Không chỉ hoành hành ở Biển Đông, đội tàu cá Trung Quốc còn càn quét, làm suy giảm nghiêm trọng số lượng cá tại các vùng biển ở châu Phi, đặc biệt là khu vực Tây Phi, đe dọa đến cuộc sống của ngư dân địa phương.
Các vùng biển Tây Phi là nơi nạn đánh bắt trái phép hoành hành mạnh mẽ nhất, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của những người nghèo sống dựa vào biển.
Tuy nhiên những nước như Guinea, khu vực Tây Phi, chỉ có thể bất lực đứng nhìn các hoạt động đánh bắt cá phi pháp của Trung Quốc vì không có đủ tài chính để ngăn chặn.
Theo lãnh đạo Steve Trent của Tổ chức Công lý Môi trường, sự yếu kém của chính phủ cộng với thiếu nguồn lực và tham nhũng của chính quyền nơi đây đã tạo điều kiện cho những tàu đánh bắt cá Trung Quốc hoành hành.
“Chúng tôi từng thu nhập từ 700 USD đến 1.400 USD cho mỗi ngày đánh cá nhưng giờ nạn đánh bắt trái phép ngày càng tăng nên cá ít dần. Một số chuyến chúng tôi chỉ kiếm được 140 USD vì những vùng chúng tôi thường đánh bắt không còn cá”, ngư dân Abdoulaye Soumah, 32 tuổi, cho biết khi nhìn ra biển từ cảng Bonfi ở thủ đô Conarky của Guinea.
Lãnh đạo Liên đoàn đánh bắt cá thủ công của Guinea Aboubacar Kaba tố cáo, thủ phạm không ai khác chính là các tàu cá Trung Quốc. Loại cá mà các tàu Trung Quốc tìm kiếm tại Tây Phi là cá đù vàng, một loại hải sản đắt đỏ ở châu Á nhưng lại đang suy giảm vì đánh bắt quá mức.
“Năm 2008 có 14 tàu cá Trung Quốc ở vùng biển này nhưng đến năm 2016 có hơn 500 tàu”, ông Kaba nói.
Trong khi đó theo tổ chức Hòa bình Xanh, nhiều công ty hải sản Trung Quốc có lịch sử đánh bắt cá trái phép tại khu vực này. Hàng trăm vụ đánh bắt trái phép của tàu Trung Quốc được ghi nhận khắp vùng biển Tây Phi trong vài năm trở lại đây.
Trong giai đoạn 2000-2006 và 2011-2013, ít nhất 183 trường hợp đánh bắt trái phép ở 6 nước Tây Phi. Tất cả các tàu bị phát hiện đều là tàu Trung Quốc và 31% vi phạm nhiều hơn một lần. Tất cả đều là tàu sử dụng kỹ thuật đáy cá.
Ngoài ra tổ chức Hòa bình Xanh còn cho biết, nạn đánh bắt cá lậu ở châu Phi tăng mạnh trong thời gian xảy ra dịch Ebola khi các nước phải tập trung nguồn lực để dập dịch. Trong một tháng điều tra hồi năm 2014 ngoài khơi Guinea, tàu của tổ chức Hòa bình Xanh cứ 2 ngày lại nhìn thấy một tàu đánh cá trái phép của Trung Quốc.
Họ cũng phát hiện nhiều tàu Trung Quốc khai báo không đúng tải trọng. “Điều này gây thiệt hại cho thu nhập của Guinea”, nhà hoạt động Ahmed Diame nói.
Đáng lo ngại là hầu hết tàu đánh bắt cá của Trung Quốc đã bị cấm tại nhiều nơi trên thế giới vì thói vơ vét bất chấp môi trường. Các tàu này nạo sạch mọi thứ dưới đáy đại dương, xới tung các rặng san hô và bãi hàu, không chừa lại bất cứ gì trên đường đi.
“Đến 90% những thứ họ bắt lên sau đó lại ném xuống biển đều đã chết”, tổ chức Hòa bình Xanh cho biết.
“Trong khi chính quyền Trung Quốc đang bắt đầu hạn chế những kỹ thuật đánh cá có tính phá hoại trên những vùng biển của mình, thì họ lại áp dụng tiêu chuẩn kép ở châu Phi nhờ các lỗ hổng trong chính sách nơi đây”, tổ chức Hòa bình Xanh lên án.
Không chỉ vậy, các ngư dân cho biết thêm các tàu Trung Quốc thường lén lút hoạt động vào ban đêm trong khu vực 12 hải lý quanh bờ biển, nơi chỉ giới hạn cho những tàu nhỏ đánh bắt thủ công.
Theo Tuổi Trẻ