Những người dân sống ở một làng chài nhỏ nằm trên bán đảo Kanin, miền Bắc nước Nga, không bao giờ đóng cửa trước khi đi ngủ nếu không họ có thể sẽ “biến mất” mà không ai biết.
Cư dân sống tại làng Shoyna, ở rìa của vòng Bắc Cực, không những phải chịu đựng lạnh giá mà còn phải thường xuyên chống chọi với cát biển trải dài hàng chục km dọc theo bờ biển Trắng.
Những đụn cát liên tục xuất hiện trên bờ biển do những tác động của gió Tây và có thể chôn vùi những ngôi nhà nơi đây chỉ trong 1 đêm. Vì vậy, ngư dân ở đây không bao giờ đóng cửa vào ban đêm bởi buổi sáng thức dậy, họ có thể không ra khỏi nhà được do cát chôn lấp. Trong làng luôn có một xe chuyên san ủi cát để “giải cứu” những ngôi nhà gỗ nhỏ bé bên dưới.
Ngôi làng được thành lập vào năm 1930 bởi những gia đình ngư dân do nguồn cá và sinh vật biển ở đây rất phong phú, dồi dào. Số lượng cư dân ở đây không ngừng tăng lên, đến năm 1950, dân số của làng Shoyna đã là 1.500 người. Họ hợp tác làm ăn với nhau và cùng sở hữu hơn 70 tàu cá.
Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức đã làm cho lượng cá vùng Biển Trắng sụt giảm đáng kể, nghề chài truyền thống hàng chục năm của làng Shoyna vì thế mà cũng biến mất. Nguồn sống duy nhất bị mất, người dân ở đây lần lượt bỏ làng đi nơi khác kiếm sống. Đến nay, chỉ còn 300 người dân sống trong làng. Phần lớn sống dựa vào những đồng trợ cấp thất nghiệp và lương hưu từ chính phủ, số khác kiếm sống từ việc săn bắn ngỗng quanh đó.
Hơn một nửa ngôi làng Shoyna bị vùi lấp dưới những ụ cát lớn do những cơn gió Tây mang đến. Người ta cho rằng sự phá vỡ của tầng đất bị đóng băng và những thay đổi dưới đáy biển là nguyên nhân sinh ra cát.
Không có đường bộ hay đường sắt dẫn đến Shoyna, mối liên kết duy nhất của ngôi làng với thế giới bên ngoài là đường hàng không. Chỉ có một sân bay dân sự duy nhất được đặt ở đây, nhưng nó cũng bị cát “tấn công”.
Dưới đây là hững bức ảnh sinh hoạt thường ngày của người dân làng Shoyna luôn phải gồng mình chống chọi với cát của họ:
Theo Afamily