Vì cần đá hoa cương để xây cầu, người ta quyết định cho nổ tung một vùng núi bằng mìn, bất chấp nơi này có một ngôi mộ cổ. Bất ngờ, châu báu vàng bạc trong ngôi mộ văng ra tung tóe.
Sự việc xảy ra vào tháng 10/1960, khi một đơn vị quân đội Trung Quốc đóng ở trấn Cao Vũ, huyện An Cát, tỉnh Chiết Giang đưa ra một đề xuất để phá núi, lấy đá xây cầu, bất chấp trong khu vực này có một ngôi mộ cổ.
Nhưng một số người cho rằng, dùng thuốc nổ để phá núi khai thác đá là rất khó vì núi Lão Hổ Sơn toàn đá hoa cương, rất cứng, nên cuối cùng họ đã cho nổ lăng mộ cổ ở đây để lấy đá.
Ngôi mộ cổ này rất lớn, được xây bằng những tảng đá hoa cương khổng lồ. Các tảng đá đều được mài nhẵn và xếp chồng lên nhau rất chặt chẽ. Ngôi mộ cổ cao bằng một người lớn, có hình lục giác, đỉnh mộ được đắp bằng 6 phiến đá dày, trước mộ có một bàn đá khổng lồ để cúng tế.
Không ai trong làng biết về lai lịch ngôi mộ. Tất cả những gì họ biết là ngôi mộ cổ này có từ rất lâu đời, chữ viết trên bia mộ đã bị mờ. Tương truyền rằng đây là ngôi mộ của một viên quan thời phong kiến và vợ của ông.
Ở thời kỳ này, chính quyền Trung Quốc phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến, hô hào xóa bỏ mọi ‘tàn tích phong kiến’. Khi đó, chính quyền hô hào rằng “phải làm nổ tung ngôi mộ của tên quan phong kiến này và trả lại đá cho dân!”.
Sau khi đề xuất được chấp thuận, chính quyền đã huy động hơn 200 người đến hiện trường để thực hiện việc phá mộ.
Sau 3 tiếng nổ lớn nối tiếp nhau vang lên, 6 tảng đá trên ngôi mộ cổ bị thuốc nổ chấn nát khiến đá sỏi bay tứ tung. Người làng chạy tới xem xét, họ đã nhìn thấy một cảnh tượng mà họ sẽ không bao giờ quên.
Hàng trăm mảnh vàng bạc châu báu lấp lánh, chói lọi bị chôn vùi mấy trăm năm dưới đất sâu văng tung tóe, nằm rải rác trên mặt đất khiến tất cả những người có mặt ở hiện trường đều sững sờ.
Ngoài ra, trên đỉnh ngôi mộ cổ xuất hiện một cái hố rất lớn, bên trong quả thật có 2 quan tài màu đen. Sau khi nắp quan tài bên trái được mở ra, có một thi thể nam giới nằm trong đó. Bên phải là một quan tài khác đặt một thi hài của một phụ nữ.
Sau đó, cảnh tượng hoàn toàn mất kiểm soát. Nhiều người dân đến xem phá núi nháo nhào xông lên nhặt báu vật.
Tuy nhiên, sự việc nhanh chóng bị lực lượng dân quân địa phương ngăn chặn. Họ yêu cầu người dân trả lại toàn bộ số vàng bạc đã lấy và sau đó gửi tất cả tới trung tâm văn hóa để các chuyên gia kiểm tra.
Chuyên gia của trung tâm văn hóa khi nhìn thấy bia mộ đã ngay lập tức ôm lấy, xót xa thốt lên: “Thật đáng tiếc! Đây là một ngôi mộ cổ có giá trị lịch sử!”
Tổng cộng có 47 di vật đã được lấy ra từ lăng mộ cổ, bao gồm 5 bảo vật bằng vàng, 23 món bạc bao gồm 10 chiếc chuông, 5 món đồ ngọc quý cùng rất nhiều mã não, hổ phách và thậm chí 3 chiếc quạt xếp bằng vàng.
Các món cổ vật đều được thiết kế vô cùng tinh xảo, đặc biệt có một vài miếng ngọc bích là di vật văn hóa thuộc hàng “bảo vật quốc gia” có chất lượng hàng đầu.
Tổng giá trị của lô di vật văn hóa trong mộ cổ được ước tính lên tới ít nhất là 200 triệu nhân dân tệ (tương đương 700 tỷ đồng).
Nhiều người tò mò về ngôi mộ. Câu hỏi đặt ra là, chủ nhân ngôi mộ là ai? Vì sao lại có nhiều bảo vật đến vậy?
Sau khi giải mã chữ viết trên văn bia, các chuyên gia cho biết, chủ nhân ngôi mộ là Ngô Lâm, một vị quan lớn thời nhà Minh và phu nhân của ông.
Ngô Lâm ít được đề cập đến trong sử sách. Được biết, ông sinh năm 1485 và mất vào tháng 9/1553. Năm 1547, khi Ngô Lâm 63 tuổi, ông từ quan về quê sống cuộc đời thanh bạch, đạm bạc đến khi mất.
Sinh thời, Ngô Lâm nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực. Vì thế, ông không hề giàu có hay có nhiều tài sản. Cho nên, các chuyên gia thắc mắc: “Số vàng bạc, châu báu khủng trong mộ của ông từ đâu ra?”
Theo nghiên cứu, khi Ngô Lâm qua đời, ông được an táng trên núi Lão Hổ Sơn một cách đơn giản. Ngôi mộ đơn sơ không có nhiều vật tùy táng quý giá.
Tuy nhiên, Ngô Lâm có 4 người con, mỗi người đều rất tài giỏi. Họ đều là những học giả danh tiếng và trọng thần thời bấy giờ, được Gia Tĩnh Hoàng đế triều Minh trọng dụng.
Cũng chính Gia Tĩnh Hoàng đế đã ban thưởng cho họ rất nhiều vàng bạc, châu báu để Ngô gia xây dựng lại lăng mộ của Ngô Lâm khang trang, bề thế hơn. Do đó, số châu báu trong mộ Ngô Lâm là do 4 người con trai của ông đặt vào sau này.
Sau khi qua đời, vợ của Ngô Lâm cũng được an táng trong lăng mộ cùng chồng. Để ngăn chặn những kẻ trộm mộ, hậu duệ của gia tộc họ Ngô đã niêm phong lăng mộ bằng những tảng đá khổng lồ cho đến khi nó bị chính quyền cho nổ tung bằng thuốc nổ 400 năm sau đó.
Ngày nay, các bảo vật trong lăng mộ của Ngô Lâm và vợ ông được lưu giữ và bảo quản trong Bảo tàng huyện An Cát, tỉnh Chiết Giang và trở thành báu vật của bảo tàng.
Thiện Thành (t/h)