Gần đây, Trung Quốc đã tổ chức “Tuần lễ Tuyên truyền An ninh mạng 2018”. Nhiều người chỉ ra, ĐCSTQ phải kiểm soát chặt chẽ mạng Internet vì lo sợ rằng, những thứ xấu ác của họ bị cư dân mạng đưa ra ánh sáng.
Người dân: Dù làm thế nào cũng vô ích
>>> Trung Quốc đã trở nên thế nào sau khi luật An ninh mạng được thông qua?
“Tuần lễ Tuyên truyền An ninh mạng Internet Trung Quốc 2018” được tổ chức từ ngày 17 – 23/9. Giới quan sát bên ngoài nhận thấy rằng, một trong những chủ đề của hoạt động này là “An ninh mạng Internet phụ thuộc vào mọi người”, như vậy là ĐCSTQ đã đẩy trách nhiệm an ninh mạng vào người dân.
Các hiện tượng như lừa đảo, rò rỉ thông tin cá nhân là rất phổ biến trên mạng Internet Trung Quốc, trang web của Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc công bố “Báo cáo Khảo sát tình hình rò rỉ thông tin cá nhân qua ứng dụng cá nhân” cho thấy rằng 85,2% số người Trung Quốc được hỏi cho biết, họ đã gặp trường hợp bị rò rỉ thông tin cá nhân.
Vào cuối tháng 8/2018, qua một vụ án trộm cắp dữ liệu người dùng quy mô lớn ở Đại lục đã phơi bày nội tình câu chuyện đánh cắp 3 tỷ thông tin cá nhân của người dùng. Vụ việc lần đầu hé mở sự thiếu hụt nghiêm trọng về bảo vệ và quản lý dữ liệu người dùng của các nhà khai thác viễn thông, đồng thời cũng có người hiểu rõ nội tình đã chỉ ra tồn tại khả năng “gián điệp nằm ở ngay nhà khai thác viễn thông”. Có 96 công ty Internet bị đề cập, trong đó có cả những nhà khai thác hàng đầu như Baidu, Tencent, Ali, Toutiao.
Vào đầu tháng 9/2018, có tố cáo cho biết, 300 triệu dữ liệu khách hàng của công ty dịch vụ giao hàng SF Express được rao bán trên trang web “Chợ mua bán trực tuyến ảo Agora”, nhưng cho đến nay, giới chức Trung Quốc chưa có phản hồi chính thức nào về vấn đề này.
Trước tuần lễ tổ chức hoạt động tuyên truyền an ninh mạng, 85 tổ chức xã hội an ninh mạng đã cùng khởi động một hoạt động khảo sát. Kết quả cho thấy, điểm hài lòng về về cảm giác an ninh mạng của các cư dân được khảo sát là 5 điểm, và điểm đánh giá cuối cùng là 3,26.
Ngày 25/9, Lương Ba (Liang Bo), nhà hoạt động xã hội trên Internet có chia sẻ với Đài phát thanh Á châu Tự do (RFA) rằng, “ĐCSTQ lại tiếp tục diễn kịch cho người dân xem. Hiện nay, môi trường nói chung không được cải thiện, hệ thống chính trị và kinh tế của đất nước không thay đổi, chuyện an ninh mạng có làm thế nào cũng vô nghĩa”.
Người dân: “An ninh mạng” là nhằm bảo vệ đảng
Bà Từ (Xu) từ Thượng Hải kể với Đài Á châu Tự do rằng, “an ninh mạng” mà các nhà chức trách Trung Quốc quan tâm là nhằm bảo vệ đảng chứ không phải là những người dân bình thường.
Bà Từ nói rằng, “Cơ quan chức năng liên tục gỡ bỏ bài viết là vì họ lo sợ chúng tôi công khai sự thật. Bởi vì chúng tôi biết một quan chức ở nước ngoài có bao nhiêu người tình, có bao nhiêu bất động sản, có bao nhiêu tài sản. Họ sợ bị đưa ra công khai gây bất lợi cho họ, còn người dân thường như chúng tôi có gì mà phải sợ”.
Bà Từ nói rằng, tuần trước chỉ vì bà chia sẻ một thông tin mà ngay lập tức tài khoản Wechat của bà bị khóa với lý do “truyền bá thông tin bịa đặt”.
ĐCSTQ còn lo ngại đến nhiều vấn đề như: Sản phẩm giả mạo và kém chất lượng, những công trình xây dựng thất trách, gian lận kinh tế và tài chính , các vấn đề xã hội khác được mọi người phơi bày trên mạng.
Vào tháng 7/2018, khoảng 650.000 liều vắc-xin tiêm chủng chất lượng kém được phép đưa vào thị trường, sự kiện đã gây làn sóng tranh luận rộng khắp. Khi đối mặt với tình trạng dư luận lên án, ĐCSTQ lại tiếp tục xóa bài viết và chặn tài khoản mạng xã hội, đàn áp các bậc cha mẹ dám lên tiếng phản đối.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters, trung bình trong 24 giờ, các giám sát viên của Sina đã xử lý khoảng 3 triệu bài đăng.
Mạng Internet không an toàn đối với đa số người dân
Do sự kiểm soát Internet chặt chẽ của ĐCSTQ, mạng Internet ngày càng trở nên không an toàn đối với mọi người dân thường.
Vào đầu năm 2018, “Thẻ ID WeChat” do Chính phủ Trung Quốc hợp tác với Tencent tung ra đã được phát hành trên toàn quốc khiến người dân lo lắng về giám sát mạng và bảo mật dữ liệu cá nhân. Ông Lý Thư Phúc (Li Shufu), Chủ tịch Tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia Geely đã cho biết, tại Trung Quốc đại lục, không thể tin vào cái gọi là sự bảo vệ quyền riêng tư và an ninh thông tin trên Internet.
Kể từ năm 2018, Sina và nền tảng chia sẻ video ngắn Kuaishou đã tăng cường lượng đội ngũ kiểm duyệt, trong đó điều kiện tuyển dụng là ưu tiên “thành viên Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đảng viên”. Bình luận viên thời sự Nghiêm Đan (Yan Dan) cho rằng, vai trò mà nhân viên kiểm duyệt phát huy là bảo vệ quyền lực của Đảng, những người này đóng vai trò như những tên côn đồ, ngăn chặn và đàn áp những người bi Đảng quy tội “bất đồng chính kiến”, “phần tử thù địch”.
Có thể thấy, ngày càng nhiều trường hợp bị kết án về tội liên quan đến phát ngôn trên mạng Internet. Sự kiện tiêu biểu gần đây như: Ngày 7/9, giáo sư Dương Thiệu Chính (Yang Shaozheng) tại Viện Kinh tế của Đại học Quý Châu đã bị tạm ngưng trả lương vì công khai chỉ trích ĐCSTQ dùng “công quỹ nuôi Đảng”; ngày 22/9, một sinh viên Đại học năm nhất đang học tại Hồ Nam đã bị nhà trường đuổi học vì phát ngôn không hài lòng với hoạt động đào tạo và huấn luyện quân sự của ĐCSTQ.
>>> Giáo sư Trung Quốc bị sa thải vì lên án “tiền công nuôi Đảng”
Trước đó, vào ngày 10/9, Văn phòng Tôn giáo của ĐCSTQ đã ra thông báo “Biện pháp Quản lý Thông tin Tôn giáo trên Internet”; theo đó, mọi người không được tự do đăng bất kỳ thông tin nào về tôn giáo trên Internet, bao gồm mọi hình thức từ văn bản, hình ảnh, âm thanh và video.
Về vấn đề này, Đài truyền hình Tân Đường Nhân (New Tang Dynasty Television, NTDTV) tại Mỹ chia sẻ ý kiến của phóng viên Chu Thụ Quang (Zhou Shuguang) cho biết: “Kiểm soát ý thức hệ là vấn đề quan trọng đối với ĐCSTQ, vì tổ chức độc tài này không cho phép mọi người công khai bày tỏ chính kiến. Cảm giác của tôi là, trong bầu không khí toàn xã hội hiện nay, lý tính đang ngày càng bị đẩy lùi, những chuyện phi lý đang ngày càng lan rộng, đây là một xu hướng thụt lùi của toàn xã hội Trung Quốc hiện nay”.
>>> Nghị sĩ Mỹ kêu gọi Google, Facebook phản đối luật an ninh mạng Việt Nam
Theo Trithucvn