách truyền thông Trung Quốc tại Nam Phi tiết lộ rằng, các vụ tấn công người Trung Quốc ở đây dẫn đến bị thương hoặc tử vong là nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thông báo chính thức của ĐCSTQ.
Theo những người trong cuộc, tình hình an ninh ở Nam Phi gần đây đã tệ hơn rất nhiều, trước đây mỗi ngày có 50 người bị giết, nhưng hiện tại con số đã tăng lên hơn 60 người mỗi ngày, vậy nên nếu có người Hoa bị giết, chính quyền địa phương cũng không quá coi trọng nữa.
“Tôi thử tính cho họ, bình quân người Hoa ở đây cứ 4 ngày sẽ phải chết một người”. Có người nói: “Bởi vì rất nhiều người ở Nam Phi đã bị đói trong vòng 5 tháng, kể từ tháng Ba cho đến nay, vì vậy bọn họ (cướp và giết người) khá có kinh nghiệm rồi”.
Vào ngày 13/8 năm nay, cựu chủ tịch Hiệp hội Đồng hương Tề Lữ Nam Phi Trọng Chí Duy và vợ, đã bị côn đồ bắn chết ngay giữa thanh thiên bạch nhật ở thành phố Johannesburg. Truyền thông địa phương cho biết ba người đàn ông tấn công vợ chồng Trọng Chí Duy đã bắn ít nhất sáu phát súng, khiến hai người thiệt mạng.
Dịch viêm phổi Vũ Hán hiện đang lan tràn trên toàn thế giới, Nam Phi cũng đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lượng lớn người đã thất nghiệp, khiến xã hội Nam Phi thêm rối ren và tâm lý thù hận dâng cao trong xã hội. Dư luận cho rằng những vụ giết người, cướp của, bắt cóc liên tiếp xảy ra gần đây đối với những người mang quốc tịch Trung Quốc, đều là có liên quan đến tâm lý thù hận này.
Một người bạn họ Phạm của vợ chồng Kiều Lĩnh, Trọng Chí Duy đã được RFA phỏng vấn vài ngày trước. Khi nói về vụ xả súng nhắm vào vợ chồng Trọng Chí Duy, ông nói: “Chính là sau khi có dịch, các nhà máy, công ty đều đóng cửa, không hoạt động trong hơn 5 tháng, tỉ lệ tội phạm nhiều hơn bình thường. Người Trung Quốc thì làm ăn, có tiền, hơn nữa còn đều là kinh doanh bằng tiền mặt”.
Ông còn tiết lộ rằng, con trai của ông cũng từng bị đánh ở Nam Phi, đánh đến hỏng cả mắt, nguyên nhân là do bên kia cho rằng người Trung Quốc mang virus Vũ Hán đến Nam Phi, và rất phản cảm với việc người Trung Quốc ăn thịt động vật hoang dã dẫn đến truyền nhiễm bệnh.
Ngoài ra, các thương nhân người Hoa ở Trung Phi và Zambia cũng nói với RFA rằng, do ĐCSTQ che giấu dịch bệnh, cộng với việc trục xuất và cưỡng chế cách ly người da đen xảy ra ở Quảng Châu, khiến áp lực đối với người Hoa ở châu Phi tăng gấp đôi.
Trước đó đã có ba thương nhân người Hoa bị người địa phương giết và đốt nhà, một số nhà máy ở khu vực xung quanh cũng bị người bản địa tấn công, nhưng khi các thương nhân người Hoa ở châu Phi muốn trở về Trung Quốc, lại bị chính quyền ĐCSTQ tạo ra trùng trùng trở ngại, phần lớn họ chỉ có thể ở lại và phó thác sinh mệnh cho ông trời.
Trên thực tế, sự lây lan của đại dịch và tâm lý thù hận sinh ra do chiến lược “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ không chỉ xảy ra ở Nam Phi. Vào ngày 11/5 năm nay, Nghiêm Bang Triêu, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Chiết Giang ở Myanmar, đã bị côn đồ truy sát ở Yangon và chết trong một chiếc xe ô tô riêng, với nhiều vết chém ở ngực, sườn và bụng.
Ngày hôm sau, Phòng Thương mại Hồ Nam ở Myanmar đã ra một thông báo cho các hội viên, yêu cầu họ “không được quan hệ nam nữ lung tung, và đừng nghĩ rằng chỉ dựa vào có một chút tiền trong túi đã là hoàng đế ở Myanmar”.
Thông báo còn nhấn mạnh 3 lần rằng, không được tham gia vào phân biệt chủng tộc và nhập khẩu giá trị quan, “Đặc biệt là ở những nơi công cộng hay nhóm WeChat, đừng lúc nào cũng cố nhét giá trị và niềm tin của bản thân vào đầu người khác. người khác không muốn nói toạc ra vì nể là đồng hương, cần phải biết kiềm chế”.
Minh Huy (Theo NTDTV)