Một người đàn ông Ấn Độ cho rằng mình và gia đình đang bị quấy rối, tống tiền bởi một nhóm hacker hung tợn và tinh vi, nhưng không thể ngờ rằng thủ phạm lại chính là đứa con trai 11 tuổi.
Những tin nhắn lạ
Một tháng trước, truyền thông Ấn Độ đưa tin về trường hợp một người đàn ông ở thành phố Ghaziabad đã tìm đến cảnh sát địa phương trình báo về vụ việc gia đình anh bị một nhóm người tống tiền trên internet.
Rajiv Kumar kể rằng, vào ngày 1/1, tài khoản email của anh đã bị ai đó tấn công. Kể từ đó anh liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa và tống tiền từ nhóm hacker.
Những kẻ tội phạm yêu cầu Kumar phải trả 1 triệu rupee (gần 14.000 USD) hoặc chúng sẽ tung những bức ảnh nhạy cảm của Kumar lên mạng, sau đó giết anh ta và cả gia đình.
Ban đầu, người đàn ông phớt lờ những email đe dọa vì nghĩ đó chỉ là một trò đùa. Nhưng tên hacker bắt đầu tấn công vào điện thoại của anh, thay đổi số của Kumar, thậm chí là can thiệp vào cuộc sống của anh tại nhà riêng.
Rajiv Kumar bắt đầu thấy hoảng sợ, anh nghĩ rằng những tên tội phạm này rất tinh vi, chúng đã quan sát anh và gia đình trong suốt thời gian qua, do đó mọi nhất cử nhất động của gia đình anh đều bị theo dõi. Đến lúc này, Kumar mới liên hệ với cảnh sát.
“Thân phận” của kẻ hacker bị bại lộ khiến mọi người “ngỡ ngàng”
Trong quá trình điều tra, cảnh sát hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện địa chỉ IP của các tin nhắn lại trùng với địa chỉ nhà của nạn nhân. Điều đó có nghĩa là các email tống tiền này được gửi ngay từ bên trong nhà của Kumar.
Cảnh sát đã đến nhà thẩm vấn cậu con trai 11 tuổi của Kumar và cậu bé đã thú nhận mình chính là người tống tiền gia đình.
Cậu học sinh lớp 5 nói rằng đã tìm hiểu về tội phạm mạng khi xem các video hướng dẫn trên YouTube và nghĩ rằng mình đủ khéo léo để che giấu các vết tích.
Hậu quả “khôn lường” khi cho con trẻ tiếp xúc sớm với mạng xã hội, những video mang tính bạo lực
Qua đó có thể thấy, nhiều bậc phụ huynh nếu không quản lý con mình trong việc tiếp cận các ấn phẩm trên mạng xã hội. Rất dễ xảy ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến bạo lực, sức khoẻ, tinh thần…
Đặc biệt, trẻ ở độ tuổi vị thành niên, dù cơ thể phát triển nhanh, nhưng về tâm lý và hệ thần kinh của trẻ lại rất non nớt, đang trong quá trình chuyển đổi, do vậy rất dễ bị lôi kéo, học theo và làm theo các dẫn dụ của game. Nhiều trò chơi bạo lực, nguy hiểm sẽ tác động trực tiếp vào ý thức của trẻ.
Cha mẹ nên có sự lựa chọn khi cho trẻ tiếp xúc với các video youtube, cần lựa chọn những nội dung mang tính giáo dục, giúp trẻ mở mang phát triển trí lực.
Tuy nhiên cũng cần hạn chế cho trẻ xem và tiếp xúc quá nhiều với công nghệ, cũng cần giám sát chặt khi trẻ cầm đến các dụng cụ cầm tay hoặc TV có mạng internet.
Thanh Nga (t/h)