Ông Dũng, người bị bắt giam oan sai cách đây hơn 40 năm đã thay đổi nội dung khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh, hạ mức bồi thường từ 10,9 tỷ đồng xuống còn 3,6 tỷ đồng.
Theo báo Thanh Niên, sau nhiều lần bị hoãn, mới đây vào ngày 16/3, TAND tỉnh Bình Dương đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ông Nguyễn Văn Dũng (61 tuổi, ngụ Bình Dương) kiện Viện KSND Tây Ninh, yêu cầu được bồi thường oan sai.
Trước đó, ông Dũng đã làm đơn kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh đòi bồi thường oan sai số tiền trên 10,9 tỷ đồng vì năm 1983 Công an huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) bắt giam oan ông cùng với 7 thành viên khác trong gia đình, để điều tra về tội ‘cướp tài sản riêng của công dân’.
Sau hơn 3 năm tạm giam, cơ quan công an điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của những người trong gia đình ông Dũng nên đến ngày 11/5/1983 buộc phải trả tự do cho cả 8 người.
Từ khi được trả tự do, ông Dũng và người thân mãi vẫn không nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can… khiến ông và người nhà phải mang trong mình nỗi oan khuất là bị can trong vụ án cướp tài sản suốt 40 năm.
Phải đến tháng 10/2019, sau khi báo chí đăng tải loạt bài điều tra về việc 40 năm mang thân phận oan khuất, ông Dũng và 7 thành viên trong gia đình mới được minh oan và được VKSND tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi.
Đến ngày 12/3/2020, Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra quyết định bồi thường oan sai cho những người trong gia đình ông Dũng với các mức bồi thường khác nhau.
Riêng ông Dũng không chấp nhận số tiền bồi thường 1,059 tỷ đồng nên ngày 25/3/2020 đã làm đơn khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra TAND tỉnh Bình Dương yêu cầu bồi thường oan sai với số tiền 10,9 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Dũng rút lại yêu cầu bồi thường về thiệt hại tài sản, sức khỏe và một số danh mục mà đã yêu cầu bồi thường trước đó, xuống còn 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND tỉnh Tây Ninh vẫn không chấp thuận mức bồi thường này và khẳng định chỉ chấp nhận bồi thường oan sai cho ông Dũng số tiền trên 1 tỷ đồng.
Trước đó, trình bày trước HĐXX, ông Dũng cho biết, trước khi bị bắt giam, bản thân ông đang được hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, có tài sản nhà cửa, ruộng vườn đất đai. Nhưng từ sau khi bị bắt mọi tài sản của ông đều mất sạch.
Cụ thể, ông Dũng cho biết, trong thời gian bị bắt tạm giam, ruộng vườn của ông bị người khác xâm chiếm nên không còn đất đai để canh tác; nhà cửa, ghe xuồng cũng bị mất hết.
Sau này dù được trả tự do nhưng không được minh oan nên ông bị người ở quê nghi ngờ liên quan đến vụ cướp khiến ông phải bỏ quê Tây Ninh sang Bình Dương (xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) để làm thợ hồ, phụ hồ cho đến năm 58 tuổi thì sức khỏe giảm sút, bị bệnh nên phải nghỉ làm.
Đáng chú ý, trình bày trước HĐXX, nguyên đơn còn cho rằng trong quá trình bị bắt giam ông đã bị công an đánh đập, ép cung, bị ho ra máu, đau tức lồng ngực… đến nay những triệu chứng này vẫn còn. Đã nhiều lần ông đến bệnh viện để khám, điều trị nhưng do viện phí quá cao, không có tiền chữa trị nên cứ để bệnh đau triền miên như vậy cho đến nay.
Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng phía Viện KSND tỉnh Tây Ninh đưa ra mức bồi thường 1,059 tỷ đồng, mà chưa đưa ông Dũng đi giám định sức khỏe, tâm thần và chưa xác minh tài sản, thu nhập của ông Dũng bị mất trong quá trình tạm giam… là chưa làm hết trách nhiệm..
Hiện HĐXX đã tiến hành nghị án kéo dài và dự kiến đến cuối tháng 3/2022 mới tuyên án.
Theo Thanh Niên