Ngày 10/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2020/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm nếu hoàn lương,.. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ 1/3/2020.
Theo Quyết định 02/2020/QĐ-TTg, việc tiếp tục thực hiện thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV tại 15 tỉnh, thành phố sẽ được kéo dài đến hết ngày 31/12/2020.
Số tiền hỗ trợ vay là 20 triệu đồng đối với cá nhân, và 30 triệu đồng đối với hộ gia đình, trong thời hạn là 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo; lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay trước đó. Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp 50% trên tổng số kế hoạch nguồn vốn hàng năm, 50% còn lại sẽ do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động.
Số tiền vay này được dùng cho việc mua sắm những loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc, gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, đầu tư làm các nghề thủ công, góp vốn làm ăn với người khác,..Thông qua đánh giá kết quả đạt được, từ năm 2021 trở đi, Chính phủ sẽ xem xét về việc mở rộng và áp dụng trên phạm vi cả nước.
Tranh cãi ‘Hợp thức hóa mại dâm ở Việt Nam’
Đã có nhiều tranh cãi về vấn đề ‘Hợp pháp hóa mại dâm ở Việt Nam’, trao đổi với phóng viên, TS Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp, khẳng định, ông ủng hộ coi mại dâm là một ngành nghề.
“Điều này có nhiều lợi hơn là hại. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện lộ trình này, chẳng qua người dân chưa quen vì mại dâm trái với thuần phong mỹ tục”, ông Đạt cho hay.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, cho rằng hiếm quốc gia nào trên thế giới nghiêm cấm hoặc buông lỏng hoàn toàn hoạt động mại dâm.
“Nếu luật mới coi mại dâm là một ngành nghề, liệu đã xuôi chưa? Tôi cho rằng rất khó, vì ít quan điểm của người dân ủng hộ điều này. Coi mại dâm là một nghề, đồng nghĩa phải đưa ra các điều kiện lao động, quy định nơi làm việc, quản lý việc giới thiệu, quảng cáo…”, ông Đàm cho biết.
Về vấn đề này, nhà xã hội học PGS.TS Trịnh Hòa Bình, cho rằng, cho đến bây giờ quan điểm vẫn chưa ngã ngũ, và khả năng hợp thức hóa mại dâm, coi mại dâm là một nghề vẫn chưa được thừa nhận, bây giờ cần phải triển mạnh tư duy từ chỗ cấm cản, tiêu diệt, tẩy trừ không thừa nhận nhưng rồi vẫn mặc nhiên thừa nhận.
Việt Nam có 15.000, 87.000 hay 300.000 người hành nghề mại dâm
Theo báo cáo, của Ủy ban Quốc Hội, thì số lượng người bán dâm ở Việt Nam là khoảng 15.000 người (giai đoạn 2011- 2016) , trong khi báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam năm 2016 vào khoảng 87.000 người.
Tuy nhiên một bài viết trên tờ The Diplomat vào ngày 13/4/2017 thì nói rằng, con số được báo cáo chính thức năm 2013 đã là 33.000 người nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng con số thật là khoảng 200.000 người cùng thời điểm.
Còn theo kết quả của một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính số lượng người bán dâm ở Việt Nam năm 2017 là 101.272 người. Đáng chú ý, trong đó có 72.000 người bán dâm là nữ và hầu hết khách hàng là nam giới (theo ILO, ngành công nghiệp tình dục ở Việt nam – một khía cạnh về quyền lao động. Tóm tắt báo cáo nghiên cứu định tính, 2016).
Vào tháng 3/2018, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, theo báo cáo từ các tỉnh thành phố, hiện có khoảng 11.000 đến 19.000 gái mại dâm hiện nằm trong diện quản lý của Nhà nước.
Theo một tài liệu nghiên cứu của Liên hiệp quốc thì số lượng người bán dâm ở Việt Nam ở mức xấp xỉ 300.000 người (số liệu năm 2014).
Từ Nguyên (t/h)