Một nghiên cứu từ Đại học Roshester (Anh) đã chỉ ra rằng, não bộ có hẳn một cơ chế tự “làm sạch”, giúp bạn thải bỏ các độc tố tích tụ gây nguy cơ mắc bệnh như Alzheimer’s, và cơ chế này hoạt động tốt nhất khi bạn đang ngủ. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn không cảm thấy thoải mái chút nào khi thức dậy mỗi sáng dù đã dành ra 7 – 8 tiếng nghỉ ngơi?
Hãy cùng xem các chuyên gia lý giải điều này như thế nào nhé.
1. Bạn đang bị mất nước
Khi cơ thể không đủ nước, huyết áp sẽ giảm đồng nghĩa với việc làm chậm dòng oxy đưa tới não. Hệ quả của việc thiếu oxy là cảm giác mất tỉnh táo. Do đó, nếu bạn tỉnh giấc một cách mệt mỏi thì hãy uống ngay một cốc nước. Lượng nước cần nạp sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân, nhưng trạng thái lý tưởng bạn nên đạt được là uống đủ nước để có cảm giác cần đi vệ sinh ít nhất 3 lần mỗi ngày. Lượng nước này sẽ tương đương với khoảng từ 6 – 8 cốc nước.
2. Tuyến giáp trạng có thể có vấn đề
Tuyến giáp trạng là một tuyến sản sinh các hormone điều hòa giấc ngủ và trạng thái thèm ăn. Khi cơ quan này không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, diễn ra tình trạng suy tuyến giáp nên giấc ngủ của bạn sẽ có các biểu hiện khác thường. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến cho tình trạng ngủ quá độ. Trong trường hợp bạn luôn mệt mỏi dù đã ngủ rất nhiều, hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe.
3. Sử dụng đồ uống có cồn
Khi dùng các đồ uống chứa cồn trước khi ngủ như bia, rượu, bạn sẽ ngủ chập chờn, và thức giấc một cách uể oải. Theo trung tâm National Sleep Foundation tại Mỹ, việc sản xuất adenosine tăng lên khiến bạn cảm thấy buồn ngủ khi tiêu thụ đồ uống chứa cồn nhưng nồng độ chất này giảm nhanh chóng sau đó, khiến cơ thể tỉnh dậy khi đang được nghỉ ngơi thực sự.
Rượu bia chính là một trong những nguyên nhân khiến bạn không thể bước vào giấc ngủ sâu (REM) – giai đoạn cơ thể tự phục hồi năng lượng. Do đó, việc bạn uống rượu và thức dậy với cảm giác đau đầu vào sáng hôm sau là điều tất yếu.
4. Bạn đang gặp các rối loạn về việc ngưng thở khi ngủ
Chứng rối loạn này đang làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của khoảng 3 – 7% dân số. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng đường hô hấp bị tắc một phần trong lúc ngủ. Hiện tượng này xảy ra khi cơ thể bị thiếu oxy và lúc này bộ não “không đủ tỉnh táo” để điều tiết hô hấp làm việc bình thường. Sự gián đoạn khi thở này xảy ra đột ngột và nhanh chóng trong vài giây hoặc vài phút và nhiều người chẳng thể biết được điều này khi thức dậy vào sáng hôm sau.
Các triệu chứng của bệnh này là ngáy ngủ và thức dậy với hiện tượng đau đầu vào sáng hôm sau. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến biến chứng như cao huyết áp hoặc các vấn đề tim mạch.
5. Chứng trầm cảm
Một trong những biểu hiện thường có ở người đang gặp phải chứng trầm cảm hay rối loạn về tâm lý là họ trông mệt mỏi và ngái ngủ, thời gian ngủ có thể nhiều hơn. Vấn đề không chỉ bởi thể chất của họ suy sụp, mà còn do trạng thái tâm lý bị ức chế khiến việc rời khỏi giường trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, nếu bạn không muốn thức dậy và cảm thấy chẳng có sức lực gì để khởi đầu ngày mới, thì hãy tìm đến một cuộc kiểm tra tâm lý, nói chuyện với một chuyên gia là giải pháp được khuyến khích trong trường hợp này.
6. Dùng điện thoại, máy tính trước khi ngủ
Nếu bạn có thói quen “dính” lấy điện thoại, máy tính ngay trước khi đi ngủ thì đây chính là nguyên nhân khiến cơ thể uể oải, mệt mỏi vào sáng hôm sau vì giấc ngủ không sâu. Loại ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại ngăn chặn việc sản xuất melatonin tự nhiên của cơ thể, đây là hormone điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Lúc này, nhịp sinh học bị ảnh hưởng và bạn khó có thể đi vào giấc ngủ sâu.
Chính vì thế, hãy tránh xa điện thoại, máy tính ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ để buổi sáng hôm sau có thể thức dậy với tinh thần thật thoải mái.
Theo Vạn Điều Hay