Tinh Hoa

Ngôi nhà cấp 4 ở Vĩnh Long sẽ khiến bạn tưởng mình lạc vào hang động sâu hun hút

Những ngôi nhà cấp 4 từ xưa đến nay vẫn bị gắn cho cái mác thiếu tiện nghi, cũ kĩ, nhưng khi bước vào ngôi nhà cấp 4 ở Vĩnh Long dưới đây chắc chắn bạn sẽ bất ngờ và thay đổi suy nghĩ.

Ngôi nhà nằm e ấp trên 1 trục đường nhỏ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh sưu tầm từ internet)

Gia chủ là người theo đạo Thiên Chúa. Với ước mong về một ngôi nhà giản dị, vừa là nơi ở, vừa là nơi để cầu nguyện và tránh xa những bộn bề của cuộc sống thường nhật.

Vật liệu và ánh sáng là những chất liệu chủ yếu tạo lên một không gian kiến trúc. Công trình kiến trúc phải có ý nghĩa biểu hiện một triết lý nhân văn, thông qua ngôn ngữ và hình thái kiến trúc” – theo lời KTS Ngô Việt Khánh Duy.

Khu đất rất dài tới 40m, mặt tiền 5m, ngay từ ý tưởng ban đầu, kiến trúc sư cùng các cộng sự đã nghĩ đến một ngôi nhà chỉ có một tầng. Tuy nhiên, lối mòn tư duy luôn là một cản trở trong công việc thiết kế, đặc biệt trong một hoàn cảnh eo hẹp về đầu tư và những bất lợi của khu đất. Làm sao để vừa đẹp, vừa tiện lợi trong việc sử dụng, giá thành khiêm tốn mà vẫn gửi gắm những mong muốn của mình vào công trình, đó là điều mà các kiến trúc sư luôn trăn trở.

Lấy ý tưởng từ mặt cắt không gian hang Sơn Đoòng, hang động đặc biệt với hệ sinh thái riêng biệt, không gian hang động có sông ngầm, hố sụt đem ánh sáng tự nhiên và thảm thực vật trong lòng hang. The Longcave cũng là một chốn như vậy, bài toán về ánh sáng và thông gió tự nhiên đã được giải đáp. Tuy nhiên, do có chiều sâu rất dài, nên kiến trúc sư đã sử dụng các diện trần cong, gấp, vuốt chéo khác nhau nhằm tạo những cảm xúc khác biệt ở từng lớp không gian.

Không gian hoàn toàn không có những vách ngăn. Các lớp không gian tràn vào nhau, tạo ra một lưu tuyến xuyên suốt công trình. Cùng với các khoảng thông tầng đan xen có vần luật, giúp công trình luôn đầy ánh sáng và thông thoáng.

Một phần nhỏ diện tích khu đất được lùi lại ở phía sau, nhằm tạo ra 1 khu vườn nhỏ. Bên trong công trình, các khoảng cây, vườn cảnh được cài cắm như 1 sự vô ý, tuy nhiên chính ánh sáng cùng các diện trần với cao độ khác nhau đã tạo ra những khung cảnh thú vị.

Hành lang kết nối khu tiền sảnh với khu vực phòng khách. Một giếng trời chạy dọc được thiết lập tại đây, nhằm đem lại ánh sáng và dẫn dắt thị giác cho con người.

Vật liệu chủ yếu được sử dụng với gam màu xám trắng. Đây là kết quả của những buổi trao đổi giữa kiến trúc sư và gia chủ, một người theo đạo Thiên Chúa.

Trên nền trắng xám, ánh nắng và cây cỏ như nổi bật hơn, hiếm hoi và quý giá. Các diện tường được xử lý sạch sẽ, thị giác hoàn toàn được nghỉ ngơi. Công trình nhưng không phải là công trình, đó có chăng là ngụ ý của kiến trúc sư?

Một không gian kiến trúc, không nhất thiết phải quá lớn hay phô trương. Nó là sự hợp thành từ chất cảm bề mặt vật liệu, sự biến đổi của ánh sáng, màu sắc của thiên nhiên và âm thanh của sự tĩnh lặng.

The longcave như cuộc hành trình đi qua 1 hang động, giống như Sơn Đoòng, bạn phải vất vả vượt qua nó để hưởng thành quả ở vườn Adam. Chất liệu đơn giản, nhưng cô đọng trong tạo hình.

Khoảng ngăn cách ước lệ được thiết lập dựa vào 1 giếng trời và khoảng vườn nhỏ dưới nó. Không gian phòng ăn và phòng khách như tràn vào nhà.

Theo genk