Trong con hẻm nhỏ thuộc ấp 2 (xã Long An, huyện Long Thành) có một căn nhà khang trang đang được tu sửa lại làm nơi nuôi dưỡng, bảo bọc những đứa trẻ bị bỏ rơi. Căn nhà ấy chứa hơn 90 đứa trẻ thiếu tình thương của cha mẹ ruột, nhưng lại được chăm sóc bởi 2 người “cha” còn rất trẻ. Họ nguyện sống độc thân suốt đời để tần tảo kiếm tiền lo cho các “con” ăn học.
Người sáng lập ra mái ấm này chính là cư sĩ Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1972), người thành lập ra Mái ấm tình thương Phúc Lâm được UBND huyện Long Thành cấp phép hoạt động theo Quyết định số 421/QĐ-UBND ngày 26/01/2015 trên mảnh đất gia đình tọa lạc tại số 16 A1, ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi, có đứa nằm trong bãi rác, đứa bị lấy một phần nội tạng
Giữa đám trẻ đùa nghịch râm ran, anh Lâm cười hiền, chỉ tay vào một bé gái chững chạc đang mặc đồ học sinh, ngồi soạn tập vở chuẩn bị đến trường. Đó là bé Nguyễn Ngọc Phương Vy đứa trẻ bắt đầu cho câu chuyện dài hơn chục năm của người đàn ông độc thân nhưng có đến… 90 “con”.
Khi đó trong một lần đi làm về ngang qua xã Vũ Hội, huyện Nhơn Trạch, thấy có một đám đông đứng bàn tán. Tò mò, anh Lâm dừng xe xuống xem, hóa ra có một đứa bé bị bỏ rơi trong thùng rác, kiến bu đầy người.
Bồi hồi nhớ lại, anh Lâm kể: “Tò mò, tôi đến xem thì thấy một đứa trẻ đỏ hỏn, kiến bu cắn nát cả mặt mày, tay chân. Không ai dám động vào, cũng không ai nghĩ có thể sống sót. Nhưng có gì đó đột ngột thôi thúc tôi ào đến, ôm đứa trẻ vỏn vẹn 1 kg đưa vào bệnh viện. May thay, đứa trẻ được cứu”.
Khi đó, anh Lâm còn là một thanh niên trẻ, chưa vợ chưa con, nhưng lại bế trên tay một đứa nhỏ nên sợ mọi người dị nghị, anh ngại ngùng kêu tài xế taxi chạy thẳng đến cửa nhà mới dám xuống xe. Bế đứa nhỏ trên tay anh kể với mẹ nghe về việc mình nhặt được đứa trẻ. Bà cụ lúc bấy giờ không tin, cứ tưởng con anh.
“Ôm con thân hình lạnh ngắt, còn chưa cắt rốn, toàn thân đầy vết thương do bị kiến cắn, tôi chỉ sợ con sẽ chết. Nhưng thật may mắn, khi đưa tới bệnh viện bé đã được cứu sống và giờ đây con đã là một bé gái xinh xắn, đáng yêu, đang học lớp 2”, anh Lâm bảo, khoảnh khắc đó cũng là giây phút khiến anh quyết định gắn bó cả đời mình cho việc chăm sóc các bé bị bỏ rơi.
Những lần tiếp theo đó, không hiểu sao cái duyên nuôi trẻ bám theo anh tới tận bây giờ, anh liên tục bắt gặp những đứa trẻ bị bỏ rơi, nhiều đứa bị dị tật bẩm sinh nên cha mẹ vất bỏ; có đứa còn đỏ hỏn, dây rốn vẫn chưa được cắt. Đáng sợ nhất đối với anh Lâm là ngày nhặt cháu Nguyễn Hoàng Phúc Nhân (nay được 4 tháng tuổi) về mái ấm. Tháng 8/2016, khi đi làm về đến con hẻm trước nhà, anh Lâm phát hiện trong bụi chuối có chiếc giỏ đựng đứa trẻ bị dị tật, với miệng và mũi là một, 2 con mắt chỉ là một cục thịt…
“Hàng xóm chẳng ai dám tới gần bé bởi quá sợ hãi. Đó là lần tôi quặn đau nhất. Tôi ôm bé vào lòng với tình yêu của mình rồi nói hãy về với cha, cha sẽ làm cho con được là con người”, anh Lâm nghẹn ngào chia sẻ.
Chưa kể có một lần khiến anh phải rùng mình kinh hãi nhất là nhặt được bé Hiệp, lúc ấy con chỉ mới khoảng 1 tháng tuổi. Đưa đi cấp cứu trong bệnh viện, thì phát hiện có một vết mổ dài trên bụng sắp lành. Bác sĩ kiểm tra, thì kinh hoàng khi thấy con bị thiếu 1 quả thận, 1 túi mật, nửa lá gan, sức khỏe suy kiệt. Không ai có thể hình dung nổi về một tội ác nào đó đã hành hạ cơ thể con rồi vứt đi, vậy mà sức sống con vẫn vô cùng mãnh liệt.
Hay có những trường hợp nhận con còn trớ trêu hơn, đó là lần anh Lâm đưa một đứa con bệnh tật đến bệnh viện thăm khám. Trong lúc đang lo lắng cho đứa nhỏ thì ở đâu có một cô biết anh nuôi trẻ, nên tìm đến. Cô nói trong nước mắt, rằng chồng bị tai nạn mất, còn cô đang bị ung thư thời kỳ cuối, có đứa con gái 2 tuổi không ai chăm sóc, nên nhờ anh thương cưu mang.
Anh Lâm lúc đó thấy tội nghiệp nên trấn an, rồi cũng hứa sẽ chăm sóc bé, dặn cô yên tâm chữa bệnh, bao giờ ổn cứ đến nhận lại. Thế là từ đó anh Lâm lại có thêm một đứa con tên Diễm.
Nhưng không ai chống lại được số mệnh, mẹ bé Diễm ra đi… Từ một cô bé khỏe mạnh, bé Diễm cũng đột nhiên trầm cảm, đôi khi con cầm một món đồ ngồi bất động hàng giờ. Cha Lâm nuôi con trong bệnh viện hơn năm ròng, nhưng sức khỏe con cũng dần suy kiệt, và… nhắm mắt đi theo cha mẹ mình.
Cả thảy từ khi mang các con về, có 6 đứa trẻ không may đã ra đi, mỗi lần nhớ lại anh Lâm lần nào cũng bật khóc, anh nhìn mấy đứa nhỏ rồi bảo: “Tất cả các con, về đây thì đều là con cha, là anh em một nhà. Tụi con phải đùm bọc, yêu thương nhau. Một ngày cha không còn nữa, tụi con phải nương tựa nhau mà bước tiếp”.
Đấy cũng chỉ mới là một vài trong số những câu chuyện về số phận của những đứa trẻ. Hầu như đứa con nào được anh Lâm mang về cũng đều nhớ rất rõ hoàn cảnh của từng bé. Mỗi đứa là một câu chuyện dài mà ngẫm lại anh vẫn nghẹn ngào xúc động.
Cái duyên với những đứa trẻ mồ côi
Đồng hành cùng anh Lâm từ đứa con đầu tiên còn có anh Nguyễn Văn Phúc, em trai anh. Hai người đàn ông quyết định độc thân để đi chăm trẻ chẳng phải điều dễ dàng gì. Họ không dám lập gia đình mà dành trọn tình yêu thương cho những đứa con vô thừa nhận, vì sợ rằng khó có người người phụ nữ nào có thể chấp nhận cùng các anh đi lo cho “con người ta”.
Lúc đầu còn ít bé, hai anh em tự chăm, mà một người đàn ông thì làm sao đủ khéo léo như người phụ nữ để có thể chăm em bé, thế là anh phải tìm mua sách, học hỏi trên mạng để học dần cách ẵm bồng và chăm sóc trẻ sơ sinh.
Dần dà đàn con mỗi ngày một đông, anh phải thuê sáu cô bảo mẫu để chăm lo cho các con. “Cực nhất mỗi lần con bị bệnh, cứ một đứa bị sổ mũi là cả nhà lây nhau. Do con đông nên chúng tôi phải đưa con đi khám tư, mỗi lần đi khám phải chở bằng ô tô”, anh Lâm nói.
Thời điểm đấy mọi chi phí để lo cho các con đều là do hai anh tự bỏ tiền túi ra. Mỗi ngày của hai người cha đều bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc vào lúc 24 giờ đêm. Sáng dậy đi chợ, chuẩn bị đồ ăn sáng, đưa các con tới trường rồi đến công ty. Ngoài việc kinh doanh Công ty Bảo vệ Sài Gòn – Long Hải với công ty tổ chức sự kiện, buổi tối hai anh còn bán thêm cà phê, đẩy xe thuê cho tiểu thương, rồi đến cả giữ xe cũng làm để kiếm thêm chút đỉnh thu nhập.
“Chi tiêu mỗi tháng lên đến hơn trăm triệu gồm tiền sữa, bỉm, tiền ăn, tiền bảo mẫu, tiền học… Dù không sinh ra các bé nhưng khi đã nhận nuôi, chúng tôi xem như con và sẽ có trách nhiệm đến cùng, lo các cháu ăn học tử tế”, anh Lâm cho biết.
Chưa kể tiếng lành đồn xa, cái tin anh “mát tay” nuôi trẻ sơ sinh, vì thế nhiều khi khiến anh nhận các con trong những trường hợp vô cùng… bi đát. Có những bà bầu còn đến tận nhà anh khóc lóc, van xin anh chuẩn bị nhận “con”… của họ vì hoàn cảnh không thể nuôi nấng được, có người sinh con ở bệnh viện xong liền gọi điện thông báo cho anh đến để nhận đứa con bỏ lại. Có lần anh nhận nuôi một đứa nhỏ bị cha mẹ bỏ rơi, xong một thời gian họ tìm lại con mà không phải để nhận lại, mà chỉ để vòi tiền…
Đỉnh điểm nhất là những năm 2014 – 2016, trung bình có đến 2 – 3 trẻ bị bỏ rơi/tháng. Mái ấm cũ kỹ ngày càng ọp ẹp, dột nát đủ bề.
“Hiểu những gì tôi đang làm, mẹ dành toàn bộ đất quanh mái ấm cho tôi. Mặc tôi không nhận, mẹ vẫn cương quyết ‘tặng cho mái ấm’ để tôi không thể từ chối. Chẳng đợi mẹ nói gì thêm, tất cả anh em đồng lòng để một nửa tài sản cho tôi, chung tay xây lại mái ấm. Những gì các con đang ở, đang sống ngày hôm nay, mình tôi không thể nào làm được”, anh Lâm tâm sự và tỏ lòng biết ơn đến gia đình của mình.
Có lần người mẹ già nói: “Cả tuổi xuân con chịu thiệt thòi lo cho cha mẹ, các em như thế rồi… bây giờ con nhận thêm đám trẻ sơ sinh như vậy nữa thì liệu làm sao lo cho xuể?”.
Là người yêu thương gia đình vô vàn, anh ra sức thuyết phục mẹ, để mẹ cảm nhận được rằng bây giờ sức khỏe và thậm chí là hơi thở trong cuộc sống lúc này của anh là ánh mắt, là nụ cười, là tiếng gọi “cha… cha…” ôm choàng lấy anh mỗi khi anh đi làm về của lũ trẻ… với anh tất cả những điều đó là sự sống bây giờ của cuộc đời anh.
Ít ai biết rằng dù phải chu toàn việc chăm sóc cho gần trăm đứa trẻ như vậy lại vừa đảm bảo công việc làm ăn để duy trì mái ấm, nhưng sức khỏe anh hiện tại rất yếu với nhiều chứng bệnh như tiểu đường, thoái hóa cột sống, thận…
Chia sẻ về bệnh tật của mình, ngước mắt nhìn đám trẻ, anh lại ngậm ngùi : “Trời kêu ai nấy dạ, nhưng đau đớn của bệnh tật không phải là điều tôi lo lắng hơn cả lúc này, mà điều làm tôi trằn trọc nhất là tôi sợ mỗi khi mình nằm xuống thì các con tôi sẽ ra sao? ai sẽ lo cho chúng từng miếng ăn, giấc ngủ? Khi tâm niệm lớn nhất của cuộc đời tôi bây giờ là được thấy sấp nhỏ được lớn lên trong tình yêu thương như một mái ấm gia đình thực sự, được thấy chúng ăn học nên người rồi lúc ấy tôi có nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện…”
Anh thầm nghĩ, có lẽ mình có duyên với những đứa trẻ bị bỏ rơi như vậy, nhưng bản thân anh hy vọng, giá mà đừng có quá nhiều đứa trẻ gọi anh là cha, không phải vì anh sợ mệt, sợ phiền mà vì anh hy vọng sẽ không còn cha mẹ nào vứt bỏ các con mình đứt ruột đẻ ra như thế nữa. Mấy đứa nhỏ tội lắm, đứa nào cũng cần nhất là tình yêu của cha mẹ ruột. Bản thân anh với 90 đứa trẻ, một vài đôi tay của các bảo mẫu thì dù có muốn anh cũng không sao bế bồng dỗ dành cho xuể từng đứa được, vậy là có đứa cứ khóc rồi lại tự nín, từ nhỏ các con đã phải tập thói quen tự lập, tự biết chăm sóc cho mình rồi.
Bà Mã Thị Thu (73 tuổi) nhà ở cạnh bên, ngày nào cũng qua thăm mái ấm cho biết: “Thấy thằng Lâm và Phúc ngày đêm đi làm nuôi mấy đứa nhỏ và nhiều đứa được cho ăn học đàng hoàng ai cũng khâm phục. Chứng kiến từ cái ngày tụi nó đem đứa nhỏ đầu tiên về nuôi cho đến hôm nay, tôi thấy lòng mình bé lại so với 2 đứa nó”.
Là nhà hảo tâm thường xuyên lui tới mái ấm, ông Lâm Quang Trí (74 tuổi, ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành) chia sẻ: “Tôi ở xã khác, nhưng cứ rảnh lại đến đây thăm tụi nhỏ, rồi thỉnh thoảng mua quà bánh cho chúng. Có khi giới thiệu vài người bạn, người thân giúp đỡ mái ấm khi có điều kiện. Phải có tấm lòng yêu thương lắm thì Lâm và Phúc mới làm được điều lớn lao như vậy”.
Nhìn những mầm sống được nhặt nhạnh từ bãi rác, bụi chuối, trên nấm mồ… đang lớn lên từng ngày trong tình yêu thương của 2 người “cha”, trong mái ấm chung cho những đứa trẻ bị bỏ rơi mà nhiều người không cầm được nước mắt. Mong rằng số phận mồ côi của chúng sẽ được lấp đầy bởi tình yêu của cộng đồng xã hội.
Chúc Di (t/h)